Báo động tai nạn trên cao tốc: Tốc độ cao - ý thức thấp!

Dù Việt Nam đang sở hữu hơn 1.000km đường cao tốc và quy hoạch để có hơn 6.000km đường cao tốc từ nay tới năm 2030, nhưng những vụ tai nạn thảm khốc đã và sẽ còn xảy ra khi những hành vi “giết người không dao” đều là do ý thức con người như cố tình đi ngược đường, đi sai làn, hay như đốt cỏ gây khói che khuất tầm nhìn, thậm chí ném đá vào xe… cho vui vẫn chưa thể có giải pháp ngăn chặn triệt để.

Khói đốt đồng mù mịt trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Khó tránh tai nạn vì sự thiếu ý thức

Chiều 3.4, hàng loạt ôtô đâm liên hoàn trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây do người dân đốt cỏ ở bên đường lan nhanh thành một đám cháy lớn gần khu vực cầu Đồng Môn (Km 19+500) hướng từ Đồng Nai - TPHCM che khuất tầm nhìn của tài xế và nhiều tài xế không thể quan sát được xe phía trước đã húc đuôi nhau.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương - Phó Giám đốc Cty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) - tình trạng người dân đốt đồng xảy ra thường xuyên vào thời điểm này và trong khoảng một tháng qua đã có ít nhất 3 vụ người dân đốt đồng gây cháy vào trong khu vực hành lang an toàn đường cao tốc. Qua hệ thống camera, khi quan sát thấy VEC E đã điều động xe bồn, lực lượng tuần tra tới phun nước dập lửa nhưng khi đến nơi thì đã xảy ra vụ tai nạn.

 

Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn xảy ra trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ngày 3/4. Ảnh: VEC-E cung cấp

Trên thực tế, trong thời gian qua nhiều vụ tai nạn đã xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ những hành vi thiếu ý thức của người dân sống quanh cao tốc hoặc từ chính các chủ phương tiện lưu thông trên đường. Không khó để tìm thấy thông tin về những vụ việc như ném đá vào xe chạy trên cao tốc cho vui, rải vàng mã gây cản trở tầm nhìn lái xe hay xe máy, ôtô đi ngược chiều trên cao tốc. Một số vụ việc sau khi được phát hiện đã được xử lý. Tuy nhiên, những hành vi như đốt rơm rạ gây cản trở tầm nhìn lại chưa thể có cách xử lý.

Trao đổi với PV ngày 4/4, ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho rằng, hành vi gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của phương tiện giao thông trên cao tốc như trên về bản chất là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vi phạm mức độ đến đâu phải xem trong tình huống cụ thể và hiện nay pháp luật mới chỉ quy định tổng thể về các hành vi cản trở đến tầm nhìn người tham gia giao thông và có thể hiểu theo nghĩa rộng nhưng cũng cần phải xem có cần chi tiết hoá để có chế tài xử phạt hay không. Còn để xác định xem phản ứng của những bộ phận chức năng trong việc cảnh báo ngăn chặn có chậm hay không, trách nhiệm ra sao, ông Nguyễn Quốc Tùng - Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc - cho rằng, cần chờ kết luận điều tra của cơ quan chức năng và hiện Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo.

Cùng quan điểm, một số luật sư cho rằng, chưa có quy định nào cấm việc người dân đốt cỏ trên đồng nên nhiều người vẫn tiếp tục đốt dù gây ảnh hưởng đến môi trường.

 

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Trung Lương khiến 7 người chết. Ảnh: A.C

Giải pháp nào để giảm thiểu rủi ro trên đường cao tốc?

