Cần xử lý nghiêm công trình không phép trên đèo Mã Pì Lèng: Bài học kinh nghiệm và trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ di sản

(Mặt trận) - Trong khi cả nước đang chung tay phòng, chống dịch Covid-19 thì tỉnh Hà Giang đã có những bước đi khá kín tiếng liên quan đến việc xử lý tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) xây dựng trái phép ngay trên hẻm vực Tu Sản, đoạn đèo Mã Pì Lèng nối Mèo Vạc với Đồng Văn. Tuy nhiên, thay vì xử lý nghiêm công trình vi phạm thì địa phương này lại đang có chủ trương đồng thuận cho công trình được phép tồn tại.

Công trình Panorama xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Báo Giao thông

Cú “phá bẫy việt vị” thành công của “bà chủ ” Panorama Mã Pì Lèng

Liên quan đến việc xử lý tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) xây dựng trái phép ngay trên hẻm vực Tu Sản, đoạn đèo Mã Pì Lèng nối Mèo Vạc với Đồng Văn, UBND tỉnh Hà Giang gần đây đã xin ý kiến các chuyên gia của Hội Di sản văn hóa Việt Nam; Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Viện Bảo tồn di tích; Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT-DL); Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam... về phương án cải tạo công trình.

Báo cáo về việc cải tạo, chỉnh trang công trình Panorama tại đèo Mã Pì Lèng thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách với quy mô kiến trúc phù hợp, chủ đầu tư công trình, bà Vũ Thị Ánh, chủ tòa nhà Panorama, trình bày phương án sửa chữa kiến trúc sử dụng các họa tiết, chi tiết dùng trang trí của các dân tộc địa phương vào công tác hoàn hiện công trình tạo cảnh quan gần gũi với môi trường xung quanh, đồng thời cũng là nơi giới thiệu văn hóa, các sản vật và đặc sản địa phương với du khách trong và ngoài nước.

Về kết cấu công trình, bà Ánh nêu ý kiến phần công trình trên cốt mặt đường giữ lại toàn bộ kết cấu, chỉ thay đổi vật liệu hoàn thiện cho phù hợp như tiêu chí của Bộ VH-TT-DL đã nêu.

Lý do giữ lại vì phần nổi này chính là đối trọng neo giữ toàn bộ công trình, vì toàn bộ công trình nằm trên một triền dốc đứng, nếu đập bỏ chính là làm nhẹ phần đối trọng của toàn bộ công trình, có thể gây trượt, nguy hiểm cho toàn bộ công trình. Phần cuối phía dưới của công trình cũng vậy, nếu đập bỏ sẽ làm mất đối trọng phần chân công trình khi chịu lực bên trên dồn xuống. Phần này như chốt chặn để công trình được ổn định và giữ cân bằng vị trí. Toàn bộ kết cấu trên được liên kết chặt chẽ, tạo sự ổn định cho công trình.

Chủ đầu tư cho biết đã được các kỹ sư và chuyên gia kết cấu thiết kế và hướng dẫn chi tiết đảm bảo an toàn và bền vững của công trình.

Ngoài ra, về tôn tạo và bổ sung cảnh quan xung quanh công trình, bà Ánh cho biết sẽ trồng cây và hoa, đảm bảo cảnh quan công trình hài hòa với thiên nhiên xung quanh.

Cụ thể, khối nhà hàng ăn uống và giải khát 2 tầng sẽ được thiết kế tường ốp vật liệu giả gỗ mô phỏng nhà truyền thống người dân tộc Mông, làm thêm ngói âm dương theo truyền thống nhà của người dân tộc Mông.

Với khối nhà nghỉ ngơi 1 tầng với diện tích khoảng 207 m2, tường và lan can sân trời được ốp vật liệu gỗ mô phỏng nhà truyền thống của người Mông. Các trụ cột sắt đỡ sân trời được bọc lại bằng vật liệu cây trúc.

Được biết, UBND tỉnh Hà Giang cùng các chuyên gia đều thống nhất quan điểm sẽ không phá dỡ toàn bộ công trình Panorama, nhưng đó sẽ chỉ là điểm dừng chân, không có lưu trú. Việc cải tạo cần đảm bảo kiến trúc theo kiến trúc truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn. Thứ hai đảm bảo an toàn, thứ ba là về vệ sinh.

