Văn bản kiểm điểm trách nhiệm ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM theo Kết luận nội dung tố cáo số 4474/KL-UBND ngày 25/11/2020 của UBND Thành phố.
Ngày 30/3/2021, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký ban hành văn bản số 886/UBND-VX về việc kiểm điểm trách nhiệm ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM theo Kết luận nội dung tố cáo số 4474/KL-UBND ngày 25/11/2020 của UBND Thành phố.
Theo đó, UBND TP phê bình rút kinh nghiệm đối với ông Lê Minh Tấn do có thiếu sót trong công tác bổ nhiệm cán bộ.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu ông Tấn triển khai các biện pháp khắc phục và báo cáo kết quả về UBND TP.HCM (thông qua Sở Nội vụ TP.HCM).
Ông Lê Minh Tấn (bên phải) tái đắc cử Bí thư Đảng ủy Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025 dù năm 2016 ông này bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. (Ảnh: Đăng Hải/Báo Dân sinh)
Được biết, trước đó, ngày 24/2, Sở Nội vụ TP.HCM đã có báo cáo về kết quả tổ chức kiểm điểm trách nhiệm ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM theo kết luận nội dung tố cáo ngày 25/11/2010 của UBND TP.HCM, liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ, kỷ luật nhân viên làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM - nơi xảy ra vụ việc Nguyễn Tiến Dũng dâm ô bé gái.
Theo báo báo của Sở Nội vụ TP.HCM, người tố cáo cho rằng ông Lê Minh Tấn bổ nhiệm bà Võ Thị Thanh Kim, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Bình Triệu, giữ chức Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội, tại thời điểm tháng 8/2018 khi chưa đủ điều kiện.
Cụ thể, bà Kim không có chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, không có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên.
Ngoài ra, nội dung tố cáo cũng cho rằng ông Võ Thanh Quang giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM trong thời gian dài (khoảng 15 năm), không có chuyên môn, nghiệp vụ, không có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, không có trình độ tin học và ngoại ngữ theo chuẩn quy định.
Sau khi làm việc với người tố cáo và giải trình của Giám đốc Sở LĐTB&XH, Sở Nội vụ TP.HCM xác định việc bổ nhiệm bà Kim chưa đúng quy định nên “nội dung tố cáo là có cơ sở”.
Về trường hợp ông Quang, Sở Nội vụ TP.HCM xác định nội dung tố cáo này là đúng. Tuy nhiên việc rà soát điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm lại đối với ông Quang là trách nhiệm của Văn phòng Sở LĐTB&XH và trách nhiệm của thủ trưởng nơi ông Quang công tác.
Mặt khác, trách nhiệm bổ nhiệm và bổ nhiệm lại ông Quang thuộc về 2 giám đốc Sở LĐTB&XH nhiệm kỳ trước là ông Lê Thành Tâm và ông Trần Trung Dũng.
Ngoài ra, ông Tấn cũng bị tố cáo vì bao che, không xử lý kỷ luật đối với 20 người khác liên quan trực tiếp trong ca trực của ông Nguyễn Tiến Dũng, liên quan đến vụ dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Quyết định chiến sĩ thi đua cơ sở và danh sách cá nhân được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở do ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM ký.
Điều đáng nói, dù có nhiều sai phạm trong hoạt động, điều hành, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ và bị UBND TP, Thanh tra TP.HCM “chỉ mặt, đặt tên” yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm nhưng ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM vẫn tự ký cho mình đạt chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2020.
Cụ thể, tại Quyết định công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” năm 2020 của Sở LĐTB&XH TP.HCM do chính ông Lê Minh Tấn ký mới đây. Theo đó có 364 cá nhân đạt danh hiệu trên, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
Theo quyết định này, mỗi cá nhân được nhận một giấy chứng nhận và được thưởng 1,0 lần mức lương cơ sở, chi từ nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị.
Với vai trò là Thành ủy viên, người đứng đầu cấp ủy, Giám đốc Sở, đáng lẽ ông Lê Minh Tấn phải là người gương mẫu trong phê bình và tự phê bình, nghiêm túc thực hiện kết luận Thanh tra để làm gương cho các bộ công chức, viên chức, người lao động tại Sở.
Thế nhưng, việc ông Tấn lấy danh nghĩa Giám đốc Sở để tự ký, công nhận chính bản thân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” năm 2020 khiến dư luận hoài nghi, đặt câu hỏi liệu đây có phải là việc làm quá “trơ trẽn” không? Công tác thi đua, khen thưởng tại Sở LĐTB&XH TP.HCM có thực sự chính xác, khách quan, công tâm, công bằng hay không? Có biểu hiện nể nang, xu nịnh khi để cán bộ mắc sai phạm, khuyết điểm “lọt” vào danh sách khen thưởng không? Phải chăng đây là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để độc đoán, chuyên quyền, vụ lợi cho bản thân?