Để ngăn chặn những vụ việc như trên, ông Trần Hữu Minh cho rằng, hiện nay mạng lưới đường bộ cao tốc đang phát triển rất nhanh chóng, và xu hướng cơ giới hóa phương tiện đi lại đang diễn ra rất nhanh, trong khi đó kinh nghiệm của chúng ta kể cả người tham gia giao thông, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương... về đường cao tốc còn hạn chế, bởi vậy từ một vụ việc cụ thể như trên, cần có sự phân tích đánh giá kỹ lưỡng về các nguyên nhân gây ra vụ tai nạn liên hoàn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, trên cơ sở đó điều chỉnh các quy định pháp luật, quy trình mang tính hệ thống trên toàn quốc để kiểm soát rủi ro trên đường cao tốc, nâng cao ATGT.

Theo đó, việc xem xét các quy định pháp luật, quy trình mang tính hệ thống là hết sức quan trọng từ việc rà soát quy định đào tạo lái xe trên cao tốc (kỹ năng dừng khẩn cấp trên cao tốc, bật đèn khẩn cấp để thông báo cho giao thông phía sau dừng lại kịp thời...) tới việc hoàn thiện quy trình đánh giá và quản lý rủi ro trên đường cao tốc, nhận diện rủi ro, từ đó xác định rõ trách nhiệm vai trò, từ cơ quan quản lý tới người lái xe, người dân cũng như chính quyền địa phương trong việc thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát và giảm thiểu các rủi ro dẫn tới va chạm trên cao tốc.

Ông Minh đề nghị nên có một số tổng đài chung trên toàn quốc (rất dễ nhớ) để người dân có thể kịp thời thông tin cho cơ quan chức năng về các sự cố trên đường cao tốc như có khói cản trở tầm nhìn, tai nạn hoặc đơn giản là một dị vật trên đường cao tốc, bởi nhiều vụ tai nạn tránh được nhờ chính các lái xe phát hiện ra sự cố. Bên cạnh đó, đại diện Uỷ ban cho rằng trên các tuyến cao tốc nên xem xét bố trí các bốt điện thoại cố định để dễ dàng định vị nơi xảy ra sự cố cũng như tăng biển báo về lý trình để người dân dễ dàng thông báo vị trí có sự cố cho cơ quan quản lý.

Về phần mình, Tổng cục Đường bộ VN đề nghị các nhà đầu tư, đơn vị khai thác bảo trì cao tốc rà soát, bổ sung phương án tổ chức giao thông, phổ biến cho các cơ quan chức năng và các đơn vị cứu hộ, cứu nạn phương án tổ chức giao thông trên tuyến, lưu ý các trường hợp khẩn cấp có sử dụng làn đường ngược chiều, điều tiết các điểm mở kỹ thuật tại dải phân cách giữa đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi lắp đặt bổ sung biển báo hiệu và các thiết bị đảm bảo ATGT, biển báo, các điểm mở kỹ thuật tại dải phân cách giữa, ụ chống va xô và tín hiệu cảnh báo tại lối ra.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ VN cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về ATGT để nâng cao nhận thức cho người điều khiển phương tiện và tổ chức tập huấn, diễn tập thực tế các chuyên đề về công tác cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy trên tuyến cao tốc do đơn vị quản lý. 

Những vụ vi phạm nghiêm trọng trên đường cao tốc gần đây

*Ngày 3/4, một phụ nữ lái xe máy băng băng ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến nhiều người hoảng hốt.

*Ngày 3/4, người dân đốt cỏ ven đường cao tốc ven tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây gây khói và khiến nhiều ôtô đâm vào nhau gây tai nạn liên hoàn.

*Ngày 25/2, người đàn ông điều khiển chiếc Honda City màu trắng cố tình đi ngược chiều trên làn đường hướng từ Hà Nội đi Lào Cai với tốc độ khoảng 100km/h).

*Ngày 28/2, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng một phụ nữ lái chiếc xe ôtô 4 chỗ mang BKS Hà Nội đi ngược chiều ở làn trong cùng tại Km30 hướng Hà Nội - Hải Phòng ngược về Hà Nội. Người phụ nữ này sau đó bị phạt 7,5 triệu. T.K

Theo Khánh Hòa/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều