Liên tiếp các ngày từ 13 - 16/6/2017, Tạp chí Điện tử Mặt trận đã triển khai 3 bài viết liên quan tới hàng loạt sai phạm, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên. Trong bài viết này, Tạp chí Điện tử Mặt trận sẽ gửi tới bạn đọc nguyên nhân, cũng như kiến nghị của các cơ quan chức năng về biện pháp chấn chỉnh và hướng xử lý các sai phạm xảy ra tại ĐSVN.
>> Bài 1: “Điểm mặt” hàng loạt sai phạm “động trời” trong quản lý đất đai của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
>> Bài 2: Đường sắt Việt Nam “phiêu lưu” đầu tư trái ngành, xem thường lợi ích của Nhà nước
>> Bài 3: Buông lỏng quản lý tài chính, Đường sắt Việt Nam liên tiếp nếm “trái đắng”
Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhiều sai phạm lớn xảy ra tại Tổng công ty Đường sắt Việt Na. Ảnh TL
Trong quá trình đầu tư kinh doanh, quản lý sử dụng vốn, tài sản, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 4 nhóm sai phạm lớn mà ĐSVN đã mắc phải, bao gồm:
Thứ nhất, Thanh tra Chính phủ khẳng định ĐSVN đã thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả, trong đó có 3 dự án mua sắm máy móc thiết bị với tổng giá trị 408 tỷ đồng (giai đoạn 2003 - 2009).
Thứ hai, ĐSVN đã phê duyệt giá không đúng thẩm quyền, sai căn cứ, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí ngân sách, đặc biệt là Dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Áo với giá cao bất thường so với giá ray có tính năng tương tự cùng thời điểm.
Thứ ba, ĐSVN góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu trái quy định. Việc thực hiện thủ tục góp vốn của Tổng công ty trái với Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012 - 2015.
Thứ tư, ĐSVN buông lỏng và vi phạm quy định quản lý vốn, tài sản dẫn đến lãng phí tiền vốn, cơ sở vật chất, đất đai được giao; hoạt động kinh doanh trì trệ, kém hiệu quả; một số nội dung về quản lý tài chính, tài sản còn để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.
Để xảy ra các sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc tổ chức kinh doanh của ĐSVN cơ bản không chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động theo quy định của Luật Đường sắt Việt Nam năm 2005; chưa thực hiện việc phân định rõ giữa quản lý Nhà nước và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư, dẫn đến ôm đồm công việc, không xác định mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tiềm năng, năng lực thực có. Còn tồn tại tư tưởng trong chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vào cơ chế; tư duy độc quyền chậm đổi mới; hoạt động thiếu định hướng quy hoạch chiến lược đúng đắn và không phù hợp xu hướng và môi trường phát triển chung.
Bên cạnh đó, công tác điều hành đối với một số hoạt động của ĐSVN chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy định về thẩm quyền và trách nhiệm; trong đó, việc góp vốn ngoài doanh nghiệp, việc quản lý thực hiện đầu tư xây dựng, bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt, thanh lý tài sản còn có việc làm trái, lạm quyền.
Trong quá trình hoạt động, ĐSVN chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đường sắt, quy định về hạch toán quản lý sử dụng vốn, tài sản, duy trì quá dài mô hình tổ chức hoạt động, mô hình hạch toán bất hợp lý, chồng chéo, kém hiệu quả.
Ngoài ra, công tác kiểm tra giám sát của Bộ quản lý ngành, của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với ĐSVN chưa thường xuyên, không sâu sát; thiếu giám sát đánh giá về hiệu quả hoạt động của ĐSVN để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc ĐSVN phải chịu trách nhiệm đối với việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả, phê duyệt giá sai căn cứ; về hoạt động kinh doanh trì trệ, chưa tuân thủ đúng các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đường sắt và hạch toán sử dụng vốn, tài sản, đất đai… Các thành viên đại diện vốn góp của ĐSVN tại các công ty con chịu trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ người đại diện vốn tại công ty tương ứng có vi phạm.
Thanh tra Chính phủ còn nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong vụ việc. Cụ thể, việc ĐSVN quản lý thực hiện các dự án đầu tư do Bộ phân cấp ủy quyền; về trách nhiệm quản lý, giám sát ĐSVN trong việc ĐSVN góp vốn bằng tài sản và quyền thuê đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu; về quyết định đầu tư xây dựng mới đường sắt Chùa Vẽ đến Nhà máy DAP thuộc khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng; về chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đánh giá hiệu quả hoạt động của ĐSVN; về quản lý công tác duy tu, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt; về quy hoạch ngành đường sắt và việc ĐSVN sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
Ngoài Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cũng có phần trách nhiệm về quản lý ngành đối với nội dung có liên quan, trong đó có công tác phê duyệt quyết toán chi phí duy tu bảo trì đường sắt…
Để kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiệp các sai phạm của ĐSVN, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty thành viên thực hiện xử lý những đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm đã được nêu trong Kết luận thanh tra. Đồng thời, kiện toàn hệ thống quản trị doanh nghiệp, trên cơ sở sắp xếp tổ chức bộ máy; đảm bảo phân định rõ giữa quản lý Nhà nước và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư, sắp xếp phòng ban chuyên môn chức năng nhiệm vụ.
Trên cơ sở Kết luận Thanh tra, Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu ĐSVN rà soát, bổ sung điều lệ, quy chế phù hợp mô hình tái cơ cấu; xây dựng đầy đủ các định mức, đơn giá về nguyên, nhiên vật liệu, tiền lương, thưởng, chi phí quản lý doanh nghiệp.. đảm bảo đúng chế độ, phù hợp với tình hình thực tế; rà soát và điều chỉnh hạch toán các nghiệp vụ tỷ giá, khấu hao tài sản cố định, giá vốn.. đúng quy định.
Đối với các sai phạm về quản lý đất đai, ĐSVN cần phải rà soát việc quản lý sử dụng đất đại để thanh lý hợp đồng và xử lý những trường hợp sử dụng sai mục đích, tranh chấp lấn chiếm; phối hợp với các địa phương có hệ thống đường sắt đi qua thực hiện cắm mốc giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý đất đai dành cho công trình và hành lang bảo vệ đường sắt; xây dựng kế hoạch, phương án sử dụng phù hợp nhu cầu, đúng quy định và báo cáo Bộ Giao thông vận tải cùng các địa phương xử lý.
Trước các sai phạm của ĐSVN, tiến trình thực hiện Kết luận Thanh tra Chính phủ tại ĐSVN diễn ra đến đâu? Việc tiến hành xử lý trách nhiệm, hình thức kỷ luật các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm ở đây là gì? Các biện pháp khắc phục hậu quả và xử lý dứt điểm sai phạm của ĐSVN được thực hiện như thế nào?
Để làm rõ các vấn đề trên, Tạp chí Điện tử Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong các bài viết tiếp theo.
Bảo Tường – Phan Anh Tuấn