Bởi lẽ, chẳng có ai bị tố cáo, kết luận có sai phạm mà lại hoàn thành nhiệm vụ và đạt lao động tiên tiến, đừng nói đến danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
Chiếc xe biển xanh mang BKS: 50A.001.62 được cho là ông Tấn sử dụng. Ảnh: Pháp luật Plus
Ngoài ra, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM còn có dấu hiệu sử dụng xe công làm việc riêng không được phép, không đúng quy định gây bức xúc trong nhân dân.
Theo phản ánh, chiếc xe ô tô nhãn hiệu Toyota mang BKS: 50A-001.62 là tài sản công được nhà nước giao cho Sở để phục vụ cho hoạt động công vụ.
Vậy nhưng, ông Lê Minh Tấn với cương vị là Giám đốc Sở đã sử dụng chiếc xe này để phục vụ việc đưa đón ông đi làm từ nhà riêng của ông có địa chỉ tại ấp Mỹ Khánh B, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đến trụ sở làm việc hàng ngày.
Quãng đường từ nhà vị Giám đốc Sở LĐTB&XH đến trụ sở của Sở LĐTB&XH TP.HCM là hơn 50km, nếu tính cả chiều đi và về là hơn 100km tiêu tốn khoảng 10 lít xăng cho mỗi lần sử dụng.
Việc ông Lê Minh Tấn sử dụng một chiếc ô tô biển xanh để đưa đón từ nơi ở tới cơ quan như trên là không đúng tiêu chuẩn. Đối chiếu với quy định tại Nghị định 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, thì ông Lê Minh Tấn không thuộc diện chức danh được xe công thường xuyên đưa đón từ nơi ở tới cơ quan.
Theo quy định tại mục b, điểm 1, Điều 7 Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ về quy định, tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý sử dụng xe ô tô trong đơn vị Nhà nước nêu rõ: Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc các Sở, Ban, ngành có chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên (không kể kiêm nhiệm) được trang bị tối đa 01 xe ô tô/01 đơn vị để phục vụ công tác chung tại cơ quan, đơn vị.
Quyết định số 32 hoàn toàn không nêu, chức danh lãnh đạo Sở, ngành được sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.
Năm 2016 ông Lê Minh Tấn đã bị thi hành kỷ luật bằng hình thức kỷ luật khiển trách. Ảnh: Pháp luật Plus
Hàng chục xe biển xanh đỗ kín trước nhà ông Tấn tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Ảnh: Vietnamnet.vn
Được biết, đây không phải lần đầu ông Lê Minh Tấn bị phản ánh về việc biến xe cơ quan thành “xe nhà”. Trước đó, ngày 24/6/2016, trong báo cáo 101/BC-UBND do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm ký báo cáo Thường trực Thành uỷ về hình thức kỷ luật đối với ông Lê Minh Tấn có nêu rõ: Hội đồng kỷ luật công chức TP.HCM họp ngày 22/6/2016 và ý kiến của các thành viên Ban Cán sự Đảng UBND TP đánh giá ông hành vi của ông Lê Minh Tấn là thiếu gương mẫu, chưa quán triệt cho Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc trong việc sử dụng thời gian làm việc và xe công vào việc riêng; gây dư luận không tốt trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của người đứng đầu cơ quan. Với hành vi thiếu gương mẫu này, ông Lê Minh Tấn bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Dù đã có “tì vết” và nhận hình thức kỷ luật về hành vi sử dụng xe công sai mục đích nhưng có dấu hiệu vị giám đốc Sở này xem nhẹ việc khiển trách chỉ như “ném đá ao bèo”, coi thường pháp luật khi “chễm trệ” ngang nhiên biến xe công thành xe ông để đưa rước, tiêu tốn tiền ngân sách Nhà nước.
Cán bộ, đảng viên là nhân tố “then chốt”, có vai trò rất quan trọng không chỉ quyết định đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị mà còn quyết định đến việc tổ chức, tập hợp, dẫn dắt các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để thực hiện vai trò đó, cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu trong lời nói và việc làm, nói phải đi đôi với làm, luôn nêu cao trách nhiệm nêu gương.
Trách nhiệm nêu gương là bổn phận, nghĩa vụ mà cán bộ, đảng viên phải thực hiện. Cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng phải nêu gương về đạo đức cách mạng, tu dưỡng đạo đức cách mạng để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng, còn hình thức và mờ nhạt.
Là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cấp Sở, lẽ ra ông Lê Minh Tấn không chỉ phải làm gương cho cấp dưới mà phải biết giữ mình để tránh sa vào những vụ việc gây phản cảm, bức xúc trong dư luận.
Thế nhưng, qua những vụ việc điển hình như đã nêu ở trên, rõ ràng đây là những cán bộ có biểu hiện “nói một đàng, làm một nẻo”, “diễn gương”, “là cơ hội chính trị” chứ không phải “nêu gương”, không “tiền phong gương mẫu”; thậm chí không ít người đã suy thoái ở các mức độ khác nhau và vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.
Đây chính là một căn bệnh “ung thư di căn về nhân cách”, cần xem xét trách nhiệm, thậm chí cần loại bỏ trong bộ máy lãnh đạo theo các qui định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thông qua việc nghiêm túc tiến hành kiểm điểm, kiểm tra, giám sát, điều tra, xét hỏi được thực hiện rộng rãi, những tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước đã bị xử lý kỷ luật, không có ngoại lệ, không có vùng cấm (dù đang đương chức hay đã nghỉ hưu) đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Và như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, chúng ta không thiếu người tài, đức, đừng sợ mất cán bộ mà để mất niềm tin của nhân dân. Bởi mất tiền là mất ít, mất thời gian là mất nhiều và khi mất niềm tin là mất tất cả.
Do đó, đối với việc cán bộ quá “trơ trẽn”, “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác thi đua – khen thưởng, sử dụng xe công sai mục đích, không thể chấp nhận cứ nhắc đi nhắc lại “thông điệp” rồi “giơ cao đánh khẽ” mà cần phải có các giải pháp để ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức lạm chức vụ, quyền hạn trong hoạt động điều hành, thi hành công vụ.
Một là, nếu không nêu gương, chính bản thân cán bộ, đảng viên đã tự mình không còn chân chính, cách mạng. Ví dụ cụ thể đối với diện cán bộ thuộc quản lý của Thành ủy TP.HCM như trường hợp của ông Lê Minh Tấn - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM thì Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Thành ủy, UBND TP, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cần khẩn trương vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh nội dung các cơ quan báo chí thông tin, phản ảnh. Nếu phát hiện ra sai phạm thì cần kết luận, trong kết luận phải rõ sai phạm, khuyết điểm đến đâu; những sai phạm, khuyết điểm đó gây tác hại thế nào, tính chất ra sao, ảnh hưởng như thế nào, rồi nguyên nhân chủ quan, khách quan của những sai phạm đó như thế nào, từ đó mới kiến nghị hình thức kỷ luật nghiêm minh, thích đáng để tạo tính răn đe.
Hai là, để trả lại giá trị, vinh dự đích thực và ý nghĩa cao quý của công tác thi đua, khen thưởng theo đúng tinh thần “thi đua ái quốc”, dư luận đang trông chờ UBND TP.HCM, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua khen thưởng TP.HCM có câu trả lời rõ ràng, thỏa đáng, công tâm cho việc có tiến hành thu hồi, huỷ bỏ danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở đối với cán bộ mắc sai phạm, khuyến điểm hay không?
Ba là, mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước. Một trong những điều được nhiều người quan tâm tại nghị định đó là quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng với tổ chức giao, sử dụng ôtô công vào mục đích cá nhân, đưa đón người có chức danh không có tiêu chuẩn từ nơi ở đến nơi làm việc, phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt… Điều này được kỳ vọng nhằm giảm bớt và chấn chỉnh tình trạng sử dụng xe công sai mục đích.
Nhưng để quy định trên đi vào thực chất thì cần phải có sự gương mẫu ở từng đơn vị, đồng thời phải tránh được sự nể nang, né tránh, phân định trách nhiệm rõ ràng, đồng thời phải xem xét trách nhiệm để xử lý kỷ luật, có như vậy mới răn đe được các trường hợp khác.
Bốn là, cần phải làm triệt để từ trên xuống dưới. Khi xảy ra sự việc vi phạm thì ai là người chịu trách nhiệm, lỗi ở khâu nào?
Có những trường hợp khi ở dưới kỷ luật không đúng thì cấp trên phải yêu cầu để xử lý lại cho tương xứng. Mặt khác để thực hiện được điều này trước hết lãnh đạo các cấp, từ trên xuống phải rất gương mẫu. Bởi chỉ có gương mẫu thì mới có thể tránh được sự nể nang, né tránh trong việc xử lý những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, với những trường hợp vi phạm có thể soi chiếu các quy định của Đảng để xử lý.
Phan Anh Tuấn (tổng hợp)
Nguồn tham khảo, tổng hơp:
https://danviet.vn/tphcm-ly-do-giam-doc-so-ldtbxh-le-minh-tan-bi-phe-binh-20210331134808213.htm
https://thuonghieuvaphapluat.vn/tphcm-giam-doc-so-ldtbxh-bi-to-bien-xe-cong-thanh-cua-rieng-d41879.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=1303
https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/thanh-tra-chi-ra-sai-pham-giam-doc-so-ldtbxh-tp-hcm-van-ky-minh-dat-chien-si-thi-dua-co-so-d153463.html