>> Bài 1: “Điểm mặt” hàng loạt sai phạm “động trời” trong quản lý đất đai của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
>> Bài 2: Đường sắt Việt Nam “phiêu lưu” đầu tư trái ngành, xem thường lợi ích của Nhà nước
Sự yếu kém trong quản lý tài chính, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gây lãng phí, dẫn đến nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước. (Ảnh: Kỳ Anh)
ĐSVN và những phi vụ “ném tiền qua cửa sổ”
Theo Thanh tra Chính phủ, trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2009, ĐSVN đã quyết định và thực hiện 3 dự án mua sắm máy móc thiết bị tổng giá trị đầu tư 408,053 tỷ đồng. Việc đầu tư không theo phương thức kinh doanh mà mua tài sản giao cho các công ty TNHH MTV bằng hình thức kinh doanh ghi công nợ nội bộ, thu hồi nợ bằng mức khấu hao, không có hiệu quả đầu tư cụ thể. Quy mô đầu tư một số loại tài sản vượt nhu cầu sử dụng, tính năng tài sản chưa phù hợp với điều kiện khai thác thực tế, hạch toán quản lý tài sản sai chế độ (ĐSVN là chủ sở hữu tài sản nhưng không ghi sổ tài sản cố định, giao dịch tài sản với các công ty quản lý hạ tầng không có hợp đồng; không hạch toán kinh doanh nên không phát sinh doanh thu và nghĩa vụ thuế; dẫn đến, Dự án Áo 1 mất cân đối nguồn trả nợ do phát sinh chênh lệch tỷ giá vay ngoại tệ hơn 40,38 tỷ đồng và các dự án đều chưa quyết toán được). Qua việc sử dụng tài sản vào hoạt động, duy tu bảo trì đường sắt thanh toán bằng nguồn ngân sách Nhà nước, ĐSVN đã phê duyệt chi phí lãi vay nằm trong đơn giá ca máy sai quy định hơn 66,8 tỷ đồng.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện, khoản đầu tư mưa sắm thiết bị duy tu bảo trì cầu đường sắt - góp EP thuộc Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt (44 cầu) từ năm 2010, trị giá đầu tư 119,395 tỷ đồng khi cho có nhu cầu sử dụng, để lưu giữ trong kho thời gian dài gây lãng phí; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quá chậm, một số dự án chậm từ 7-10 năm làm phát sinh lớn chi phí (riêng phí cam kết, lãi vau phát sinh do chậm tiến độ Dự án 3+1 và Dự án Vinh – Sài Gòn là hơn 37,23 tỷ đồng). Công tác lập dự án, tư vấn thiết kế, đầu thầu còn nhiều thủ tục thiếu hoặc sai quy định, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án và tăng chi phí vốn đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải đã quyết định đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường sắt từ Chùa Vẽ đến Nhà máy DAP thuộc khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng không phù hợp về phương án vận tải, sau khi triển đã phải dừng, gây lãng phí 8,6 tỷ đồng; quyết định đầu tư án hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt với dung lượng tổng đài điện thoại lắp đặt dư thừa quá nhiều, gấp 7 lần so với nhu cầu thực tế.
Điển hình sai phạm là tại dự án mua ray Áo, ĐSVN đã đầu tư với giá cao bất thường so với giá ray có tính năng tương tự trên thị trường cùng thời điểm, đồng thời phê duyệt gia đưa vào công tác duy tu, bảo trì đường sắt, gây lãng phí vốn ngân sách so với gia bình quân thị trường khoảng 8,4 triệu đồng/tấn; phê duyệt vào giá vốn hàng tồn kho hàng tồn kho ray Áo các khoản chi phí không thuộc giá vốn 44,997 tỷ đồng; phê duyệt vào giá ray sử dụng nguồn vốn Chính phủ cấp mua ray dự phòng các khoản chi phí không đúng quy định 11.099 tỷ đồng; phê duyệt giá bán tà vẹt cho các Công ty cổ phần cung ứng đã áp dụng các định mức không đúng thẩm quyền làm tăng chi phí nguồn sự nghiệp kinh tế từ năm 2010 đến năm 2013 số tiền 16,111 tỷ đồng; phê duyệt đơn giá ca máy phục vụ việc sửa chữa thường xuyên định kỳ hằng năm bao gồm cả các chi phí lãi vay, phí vay lại sai quy định số tiền 66,807 tỷ đồng.
Chưa hết, ĐSVN còn phê duyệt và ký bổ sung hợp đồng sai căn cứ, trùng lắp tại Dự án nâng cao năng lực Trung tâm điều hành (OCC) số tiền 303.920 EUR; phê duyệt sai định mức, sai chế độ về chi phí quản lý các dự án 11,638 tỷ đồng, chi phí giám sát thi công 3,994 tỷ đồng, chi phí thay đổi biện pháp tổ chức thi công cầu Đồng Nai 1,632 tỷ đồng.
ĐSVN đầu tư các dự án bằng nguồn vốn dài hạn để mua sắm tài sản ngắn hạn, mua máy móc thiết bị có thời hạn thu hồi vốn nhanh trước kỳ trả nợ, nhưng vốn thu hồi đã mang gửi ngân hàng không kỳ hạn lãi suất thấp và để các đơn vị chiếm dụng số lượng lớn gây lãng phí. Đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp để nợ đọng lợi tức kéo dài số tiền 84,671 tỷ đồng. Đề ra quy định trái thẩm quyền để thanh lý tài sản quy mô lớn không qua đấu giá. Chuyển vật tư thu hồi từ các dự án cho các công ty quản lý hạ tầng sử dụng lại khi chưa được phép của các cơ quan có thẩm quyền. Quản lý, cho thuê chạy tàu trên tuyến đường sắt Lưu Xá - Kép sai quy định. Gia hạn trả nợ cho khách hàng sai quy định dẫn đến phát sinh nợ phải thu quá hạn kéo dài 13,532 tỷ đồng.
Đời sống người lao động khó khăn, cán bộ vẫn lũ lượt kéo nhau đi nước ngoài
Thanh tra Chính phủ đánh giá, ĐSVN đã duy trì quá dài mô hình tổ chức hoạt động theo 3 cấp không phù hợp; chức năng nhiệm vụ chồng chéo, bất hợp lý: Vừa tổ chức hoạt động kinh doanh, vừa quyết định đầu tư, làm chủ đầu tư nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách; phê duyệt giá vật tư, ca máy… cho công tác duy tu bảo trì đường sắt sai quy định, thiếu căn cứ. Công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị thành viên còn hình thức; việc giải thể chia tách, sát nhập hoặc điều chỉnh mô hình hoạt động thực hiện không đầy đủ, thiếu quy trình thủ tục dẫn đến kém hiệu quả.
Mặt khác, phương thức đầu tư và giao tài sản theo như mô hình ĐSVN áp dụng đã đẩy khó khăn, áp lực tăng chi phí khấu hao bất hợp lý cho các công ty quản lý hạ tầng, làm giảm hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về tiền công, tiền lương quá thấp của người lao động ở một số công ty quản lý hạ tầng đường sắt thời gian qua.
Tuy đời sống người lao động ngành đường sắt Việt Nam còn nhiều khó khăn như vậy, nhưng trong vòng 4 năm, từ năm 2010 đến 31/12/2013, ĐSVN đã tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài (tần suất gần 4 đoàn đi nước ngoài/tháng) với tổng số tiền 13,933 tỷ đồng. Trong đó, 23 đoàn đi không có văn bản mời hay hợp đồng học tập phía đối tác tổng số tiền 1,943 tỷ đồng (12 đoàn có trong kế hoạch đoàn ra giá trị thanh toán 1,28 tỷ đồng và 11 đoàn không có trong kế hoạch giá trị thanh toán là 663 triệu đồng).
Qua quá trình kiểm tra hồ sơ 5 đoàn đi nước ngoài trong các năm 2012 và 2013, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện cả 5 đoàn đều hợp đồng qua các công ty du lịch trong nước (theo tours), với nội dung đi nước ngoài là tham quan, học tập, tổng số tiền thanh toán 1,702 tỷ đồng. Đối chiếu với các quy định tại Thông tư số 91/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính, thì việc ĐSVN tổ chức các đoàn đi nước ngoài như như đã nêu ở trên đã mắc các sai phạm chế độ tài chính về quản lý chi phí.
Ngoài ra, đoàn thanh tra ghi nhận được rất nhiều khoản chi phí vô lý do ĐSVN lập ra, hạch toán chi phí được tính trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp các khoản không đúng chế độ, không đủ điều kiện với số tiền lớn như: Chi phí thưởng tiết kiệm nhiên liệu 191,961 tỷ đồng; cấp kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp 97,46 tỷ đồng; chi quỹ lương dự phòng cho các công ty thành viên và đơn vị ngoài không có thủ tục hợp đồng và hóa đơn GTGT số tiền 135,597 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với khoản thưởng tiết kiệm nhiên liệu, trong giai đoạn 2010 – 2013, ĐSVN đã hạch toán chi phí dịch vụ mua ngoài nội dung thưởng sáng kiến tiết kiệm nhiên liệu với số tiền 214, 583 tỷ đồng, gồm 191,961 tỷ đồng của Liên hiệp sức kéo đường sắt, 9,418 tỷ đồng của Công ty Vận tải hành khách Hà Nội và 13,204 tỷ đồng của Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn. Đây là một loại chi phí không phát sinh thực tế và không có hóa đơn chứng từ, nên việc ĐSVN đã tính trừ thu nhập chịu thuế khi xác định thuế TNDN là sai quy định của pháp luật.
Thêm nữa, ĐSVN đã xác định đây là khoản chi thưởng sáng kiến, cải tiến nhưng định mức tiêu hao nhiên liệu làm cơ sở xác định mức tiết kiệm do ĐSVN xây dựng, thực hiện từ những năm 1990 chưa được rà soát xây dựng lại hoặc điều chính chưa đúng quy trình, không thành lập các hội đồng nghiệm thu các phát minh sáng kiến, nên khoản chi phí này cũng không được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, việc quản lý vốn bằng ngoại tệ, khi trả nợ vay đã không sử dụng tỷ giá đánh giá lại cuối kỳ để tính chênh lệch, làm phát sinh tăng sai chi phí tài chính 74,744 tỷ đồng; hạch toán thiếu thu nhập khoản chênh lệch tỷ giá năm 2010 số tiền 17,085 tỷ đồng; hạch toán tăng sai khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 40,404 tỷ đồng. Phân bổ khoản chênh lệch đánh giá lại ngoại tệ phải trả ngắn hạn năm 2010 vào chi phí tài chính các năm 2010, 2011 không quy định số tiền 5,946 tỷ đồng.
ĐSVN đã hạch toán chi phí được tính trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp các khoản không đúng chế độ, không đủ điều kiện với số tiền lớn như: Chi phí thưởng tiết kiệm nhiên liệu 191,961 tỷ đồng; cấp kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp 97,46 tỷ đồng; chi quỹ lương dự phòng cho các công ty thành viên và đơn vị ngoài không có thủ tục hợp đồng và hóa đơn GTGT số tiền 135,597 tỷ đồng.
Bênh cạnh đó, doanh nghiệp này cũng không thực hiện hạch toán doanh thu và chi phí về giao dịch tài sản với công ty thành viên trị giá tài sản 736,963 triệu đồng; hạch toán doanh thu khoản “doanh thu chưa thực hiện” sai niên độ vào năm 2013 là 145,037 tỷ đồng. Thực hiện thu các khoản chi phí quản lý cấp trên đối với các công ty con, công ty phụ thuộc qua nhiều năm không quy định cơ sở rõ ràng; từ năm 2010 - 2013 thu 589 tỷ đồng, trong đó có khoản thu 1% trên doanh thu hoạt động du vụ của các công ty TNHH một thành viên số tiền 12,3 tỷ đồng đã hạch toán vào quỹ lương, không hạch toán doanh thu đúng quy định. Chi sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp cho đối tượng không thuộc diện được sử dụng quỹ 36,014 tỷ đồng, trích quỹ thưởng Ban điều hành theo mức tối đa không đúng quy định với số tiền 1,851 tỷ đồng.
Để xử lý các sai phạm về kinh tế xảy ra tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính cùng với việc kiểm tra, đánh giá toàn diện việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp; rà soát hoạt động kinh doanh, quản lý khai thác kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, xem xét để xử lý các khoản thu tiền có sai phạm theo Kết luận Thanh tra tổng số 131,283 tỷ đồng phù hợp thực tế có tính khả thi (gồm: Bổ sung thuế TNDN và các khoản thu chi sai chế độ số tiền 124,161 tỷ đồng; khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên từ năm 2010-2013 số tiền 1,185 tỷ đồng; khoản Công ty QLĐS Hà Thái thu phí bảo trì đường sắt của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên sai quy định 1,153 tỷ đồng; 6 khoản nghiệm thu thanh toán theo thiết kế, dư tính sai 3,721 tỷ đồng; 2 khoản thanh toán chi phí khác do phân chia nhỏ gói thầu 1,061 tỷ đồng). Đồng thời, giao ĐSVN và các công ty thành viên rà soát điều chỉnh, hạch toán đúng quy định đối với 11 nội dung, tổng số 1.109 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ GTVT có trách nhiệm xử lý 4 khoản 75,502 tỷ đồng và 303.920 EUR.
Tạp chí Điện tử Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin.
* Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.
|
Bài 4: Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý trách nhiệm của nhiều tập thể, thành viên để xảy ra sai phạm tại ĐSVN
Bảo Tường - Phan Anh Tuấn