Trong tháng 3/2020, bản thiết kế công trình Paranoma sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, sau đó sẽ được gửi lên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc, Ủy ban UNESCO, Cục Di sản Văn hóa. Sau khi các đơn vị liên quan thống nhất bản thiết kế đó, đồng thời có đầy đủ ý kiến của các nhà khoa học thì chủ đầu tư mới được tiến hành sửa chữa.

Như vậy, đến nay, tòa bê tông “4 không” Panorama Mã Pì Lèng: “không có Giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng, và không có văn bản thẩm định của Bộ VHTT&DL”, được tỉnh Hà Giang chốt phương án cho phép tồn tại, bất chấp phản ứng gay gắt, dữ dội trước đó của dư luận.

Vì sao Hà Giang lại “ban phép màu” cho công trình “4 không” tồn tại?

Theo Đồ án quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực có nhà hàng nêu trên là nơi hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu; chiều cao các công trình từ 1 đến 3 tầng.

Đèo Mã Pì Lèng là di sản thiên nhiên thế giới, còn cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu nên chuyện nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama xây dựng không phép trong khu vực này không còn là câu chuyện của riêng Hà Giang mà còn là câu chuyện của quốc gia và của thế giới.

Với những sai phạm như xây dựng không phép, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không đăng ký kinh doanh dịch vụ... thì nhà hàng này đáng lẽ phải bị phá dỡ, thì nay Hà Giang đồng thuận cho phép khối bê tông 7 tầng được phép tồn tại.

Trước đó, ngày 8/10/2019, Sở Xây dựng Hà Giang có văn bản gửi UBND tỉnh này báo cáo kết quả cuộc họp liên ngành và đề xuất hướng xử lý công trình nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng.

Theo đó, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất lãnh đạo tỉnh yêu cầu huyện Mèo Vạc chỉnh trang, cải tạo một phần công trình (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch. Toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11.

Đồng thời, chủ đầu tư được yêu cầu hoàn thiện các thủ tục pháp lý phần công trình còn lại trong thời hạn 60 ngày; các vi phạm khác xử lý theo quy định.

Mặc dù vậy, không hiểu sao sau nhiều tháng tháng trôi qua, tòa khách sạn được ví như cái “răng sâu” bê tông trên địa danh được gọi là “Tứ đại đỉnh đèo” này vẫn “trơ gan” thách thức pháp luật.

Không thể phủ nhận rằng Hà Giang là một tỉnh nghèo, việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhằm phát triển kinh tế xã hội là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, việc “hợp thức hóa” cho các công trình xây dựng vi phạm, bất chấp cảnh quan thiên nhiên bị ảnh hưởng, xâm hại đã, đang và sẽ trở thành một vấn nạn “nhờn luật”, thách thức hiệu lực quản lý nhà nước cho địa phương này.

Dù không thuộc khu vực bảo vệ của danh thắng nhưng công trình này ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan của danh thắng, cản tầm nhìn và phá vỡ cảnh quan khu vực nhưng việc Hà Giang buông lỏng quản lý vùng đệm di sản dẫn đến hệ lụy và hậu quả như ngày hôm nay.

Điều đó cũng cho thấy sự thiếu trách nhiệm, khả năng quản lý của chính quyền huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang. Hay đằng sau đó là sự ưu ái, dung túng một cá nhân xâm phạm tới di sản thiên nhiên và công viên địa chất?

Ngoài ra, đối với nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama, đây là công trình “không phép” chứ không phải trái phép. Như vậy, chủ nhà hàng đã tự ý xây dựng khi chưa được cơ quan quản lý đồng ý. Nên chính quyền Hà Giang có quyền cưỡng chế, phá dỡ bất kỳ lúc nào và không có lý gì để cho nhà hàng này tồn tại đến ngày hôm nay.

