>> Bài 1: “Điểm mặt” hàng loạt sai phạm “động trời” trong quản lý đất đai của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
>> Bài 2: Đường sắt Việt Nam “phiêu lưu” đầu tư trái ngành, xem thường lợi ích của Nhà nước
>> Bài 3: Buông lỏng quản lý tài chính, Đường sắt Việt Nam liên tiếp nếm “trái đắng”
>> Bài 4: Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Đường sắt Việt Nam
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mắc nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản (Ảnh Kỳ Anh).
Thanh tra Chính phủ chỉ ra 4 nhóm sai phạm lớn của ĐSVN
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ khẳng định Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả, trong đó có 3 dự án mua sắm máy móc thiết bị với tổng giá trị 408 tỷ đồng (giai đoạn 2003 - 2009).
Thứ hai, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phê duyệt giá không đúng thẩm quyền, sai căn cứ, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí ngân sách, đặc biệt là Dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Áo với giá cao bất thường so với giá ray có tính năng tương tự cùng thời điểm.
Thứ ba, góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu trái quy định. Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục góp vốn của Tổng công ty trái với Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012 – 2015.
Thanh tra Chính phủ cho rằng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản có giá trị lớn không qua đấu giá, đầu thầu.
Liên quan đến nội dung này, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ GTVT, Bộ TNMT, UBND TP Hà Nội rà soát lập phương án sử dụng đất tại hai địa chỉ nêu trên đảm bảo có hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, buông lỏng và vi phạm quy định quản lý vốn, tài sản dẫn đến lãng phí tiền vốn, cơ sở vật chất, đất đai được giao; hoạt động kinh doanh trì trệ, kém hiệu quả; một số nội dung về quản lý tài chính, tài sản còn để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GTVT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi pham nêu trong kết luận thanh tra; trong đó lưu ý các nội dung về quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị; Gói thầu EP Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt; góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu… gây lãng phí, kém hiệu quả.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét để xử lý các khoản tiền có tính sai phạm theo kết luận thanh tra với tổng số tiền 131 tỷ đồng phù hợp thực tế có tính khả thi.
Để chấn chỉnh và xử lý nghiệp các sai phạm của ĐSVN, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty thành viên thực hiện xử lý những đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm đã được nêu trong Kết luận thanh tra. Đồng thời, kiện toàn hệ thống quản trị doanh nghiệp, trên cơ sở sắp xếp tổ chức bộ máy; đảm bảo phân định rõ giữa quản lý Nhà nước và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư, sắp xếp phòng ban chuyên môn chức năng nhiệm vụ.
Trên cơ sở Kết luận Thanh tra, Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu ĐSVN rà soát, bổ sung điều lệ, quy chế phù hợp mô hình tái cơ cấu; xây dựng đầy đủ các định mức, đơn giá về nguyên, nhiên vật liệu, tiền lương, thưởng, chi phí quản lý doanh nghiệp.. đảm bảo đúng chế độ, phù hợp với tình hình thực tế; rà soát và điều chỉnh hạch toán các nghiệp vụ tỷ giá, khấu hao tài sản cố định, giá vốn... đúng quy định.
Đối với các sai phạm về quản lý đất đai, ĐSVN cần phải rà soát việc quản lý sử dụng đất đại để thanh lý hợp đồng và xử lý những trường hợp sử dụng sai mục đích, tranh chấp lấn chiếm; phối hợp với các địa phương có hệ thống đường sắt đi qua thực hiện cắm mốc giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý đất đai dành cho công trình và hành lang bảo vệ đường sắt; xây dựng kế hoạch, phương án sử dụng phù hợp nhu cầu, đúng quy định và báo cáo Bộ Giao thông vận tải cùng các địa phương xử lý.
ĐSVN nói gì về việc khắc phục sai phạm theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ?
Văn bản trả lời Tạp chí Điện tử Mặt trận do ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ký ban hành.
Liên quan đến các sai phạm về vấn đề mua ray dự phòng, quản lý vốn vay bằng ngoại tệ, sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, quản lý tài sản cố định, đầu tư xây dựng... tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mà Thanh tra Chính phủ kết luận, trong văn bản phản hồi báo giới, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng giám đốc ĐSVN cho biết, hiện nay, ĐSVN đang thực hiện công tác tái cơ cấu và quản trị doanh nghiệp.
“ĐSVN đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; hoàn thành việc xây dựng “Đề án Chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020”; sắp xếp các Ban tham mưu, giúp việc theo yêu cầu thu gọn đầu mối tham mưu. Tổng công ty đã hoàn thành công tác cổ phần hóa 24 Công ty TNHH MTV do Tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ và thực hiện tách bạch giữa quản lý, sử dụng và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư với kinh doanh vận tải đường sắt. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn rà soát bổ sung quy chế, xây dựng các định mức, đơn giá về nguyên vật liệu, tiền lương, các chi phí quản lý doanh nghiệp” - Ông Hoạch nói.
Về việc xử lý nội dung liên quan đến tài chính, ĐSVN đã làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để thống nhất giải quyết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với các nội dung khác, ĐSVN đã và đang phối hợp với với các cơ quan liên quan để xử lý theo trách nhiệm được giao và báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Bằng văn bản trên, trước vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm, phải chăng ĐSVN đang có dấu hiệu né tránh báo chí trong việc khắc phục các sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ? Rõ ràng, câu trả lời của ông Đoàn Duy Hoạch còn “lấp liếm” cho sai phạm, mang nặng tính bao biện, rất chung chung, không đúng trọng tâm vấn đề mà báo chí muốn tìm hiểu.
Cần phải nói thêm rằng, các sai phạm của ĐSVN không chỉ dừng lại ở việc “chưa tách bạch giữa quản lý, sử dụng và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư với kinh doanh vận tải đường sắt; chưa kịp thời rà soát bổ sung quy chế, xây dựng các định mức, đơn giá về nguyên vật liệu, tiền lương, các chi phí quản lý doanh nghiệp”. Bởi lẽ, Thanh tra Chính phủ đã vạch rõ, ĐSVN còn tổ chức nhiều đoàn ra công tác nước ngoài một cách “vô tội vạ”, trong khi đời sống người lao động còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, ĐSVN không những thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả; mà doanh nghiệp này còn mắc nhiều sai phạm liên quan đến quản lý vốn, tài sản gây lãng phí tiền vốn, buông lỏng quản lý đất đai dẫn đến các đơn vị thành viên cho thuê đất sai mục đích thu lời hàng trăm tỷ đồng qua nhiều năm; hoạt động kinh doanh trì trệ, kém hiệu quả…
Vậy những người chịu trách nhiệm do để xảy ra các sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là ai và đã bị xử lý kỷ luật như thế nào? Các khoản gây thất thoát, lãng phí tại các dự án đầu tư ngoài ngành, mua sắm, xây dựng cơ bản, thu lời từ việc sử dụng, cho thuê đất sai mục đích sử dụng được hạch toán, sử dụng ra sao, đã được thu hồi hay chưa? Đối với từng sai phạm được Thanh tra Chính phủ nêu ra, tiến trình xử lý và kết quả thực hiện đến đâu?...
Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, thay vì lảng tránh vấn đề, ĐSVN cần công khai toàn bộ kết quả xử lý, khắc phục hậu quả để Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng kiểm tra, theo dõi, phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Đồng thời, cũng là cơ sở để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân giám sát tốt hơn hoạt động của cơ quan nhà nước góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh.
Tạp chí Điện tử Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc kể trên.
* Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.
|
Bảo Tường - Phan Anh Tuấn