Hoạt động góp vốn kinh doanh bằng quyền thuê đất và tài sản trên 2 khu 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu của ĐSVN gây lãng phí, kém hiệu quả.
Tiếp nối chuỗi sai phạm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và một số đơn vị thành viên trong việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản. Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra các dấu hiệu bất thường, hành vi trái pháp luật của ĐSVN khi thực hiện góp vốn kinh doanh ngoài ngành tại 2 khu đất “đắc địa” bậc nhất Thủ đô.
Không tuân theo chỉ đạo, ĐSVN nhiều lần “vượt mặt” Bộ GTVT
Thời điểm tháng 01/2013, ĐSVN đang quản lý sử dụng 02 thửa đất (giáp nhau) và tài sản trên đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu. Đối với thửa đất tại 80 Lý Thường Kiệt, diện tích 717,48 m2 (tài sản trên đất có khách sạn 05 tầng) đang quản lý, sử dụng theo nguyên trạng do đã hết hạn hợp đồng thuê đất từ 19 năm trước (28/8/1996) chưa có thủ tục thuê lại; thửa đất tại 22 Phan Bội Châu diện tích 261m2 (tài sản trên đất là nhà để xe), thời hạn thuê đến 18/7/2015.
Mặc dù về thủ tục pháp lý, thửa đất 80 Lý Thường Kiệt đang quản lý sử dụng theo nguyên trạng do đã hết hạn hợp đồng thuê đất từ 19 năm trước chưa có thủ tục thuê lại và thửa đất 22 Phan Bội Châu thời hạn thuê còn 2,5 năm nhưng cũng đã có ý kiến của Ban chỉ đạo 09 về sắp xếp lại, xử lý theo Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ; theo đó, ĐSVN tiếp tục sử dụng khai thác cơ sở kinh doanh theo quy hoạch, đồng thời ĐSVN phải hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà đất để quản lý, sử dụng theo quy định; nhưng ĐSVN chưa thực hiện các thủ tục này trước khi tiến hành góp vốn.
Theo Thanh tra Chính phủ, sau khi hết hạn hợp đồng liên doanh với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn vào tháng 10/2012, ĐSVN có chủ trương góp vốn bằng tài sản và giá trị thương mại quyền thuê sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới đầu tư khách sạn. Thực hiện chủ trương góp vốn, ĐSVN đã có báo cáo xin Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trương đầu tư và lựa chọn đối tác đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Hà Thành (Văn bản số 248/ĐS-KHTK ngày 25/01/2013). Bộ GTVT thống nhất theo đề nghị của ĐSVN và giao Hội đồng thành viên ĐSVN xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư (Văn bản số 960/BGTVT-QLDN ngày 30/01/2013).
Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng, ĐSVN không xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, tài sản và lao động theo ý kiến chỉ đạo Bộ GTVT nhưng vẫn tiến hành ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Hà Thành, thuê thẩm định giá (lợi thế, quyền thuê sử dụng đất và tài sản trên đất), đàm phán vốn góp, làm thủ tục đăng ký kinh doanh, bàn giao tài sản nhà đất.
Quá trình đàm phán góp vốn, Hội đồng thành viên ĐSVN đã quyết định giá trị góp vốn là 47 tỷ đồng thiếu cơ sở nhưng Bộ GTVT đã không nắm được, trong khi ĐSVN đã thuê thẩm định giá có chứng thư xác định là 67,449 tỷ đồng.
Sau khi ĐSVN hoàn thành việc góp vốn, Bộ GTVT đã yêu cầu ĐSVN báo cáo giải trình về cơ sở xác định giá vốn góp nhưng đến nay chưa có xử lý gì và sau khi góp vốn, doanh nghiệp đi vào hoạt động không hiệu quả, 6 tháng cuối năm 2013 lỗ 588 triệu đồng và 9 tháng đầu năm 2014 lỗ 2,571 tỷ đồng.
Cố ý làm trái quy định của pháp luật?
Thực tế nêu trên cho thấy, ĐSVN đang quản lý sử dụng cơ sở kinh doanh khách sạn trên 02 diện tích đất ở vị trí thuận lợi hàng đầu trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có giá trị trên thị trường là rất lớn và thực chất là ĐSVN đang kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư khai thác cơ sở kinh đang quản lý sử dụng chứ không hẳn là góp vốn với đối tác, do vậy phải thực hiện đấu giá, đấu thầu để đảm bảo minh bạch, tránh thất thoát tài sản và lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất.
Tuy nhiên, ĐSVN đã không thực hiện như vậy, trái lại ĐSVN đã thực hiện theo thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp mới để thực hiện thỏa thuận đầu tư kinh doanh khách sạn 04 sao nhưng lại lựa chọn đối tác là Công ty TNHH một thành viên Hà Thành chưa có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Ngay sau khi có thỏa thuận góp vốn, ĐSVN đã gấp rút đứng tên thực hiện thủ tục thuê đất rồi thanh lý ngay hợp đồng thuê đất để chuyển quyền thuê cho doanh nghiệp góp vốn thuê với lý do là tài sản trên đất đã mang đi góp vốn; việc chuyển giao này cũng không thực hiện quy định về đấu thầu, đấu giá theo Điểm 2 Khoản 8 Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước: “2. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất đang cho tổ chức kinh tế thuê để giao cho tổ chức kinh tế khác đầu tư dự án mới về kinh doanh bất động sản (nhà ở, nhà cho thuê), trung tâm thương mại, dịch vụ thì phải thực hiện giao đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu giá cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê”.
Đến nay, Dự án đầu tư kinh doanh khách sạn 04 sao chưa triển khai được, theo thỏa thụận góp vốn thì ĐSVN lại có chủ trương thoái vốn tại doanh nghiệp này để nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho đối tác.
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục góp vốn của ĐSVN là làm trái Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ: “Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải tập trung vốn đầu tư vào các ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành, nhất là lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản.... Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh”.
Mặt khác, ĐSVN còn làm trái với quy định tại Điểm c, Điều 3 phần III, Quyết định số 198/QĐ- TTg ngày 21/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012-2015: “Hội đồng thành viên Đường sắt Việt Nam... Thực hiện việc thoái vốn theo quy định để hết năm 2015 hoàn thành việc thoai vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của Đường sắt Việt Nam”.
Chưa hết, Thanh tra Chính phủ xác định, ĐSVN thực hiện sai quy định của Luật Đất đai năm 2003, sửa đổi năm 2009 về quyền của người sử dụng đất vì khi đó thửa đất 80 Lý Thường Kiệt diện tích 717,48 m2 đã hết hạn hợp đồng thuê đất từ ngày 28/8/1996 chưa có hợp đồng thuê lại.
Từ những sai phạm kể trên, Thanh tra Chính phủ kết luận, ĐSVN đã xem thường lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng các thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.
Trong những sai phạm này, Bộ GTVT cũng phải chịu trách nhiệm về quản lý, giám sát ĐSVN trong việc góp vốn bằng tài sản và quyền thuê đất tại 80 Lý Thường KIệt và 22 Phan Bội Châu. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội rà soát lập phương án sử dụng khu đất tại hai khu đất nêu trên đảm bảo có hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.; chủ trì, phối hợp với các Bộ và cơ quan liên quan khẩn trương bổ sung, hoàn thiện các quy định về góp vốn bằng thuê đất của Nhà nước và tài sản gắn liền với đất thuê.
Tạp chí Điện tử Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin.
Bài 3: Buông lỏng quản lý tài chính, ĐSVN liên tiếp nếm “trái đắng”
* Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.
|
Bảo Tường - Phan Anh Tuấn