Nếu Hà Giang tiếp tục giải quyết sai phạm công trình Mã Pì Lèng Panorama vừa gây hại môi trường, vừa vi phạm pháp luật theo hướng như hiện tại sẽ khiến dư luận băn khoăn, đặt nhiều nghi vấn về một hệ thống hành chính thiếu kỷ cương tại nơi này. Nhìn vào Hà Giang xử lý sai phạm sẽ thấy được uy tín của chính quyền trong mắt người dân, chứ không đơn thuần chỉ là chuyện lợi ích, vin vào cớ gây lãng phí, thiệt hại mà không làm.

Hơn nữa, vụ việc sẽ tạo tiền lệ xấu cho việc xử lý các công trình vi phạm vào di sản thiên nhiên thế giới ở Việt Nam trong tương lai. Do đó, đối với những vi phạm như thế không vận dụng theo kiểu phạt cho tồn tại một cách xuê xoa, thậm chí phải xem xét về mặt hình sự vì có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về xây dựng.

Bên cạnh đó, việc một công trình quy mô 7 tầng không phép, xâm phạm di sản ở một vị trí nhạy cảm, bất kỳ người dân nào cũng có thể nhìn thấy thì ngoài trách nhiệm của UBND huyện Mèo Vạc thì trách lãnh đạo tỉnh Hà Giang và các sở, ngành của tỉnh là gì? Những cá nhân, tổ chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã để xảy ra sai phạm?

Rõ ràng, các sở, ngành chuyên môn của tỉnh Hà Giang phải chịu trách nhiệm tùy theo lĩnh vực quản lý của mình. Ở cấp huyện, các phòng chuyên môn có thể trình độ hạn chế không nắm hết được, nhưng ba sở còn lại liên quan tới công trình sai phạm là Xây dựng, TN-MT, VH-TT&DL không thể đứng ngoài cuộc.

Câu chuyện về công trình Panorama trước hết đặt ra vấn đề về kỷ cương, kỷ luật, về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý xây dựng. Nếu các quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu thì rất khó để “con voi chui lọt lỗ kim” và cơ quan quản lý cũng không phải đau đầu tìm cách xử lý “việc đã rồi” như hiện nay.

Do đó, cần phải giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Trong quá trình thực hiện khai thác di sản như một tài nguyên du lịch cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố môi trường (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, xã hội) và việc bảo vệ, giữ gìn yếu tố gốc làm nên giá trị cốt lõi của di sản.

Hai là, đó là trách nhiệm phải tổ chức quy hoạch của khu vực di sản và lân cận, xác định rõ khu nào không được xây dựng, khu nào xây được để phục vụ du khách, bảo tồn chỗ nào, đầu tư chỗ nào.

Quan trọng hơn, các địa phương, trong đó có tỉnh Hà Giang phải gấp rút làm quy hoạch toàn bộ các khu vực của di sản, đưa ra giải pháp cụ thể và chi tiết về bảo tồn và phát triển.

Ba là, trong vùng đệm di sản có những địa điểm, vị trí rất đẹp để kinh doanh, phát triển lợi nhuận trong quần thể, do đó dẫn đến hành vi xâm hại cảnh quan di sản một cách ngang nhiên, nhưng chính quyền chỉ có thể phạt lỗi xây dựng không phép chứ không đủ cơ sở pháp lý để phạt lỗi vi phạm di sản. Có kẽ hở này là do Luật Di sản hiện hành có lỗ hổng. Nếu điều chỉnh được Luật Di sản, chúng ta không chỉ cứu một mình Mã Pí Lèng mà còn cứu hàng nghìn di sản khác trên toàn quốc.

Phan Anh Tuấn


Nguồn tham khảo:

https://nld.com.vn/van-nghe/ha-giang-khong-pha-do-toan-bo-panorama-cai-tao-thanh-diem-dung-chan-ngam-canh-20200315102009424.htm

Bình luận

Hồ Sỹ Thụy - 08:03 16/03/2020

Bài viết hay!

Trả lời

Nguyên binh - 07:48 16/03/2020

Ông cựu bí thư tỉnh và gia đình là tấm gương quá xấu, chỉ vì nể nang hay ơn huệ nào đó mà một số người đã cứu giúp ngài thoát hiểm. Nhưng hệ lụy của ngài để lại thì rõ ràng, người dân sẽ theo tấm gương của ngài mà coi thường pháp luật

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều