Văn bản số 9466/VP-ĐT truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ trì xem xét, xử lý thông tin báo chí nêu.
Cụ thể, ngày 09/10/2017, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có văn bản số 9466/VP-ĐT truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ trì xem xét, xử lý thông tin báo chí nêu về những quy định hạn chế hoạt động kinh doanh bằng xe tải trong khu vực nội đô Hà Nội.
Nội dung văn bản nêu rõ: “UBND Thành phố nhận được Văn bản số 1473-CV/VPTU ngày 21/9/2017 của Văn phòng Thành ủy thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy về việc ngày 05/9/2017 Tạp chí mặt trận đăng bài “Hà Nội: cần gỡ bỏ quy định gây khó cho hoạt động kinh doanh bằng xe tải”.
Về việc này, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo như sau:
Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì xem xét, xử lý và có văn bản trả lời Tạp chí Mặt trận theo quy định; đề xuất, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 10/2017”.
Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã ký văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về kiến nghị của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải An Khang Phát về thực trạng vận tải hàng hóa bằng xe tải nhẹ từ 0,5-1,25 tấn và việc sửa đổi Quyết định 06 năm 2013 của UBND thành phố.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 9800/VPCP-ĐMDN ngày 15/11/2016 về việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Văn phòng Chính phủ chuyển kiến nghị của Công ty An Khang Phát tới UBND TP Hà Nội để xem xét, xử lý và trả lời theo thẩm quyền; gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tổng hợp trước ngày 15/10/2017.
Năm 2013, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 06, trong đó, Điều 5 khoản 1 quy định "Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn: Cấm hoạt động trong giờ cao điểm" đối với khu vực hạn chế - khu vực này bao phủ một vùng rất rộng trung tâm Thành phố.
Cũng theo quyết định này, “trọng lượng” được hiểu là: “Trọng lượng toàn bộ của xe gồm trọng lượng bản thân xe cộng với trọng lượng hàng theo thiết kế”.
Theo phản ánh của Công ty An Khang Phát, trên thực tế, không có một loại xe tải nào có gắn thùng, đang lưu hành tại Việt Nam mà có trọng lượng toàn bộ cả xe và hàng nhỏ hơn 1,25 tấn như Điều 5, khoản 1 đã quy định.
Như vậy theo Quyết định 06, tất cả các xe tải, dù nhỏ nhất, cũng không được phép chạy vào TP Hà Nội từ 6h00 sáng đến 21h00 đêm.
Điều 5, khoản 2 Quyết định 06 còn quy định: “Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng từ trên 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công: chỉ được phép lưu hành từ 21h00 đến 6h00 sáng ngày hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải An Khang Phát về thực trạng vận tải hàng hóa bằng xe tải nhẹ từ 0,5-1,25 tấn và việc sửa đổi Quyết định 06 năm 2013 của UBND thành phố.
Như vậy, tất cả các loại xe tải nhỏ có trọng tải từ 0,5 tấn đến 1,25 tấn đều bị gộp chung với loại xe siêu trường, siêu trọng, chỉ được hoạt động từ 21h00 đến 6h00 sáng hôm sau, nhưng lại phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Đây cũng là một quy định rất vô lý, các doanh nghiệp, cá nhân có xe tải nhẹ phải đi xin, đi chạy để được cấp phép đi vào nội thành từ 21h00-06h00, nhiều khi chỉ để chở một cái tủ lạnh, một cái ti vi hoặc một cái bàn học sinh, trong khi thành phố đã trong tình trạng đường xá thưa vắng, cả thành phố đã đi ngủ, mà vẫn phải có giấy phép mới được vào hoạt động!
Trong các ý kiến của gửi về Tạp chí Mặt trận, nhiều bạn đọc cho rằng, ngay từ khi ban hành, quy định này đã bộc lộ nhiều điểm bất cập và phi thực tế bởi rất ít loại xe tải gắn thùng đang lưu hành tại Việt Nam lại có tổng trọng lượng toàn tải nhỏ hơn 1,25 tấn. Việc Hà Nội không quản được thì cấm đã nảy sinh ra một quy định rất vô lý, “đẻ thêm” giấy phép con “trói buộc” doanh nghiệp, cá nhân có xe tải nhẹ phải đi xin xỏ, lạy lục để được cấp phép đi vào nội thành, từ 21h00 - 06h00, gây không ít khó khăn, phiền hà và đi ngược lợi ích của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe tải nhẹ.
Bạn đọc Minh Hà bình luận: “Nếu cấm tất cả các loại xe tải nhỏ được vào thành phố vào ban ngày, thì tất cả các doanh nghiệp như chúng tôi vận chuyển, lưu thông hàng hoá bằng phương tiện nào? Chẳng lẽ thuê xe ôm vận chuyển dần chăng? Hoặc thuê các loại xe ba bánh tự chế chăng? Thế này thì các loại xe thô sơ ba, bốn bánh tự chế có dịp phát triển dày đặc trong thành phố”.
Bạn đọc Lưu Đức Quang cho rằng, Điều 5 quy định ban hành kèm Quyết định 06 lại gộp loại xe tải nhẹ 1,25 tấn chung với xe siêu trường, siêu trọng... để buộc phải có giấy phép mới được chạy vào thành phố từ 21h-6h sáng là cực kỳ vô lý. Khi đó đường phố Hà Nội vắng tanh, cả thành phố đã đi ngủ, nếu muốn chở 1 cái tủ lạnh về nhà vào nửa đêm thì cũng phải đi xin phép sao? Đây là một loại giấy phép con phiền phức, nhiêu khê, tốn kém cần phải được loại bỏ ngay, đúng với tinh thần cải cách hành chính, gỡ bỏ các khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo.
“Xe ba gác chở hàng gây nguy hiểm, mất mỹ quan đô thị cấm thì phải dùng xe tải hạng nhẹ thay thế. Nếu cấm sạch sẽ như vậy thì giá cước vận chuyển sẽ bị đội lên. Tại sao Hà Nội không chỉ cấm vào giờ cao điểm như Thành phố Hồ Chí Minh mà lại cấm toàn bộ xe tải nhỏ hoạt động vào ban ngày trong khu vực nội đô như vậy. Quyết định này đã có 4 năm, vậy 4 năm qua nhu cầu vận tải của người dân có giảm không? Có lẽ là không giảm, mà khống ngừng tăng thêm. Vậy, người dân phải “tốn kém” tiền bạc và thời gian để xin các loại giấy phép con thì ai là người được hưởng lợi? Các phí tổn này ai là người chịu? Liệu có làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế hay không?” - Bạn đọc Kiều Hoan bày tỏ băn khoăn, lo lắng.
Một số bạn đọc nêu sự so sánh, trong khi TP. Hồ Chí Minh có mật độ giao thông dầy đặc, tần suất tắc nghẽn giao thông gấp nhiều lần Hà Nội mà vẫn chỉ cấm xe tải trọng từ 0,5 tấn - 1,25 tấn hoạt động trong nội thành vào giờ cao điểm sáng từ 6h00 - 8h00, chiều từ 16h30 - 19h30.
Lưu ý là TP.HCM quy định về tải trọng xe (tức là lượng hàng xe chở), chứ không như Hà Nội quy định về trọng lượng xe (gồm cả trọng lượng bản thân xe và hàng hóa).
Trên thực tế, quy định của UBND thành phố Hà Nội còn tỏ ra lạc hậu, lỗi thời, “vênh” với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ vừa được Bộ Giao thông vận tải ban hành tháng 4/2016 - QCVN 41:2016/BGTVT. Trong đó tại Khoản 3.30, Điều 3, Phần 1 nêu rõ: “Xe ôtô con (hay còn gọi là xe con) là xe ôtô được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe hoặc xe ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500kg; xe ôtô con bao gồm cả các loại xe có kết cấu như xe máy 3 bánh nhưng có tải trọng bản thân xe lớn hơn 400kg và tải trọng toàn bộ xe cho phép nhỏ hơn 1.500kg”.
Như vậy, loại xe ô tô vận tải có trọng lượng dưới 1,25 tấn được nhắc đến trong Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND của TP. Hà Nội chiếu theo Quy chuẩn 41 thì được xếp vào loại xe con và không bị hạn chế thời gian hoạt động.
Từ những bất cập nêu trên, rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và người sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe tải nhỏ đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét điều chỉnh hoặc gỡ bỏ hoàn toàn một số quy định của Quyết định 06, tạo điều kiện cho xe tải nhỏ dưới 1,25 tấn được hoạt động ban ngày (trừ giờ cao điểm), bỏ quy định xin giấy phép lưu hành trong khung giờ không cấm nhằm bảo đảm lợi ích của cộng đồng và cả lợi ích của doanh nghiệp.
Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017. |
Phan Anh Tuấn