Khu đất rộng khoảng 11.000 m2 tại phường Bình An và An Phú được các hộ dân khai hoang từ những năm 1970. Ảnh: Dân trí
Như đã thông tin, khu đất rộng khoảng 11.000 m2 tại phường Bình An và An Phú được các hộ ông Trần Văn Hùng, Trần Văn Ba, Trương Văn Liếp và bà Lê Thị Năm (cùng ngụ ở phường Bình An, Q.2, TP.HCM) khai hoang từ những năm 1970-1971.
Năm 1975, họ được chính quyền địa phương giao phần đất trên để sử dụng và xây nhà ở. Năm 1982, theo Chỉ thị 299 của Chính phủ, họ đã đăng ký quyền sử dụng đất.
Khu đất trên được người dân tiếp tục sử dụng ổn định cho đến năm 1985, Xí nghiệp khảo sát thiết kế và xây lắp (nay là Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4) bất ngờ đưa người đến chiếm nhà, lấy đất với lý do khu đất được UBND TP.HCM giao cho công ty làm dự án công ích.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu bất thường, ngay lập tức người dân làm đơn khiếu nại gửi lên chính quyền địa phương nhưng cũng không được giải quyết thỏa đáng. Sau đó họ tiếp tục khiếu nại lên UBND TP.HCM và đề nghị Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 trả lại đất nhưng sự việc tiếp tục “khiếu kiện” kéo dài nhiều năm và không được giải quyết triệt để.
Sự “bức xúc” chưa kịp hạ nhiệt thì sau đó các hộ dân “bàng hoàng” khi biết được thông tin, Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 đã báo cáo không trung thực với UBND Thành phố: “Đã đến bù cho người dân”. Do đó, năm 2003, UBND TP.HCM ban hành các quyết định bác đơn khiếu nại của người dân với lý do các hộ dân đã được công ty đền bù xong.
Không đồng tình với quyết định của UBND TP.HCM, các hộ dân đồng loạt gửi đơn thư khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan chức năng Trung ương và Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM tố cáo Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4.
Năm 2005, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vào cuộc. Sau nhiều năm kiểm tra, xác minh, Thanh tra Bộ TN&MT kết luận, đất của người dân sử dụng trước đây là hợp pháp, chưa có đủ cơ sở cho thấy Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 đã đền bù cho người dân, đề nghị UBND TP.HCM kiểm tra lại vụ việc và giải quyết cho người dân. Cùng thời điểm đó, Công an TP.HCM cũng khẳng định: “Không đủ cơ sở kết luận Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 đã giao tiền đền bù cho các hộ dân”.
Mặc dù đã có kết luận của Thanh tra Bộ TN&MT và Công an TP.HCM nhưng các cấp chính quyền TP.HCM không những không giải quyết vụ việc, trả đất lại cho người dân mà còn giải quyết thủ tục cho Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 chuyển nhượng khu đất cho SSG Bình An.
Ngay sau đó, SSG Bình An xin chuyển đổi quyền sử dụng đất để làm dự án chung cư cao tầng.
Quá phẫn nộ và bức xúc, người dân kiên quyết khởi kiện UBND TP.HCM lên Tòa án nhân dân TP.HCM.
Đại diện các hộ dân cho biết,, nhiều người đến lúc nhắm mặt xuôi tay vẫn đau đáu nỗi niềm tìm được công lý trên mảnh đất chính họ đã khai hoang, vỡ hóa.
Sau 32 năm ròng rã đi khiếu nại, Tòa sơ thẩm TAND TP.HCM nhận định việc UBND TP.HCM bác đơn khiếu nại của người dân là không có cơ sở và tuyên hủy quyết định của UBND TP.HCM. Không đồng ý, UBND TP.HCM kháng cáo, khoảng giữa năm 2017, tại 3 phiên tòa xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đều tuyên y án sơ thẩm.
Điều đáng nói, mặc dù bản án đã tuyên, người dân thắng kiện và bản án có hiệu lực. Các cơ quan chức năng đều biết việc này, thế nhưng, ngày 28/8/2017, Sở Xây dựng TP.HCM vẫn “bỏ ngoài tai” tất cả để cấp phép xây dựng cho SSG Bình An khởi công xây dựng chung cư Bình An Pearl.
Khu đất được triển khai xây dựng dự án Bình An Pearl (số 2 đường Trần Não, P.Bình An, Q.2, TP.HCM) có tổng diện tích 8.277,8m2. Cuối năm 2015, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký Quyết định chấp thuận cho Công ty TNHH bất động sản SSG Bình An (SSG Bình An) sử dụng đất để đầu tư dự án căn hộ kết hợp thương mại.
Lúc này, UBND Thành phố đã bị người dân khởi kiện ra tòa. Vì vậy, trong quyết định này, UBND Thành phố đưa ra điều khoản quy định: “Sau khi việc khiếu nại của các hộ dân được tòa án xét xử và bản án được tuyên có hiệu lực pháp luật, công ty có trách nhiệm thực hiện theo bản án của tòa”.
Và dường như đối lập với những kết quả tích cực mà người dân giành được khi tiến hành khởi kiện Thành phố ra Tòa thì các cấp chính quyền thành phố lại có những bước đi “dồn dập” để hợp thức hóa dự án về mặt pháp lý như “sự đã rồi”.
Cụ thể, TAND TP.HCM chính thức thụ lý vụ kiện khoảng giữa năm 2014 thì cuối năm 2015, Sở Quy hoạch Kiến trúc có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc cho dự án Bình An Pearl. Khoảng đầu năm 2016, tòa sơ thẩm TAND TP.HCM tuyên người dân thắng kiện thì cuối năm 2016, Sở TNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án. Khoảng giữa năm 2017, tòa phúc thẩm TAND TP.HCM tuyên người dân thắng tiếp thì tháng 8/2017, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho dự án.
Đến nay, theo các hộ dân, đến nay, nhiều năm sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành, UBND TP vẫn chưa thi hành bản án của tòa. Trong khi đó, việc cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư dự án Bình An Pearl sau khi bản án đã được tuyên khiến người dân và chủ đầu tư mâu thuẫn quyền lợi, xung đột gay gắt.
Văn bản số 837/BTP-TCTHADS ngày 11/3/2020 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ký ban hành.
Đối với vụ việc này, ngày 11/3/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ký ban hành văn bản số 837/BTP-TCTHADS trả lời Đại biểu Quốc hội Lê Thành Vân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) đối với các đơn thư các hộ ông Trần Văn Hùng, Trần Văn Ba, Trương Văn Liếp và bà Lê Thị Năm (cùng ngụ ở phường Bình An, Q.2, TP.HCM).
Nội dung văn bản nêu rõ:
“1. Về việc thi hành án của Chủ tịch UBND TP.HCM
Các bản án số: 81/2017/HC-PT ngày 16/5/2017, 190/2017/HC-PT ngày 17/8/2017 và số 213/2017/HC-PT ngày 24/8/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM có nội dung hủy toàn bộ Quyết định số 4890/QĐ-UB ngày 10/11/2003, Quyết định số 4889/QĐ-UB ngày 10/11/2003 và Quyết định số 4891/QĐ-UB ngày 10/11/2003 của Chủ tịch UBND TP.HCM. Theo đó, các quyết định này đương nhiên hết hiệu lực kể từ ngày các bản án nêu trên có hiệu lực thi hành.
Đối với nội dung giải quyết lại đơn khiếu nại của ông Huỳnh Văn Ba và ông Trương Văn Liếp, các bản án nêu trên đã tuyên rõ: Chủ tịch UBND TP.HCM có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tại văn bản số 540/TB-VP ngày 31/8/2018 và văn bản số 336/TB-VP ngày 12/4/2019 thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đều có các nội dung chỉ đạo các cơ quan có liên quan (UBND Q.2, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường) tham mưu thực hiện giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến khu đất số 3, Trần Não, phường Bình An, Q.2, có cả chỉ đạo đề xuất ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo như bản án tuyên. Có thể thấy, cùng với việc thực hiện các nội dung của bản án hành chính, UBND TP.HCM đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan tham mưu giải quyết một cách tổng thể đối với khu đất có liên quan đến các bản án nêu trên nên thời gian thực hiện kéo dài, dẫn đến người dân bên được thi hành án bức xúc, có đơn gửi đến Đại biểu Quốc hội.
2. Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) yêu cầu Cục THADS TP.HCM tiếp tục theo dõi thi hành án đối với các bản án hành chính nêu trên, phối hợp với Sở Tư pháp làm việc với các Sở được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ để nắm bắt thông tin về kết quả thi hành án. Trường hợp có đầy đủ cơ sở về việc Chủ tịch UBND TP.HCM chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung các bản án nêu trên, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, xử lý trách nhiệm phù hợp theo đúng quy định tại khoản 3, Điều 32 Nghị định số 71/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và tiếp tục thông báo kết quả giải quyết đến Đại biểu”.\
ĐBQH Lê Thanh Vân. Ảnh: TL
Trả lời Tạp chí Mặt trận, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trước vấn đề dân sinh bức xúc dẫn đến khiếu kiện kéo dài hàng chục năm nhưng cách xử lý của UBND TP.HCM đối với vụ viêc là rất chậm trễ. Đối với nội dung giải quyết lại đơn khiếu nại của người dân, các bản án nêu trên đã tuyên rõ Chủ tịch UBND TP.HCM có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật. Đến nay, các bản án đã có hiệu lực pháp luật được gần 3 năm, nhưng UBND thành phố Hồ Chí Minh vẫn loay hoay tìm giải pháp tổng thể đối với khu đất liên quan đến các bản án là lý do bao biện không thể chấp nhận được.
Cũng theo Đại biểu Lê Thanh Vân, trách nhiệm lớn nhất thuộc về Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh - là người chịu trách nhiệm thi hành các bản án. “Quả thực, tôi rất bất ngờ trước cách xử lý vụ việc có phần chậm trễ, ì ạch của UBND thành phố Hồ Chí Minh, địa phương được coi là “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Tại sao sau nhiều năm, các bản án có hiệu lực pháp luật mà chính quyền các của Thành phố không thể xử lý dứt điểm, có lý, có tình đối với nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân bị mất đất, trong khi cuộc sống của họ rất khó khăn, khốn khổ. Điều nay là rất đau xót!” - ông Lê Thanh Vân nói.
“Một ô đất đang có khiếu kiện về mặt hành chính, thậm chí các cơ quan chức năng đã có ý kiến là đất của người dân sử dụng trước đây là hợp pháp mà các cấp chính quyền TP.HCM vẫn chấp nhận cho doanh nghiệp tiến hành chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho phép xây dựng dự án chung cư cao tầng là rất bất thường, có biểu hiện sai phạm. Đặc biệt những quyết định của Thành phố đã có ảnh hưởng tiêu cực, gây thiệt hại cho nhiều hộ dân kéo theo hàng chục nhân khẩu trong suốt hàng chục năm.
Tôi cho rằng, những đề xuất, đòi hỏi, kiến nghị của những người dân là rất chính đáng, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm xử lý đến nơi, đến chốn, bù đắp những thiệt hại mà họ đã phải chịu đựng từ việc mất đất trong suốt nhiều năm chứ không thể cứ họp bàn, “đá bóng trách nhiệm” mãi được.
Với tư cách Đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục có ý kiến để cơ quan liên quan vào cuộc, xác minh và làm rõ vấn đề này” - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bày tỏ quan điểm.
Văn bản số 2057/TCTHADS-NV3 do bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS ký ban hành gửi Tạp chí Mặt trận.
Ngày 23/6/2020, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Trần Thị Phương Hoa đã ký ban hành văn bản số 2057/TCTHADS-NV3 gửi Tạp chí Mặt trận trả lời một số vấn đề liên quan đến công tác thi hành án đối với Bản án Phúc thẩm số 213/2017/HC-PT ngày 24/8/2017 của TAND cấp cao tại TP.HCM (Bản án sơ thẩm số 56/2016/HC-ST ngày 18/01/2016 của TAND TP.HCM). Nội dung văn bản nêu rõ:
“Trước đó, Tổng cục THADS đã nhận được Phiếu chuyển đơn của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phản ánh nội dung vụ việc này. Ngày 11/3/2020, Bộ Tư pháp đã có công văn số 837/BTP-TCTHADS để trả lời Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân như nội dung Tạp chí Mặt trân đã nêu trong bài viết ngày 25/5/2020.
Đồng thời, Tổng cục THADS đã yêu cầu Cục THADS TP.HCM tiếp tục thực hiện quy trình theo dõi thi hành án hành chính đối với các bản án trong vụ việc nêu trên theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, yêu cầu Cục THADS TP.HCM phối hợp với Sở Tư pháp TP.HCM làm việc với các Sở được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ để nắm bắt thông tin về quá trình và kết quả thi hành án và báo cáo về Tổng cục THADS để theo dõi, tiếp tục chỉ đạo (Công văn số 1693/TCTHADS-NV3 ngày 22/5/2019).
Ngày 12/6/2019, Cục THADS TP.HCM tiếp tục có văn bản số 8804/CTHADS ngày 12/6/2020 đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trưởng tổ chức thi hành Bản án Phúc thẩm số 213/2017/HC-PT ngày 24/8/2017 của TAND cấp cao tại TP.HCM (Bản án sơ thẩm số 56/2016/HC-ST ngày 18/01/2016 của TAND TP.HCM) và thông báo bằng văn bản kết quả thi hành án cho TAND TP.HCM, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM và Cục THADS TP.HCM về kết quả thực hiện.
Trong thời gian tới, sau khi nhận được thông tin về kết quả thực hiện, căn cứ tình hình thực tế, Tổng cục THADS sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục THADS TP.HCM theo dõi sát sao đối vơi vụ việc này”.
Tuy nhiên, sau tất cả, đến nay người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi pháp luật được thực thi, còn những người có trách nhiệm thì “chây ỳ” thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa.
Trong bài viết, “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: Năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là thực tiễn nóng hổi rất sinh động, phong phú để chúng ta tiếp tục khẳng định, bổ sung và làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút từ những nhiệm kỳ trước.
Nhắc tới nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước lưu ý: Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Đối với vụ việc tại số 2 Trần Não, Q.2, TP.HCM, câu hỏi đặt ra là: Trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.HCM trong vụ việc này là gì? Tại sao trước các vấn đề dân sinh bức xúc, các cấp chính quyền thành phố lại “chậm trễ, đúng đỉnh” như vậy? Chính quyền TP đã thực sự chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân hay chưa? Có hay không việc “phớt lờ”, “bỏ ngoài tai” sự đôn đốc của các cơ quan Trung ương, sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội và cơ quan ngôn luận đối với vấn đề này?
Do đó, để giải dứt điểm các vấn đề dân sinh gây bức xúc, khiến kiện kéo dài, làm ảnh hưởng chung đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, cũng như ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, kiến nghị thực hiện những giải pháp sau:
Một là, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương mà cụ thể ở đây là trên địa bàn TP.HCM đối với việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật; phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, góp phần giải quyết thỏa đáng những bức xúc, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người dân
Hai là, để làm sáng tỏ vấn đề và giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan trong vụ việc, kính đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp quan tâm, xem xét để xác minh, làm rõ khiếu kiện của người dân tại dự án sử dụng đất tại số 2 đường Trần Não, P.Bình An, Q.2, TP.HCM.
Ba là, đề nghị Bộ Tư pháp có chỉ đạo đối với các đơn vị thi hành án có biện pháp giải quyết dứt điểm những vụ việc thi hành án tồn đọng, phức tạp, kéo dài, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc thi hành án có điều kiện, nhất là các vụ việc có điều kiện kéo dài trên 3 năm nhưng chưa được giải quyết xong góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân.
Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc nêu trên.
(Mặt trận) - Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, phóng viên Tạp chí Mặt trận đã có cuộc trao đổi với...
Phan Anh Tuấn