Bà Nguyễn Như Quỳnh và ông Vương Văn An (người đứng) khi nhận tiền mặt hợp tác đầu tư từ anh T.M.T.
Theo phản ánh của anh T.M.T, tại Quảng Bình, qua các mối quan hệ làm ăn giới thiệu, anh T. có quen biết với bà Nguyễn Như Quỳnh (HKTT: xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).
Qua quá trình tiếp xúc, trao đổi, bà Quỳnh thường “nổ” có quan hệ xã hội rộng, chồng là cán bộ công tác trong ngành công an, hiện đang quản lý một khu đất rộng khoảng 15.000m2 tại địa chỉ 234 đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, dùng để kinh doanh sân bóng cỏ nhân tạo, có khả năng sinh lời cao nên đã mời anh T. cùng hợp tác để liên kết kinh doanh.
Nhận thấy địa điểm kinh doanh ở vị trí tương đối thuận lợi và do tin tưởng chồng bà Nguyễn Như Quỳnh là ông Vương Văn An đúng là chiến sĩ đang công tác tại Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) nên anh T. đã chấp nhận lời mời góp vốn, cùng hợp tác kinh doanh sân bóng cỏ nhân tạo của bà Quỳnh.
Ngày 19/10/2018, anh T. và bà Nguyễn Như Quỳnh có ký kết hợp đồng liên kết kinh doanh sân cỏ nhân tạo số 19/10-2018/HDLDSC để cùng hợp tác đầu tư, khai thác sân bóng cỏ nhân tạo tại địa chỉ: 234 đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Khu đất rộng khoảng 15.000m2, gồm 9 sân bóng mini.
Theo đó, anh T, đồng ý góp vốn chung với bà Quỳnh với số tiền 2,3 tỷ đồng, tương ứng với 66,6% tổng mức đầu tư.
Thời hạn liên kết kinh doanh được tính từ ngày 29/12/2018 cho đến khi chủ đầu tư thu hồi làm dự án (trước khi chủ đầu tư thu hồi làm dự án sẽ báo trước 5 tháng và bà Quỳnh có trách nhiệm tìm địa điểm mới để di chuyển sân bóng sang đó).
Ngoài ra, bà Quỳnh còn cam kết trong hợp đồng thời gian hoạt động tối thiểu của sân cỏ nhân tạo là 2 năm (24 tháng) kể từ ngày kí hợp đồng. Nếu chưa đến đến thời gian tối thiểu mà chủ đầu tư có quyết định thu hồi thì bà Quỳnh sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền mà anh T. chưa thu hồi đủ vốn góp cộng thêm lãi suất ngân hàng tại thời điểm đó. Số tiền thiếu được tính bằng tổng số tiền góp liên kết trừ đi lợi nhuận đã chia các tháng.
Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 10/2019, sân bóng bị đóng cửa, dừng hoạt động theo yêu cầu từ phía cơ quan chức năng.
“Kể từ thời điểm sân bóng phải dừng khai thác, tôi đã nhiều lần gọi điện hoặc trực tiếp yêu cầu bà Quỳnh hoàn trả lại số vốn đã góp những chưa thu hồi được theo đúng hợp đồng hai bên đã ký kết, tuy nhiên bà Nguyễn Như Quỳnh thường xuyên thoái thác nghĩa vụ trả tiền. Đối chiếu với các điều khoản trong hợp đồng đã ký với bà Quỳnh, tôi đang chịu khoản thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ đồng” - Anh T. bức xúc nói.
Sau một thời gian dài thúc giục bà Quỳnh hoàn trả số tiền đã góp vốn những không được đáp ứng, anh T. đã tố cáo bà Quỳnh ra cơ quan công an về hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Mặt khác, ông Vương Văn An, chồng bà Quỳnh là cán bộ, chiến sĩ công an công tác tại Cục An ninh nội địa (Bộ Công an), trong quá trình giao nhận tiền hợp tác đầu tư giữa anh T. và bà Quỳnh cũng có mặt, biết rất rõ việc làm của vợ nhưng không thực hiện khuyên nhủ, căn ngăn kịp thời.
Theo Trung tướng Nguyễn Mạnh Dũng - Cục trưởng Cục An ninh nội địa cho biết, ông Vương Văn An đã được Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) cho xuất ngũ theo Quyết định số 655/QĐ-A02-P2 ngày 20/02/2020.
Đối với vụ việc mà anh T.M.T gặp phải, có hay không hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Nguyễn Như Quỳnh theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015?. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm đối với khu đất 234 đường Phạm Văn Đồng là gì khi buông lỏng quản lý để một số đối tượng lợi dụng, kinh doanh khai thác làm sân bóng từ đó gây ra thiệt hại cho người dân?
Trước các dấu hiệu trục lợi, chiếm dụng vốn người dân như đã nêu ở trên, dư luận đang mong mỏi đồng chí Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo trực tiếp các đơn vị nghiệp vụ của Công an Thành phố, Công an quận Bắc Từ Liêm xác minh, làm rõ vụ việc tố cáo nêu trên một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện, tránh bỏ lọt tội phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Hai là, theo nhận định của một số luật sự, các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có các hành vi lập các hợp đồng đầu tư, dùng các thủ đoạn gian dối để đối tác nộp tiền vào nhưng sau khi nhận được tiền, đạt được mục đích rồi, thì không thực hiện theo đúng cam kết, rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Vì vậy, nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, chiếm dụng cần nhanh chóng tố giác các hành vi phạm tội đến cơ quan chức năng để đẩy lùi, ngăn chặn tội phạm.
Ba là, có thể thấy, các chiêu thức được một số đối tượng sử dụng không hề mới nhưng vẫn lừa đảo, chiếm dụng tài sản của nhiều người dân là do có sự nhẹ dạ, mất cảnh giác vì tin tưởng các mối quan hệ được giới thiệu.
Do đó, trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ danh tính người cùng hợp tác, công khai rõ địa chỉ, rõ ràng, minh bạch cách thức, loại hình, nguồn gốc đầu tư, thanh toán.
Phan Anh Tuấn