Tình trạng chung cư cao tầng liên tục cháy, gây thiệt hại lớn về người và tài sản khiến dư luận hết sức lo ngại nhiều ngày qua. Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng cần phải tăng cường kiểm tra, rà soát toàn diện công tác phòng cháy, chữa cháy, đồng thời làm rõ trách nhiệm của đơn vị có liên quan khi có dấu hiệu sai phạm.
PV: Thưa ông, dư luận cho rằng tỷ lệ các chung cư đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy là rất thấp, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm: Các chung cư là nơi ở đông người, giao thông thẳng đứng, cho nên không thuận lợi thoát nạn khi có sự cố. Vì lẽ đó, việc thiết kế và xây dựng chung cư phải được quy định chặt chẽ về phương diện phòng cháy, chữa cháy. Thế nhưng hiện nay, quy định có nhưng vẫn thiếu sự kiểm soát.
Thực tế, trước khi đưa người vào ở, cần có thủ tục nghiệm thu, bàn giao, sau khi công trình đã được nghiệm thu đúng thiết kế, yêu cầu thì cơ quan nghiệm thu sẽ cấp cho giấy phép cho chủ đầu tư đưa công trình vào sử dụng. Tuy nhiên, nhiều nơi chúng ta xây dựng xong là vào ở chứ không biết đã được đánh giá và cấp phép hay chưa. Do vậy, cần phải làm chặt khâu này.
TS.Phạm Sỹ Liêm, để xảy ra cháy chung cư, cần làm rõ trách nhiệm đơn vị liên quan. (Ảnh: Petronews)
Đây là trách nhiệm của ngành xây dựng. Bởi, ngành xây dựng khi cấp giấy phép xây dựng chung cư sẽ kiểm tra lại thiết kế, cũng như các hạng mục khác có đạt tiêu chuẩn hay không thì mới cấp giấy phép xây dựng. Cho nên phải qua khâu kiểm soát giấy phép xây dựng thì mới đến kiểm soát được việc chấp hành giấy phép xây dựng. Tiếc rằng qua thực tế, chúng ta chưa làm được đầy đủ, nhất là thời gian qua đã có sự việc diễn ra như vậy, thì cần phải có chấn chỉnh sớm.
PV: Vậy việc xem xét trách nhiệm cần bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm: Cơ bản, trách nhiệm thuộc về chính quyền và cơ quan quản lý xây dựng. Bởi vì, đây là cơ quan cấp giấy phép xây dựng. Tại sao không đạt mà cơ quan vẫn cấp, hoặc cơ quan đó không có giấy phép nhưng họ cứ xây mà không kiểm tra thì quản lý như thế nào? Cho nên, cơ quan quản lý xây dựng phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên, giúp đỡ cho cơ quan xây dựng này là ai? Đó là chính quyền phường, xã, sở tại.
Chính quyền phường, xã khi thấy có vấn đề là phải kiểm tra. Chính quyền phường biết, hoặc biết mà không báo thì chính quyền phường phải có trách nhiệm. Khi được báo mà không xử lý thì ngành, cơ quan cấp phép phải chịu trách nhiệm.
Trường hợp thiết kế không đầy đủ mà vẫn được cấp phép thì đơn vị cấp phép có trách nhiệm. Chủ đầu tư, cũng phải có trách nhiệm nhưng đó chỉ là ở khía cạnh thị trường, nhưng quản lý nhà nước thì cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm.
PV: Ông có khuyến nghị gì để hạn chế tình trạng cháy nổ xảy ra ở chung cư, thưa ông?
Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm: Cháy ở nhà chung cư liên quan đến 3 khâu, khâu thứ nhất là thiết kế và xây dựng đúng hay không đảm bảo phòng, cháy chữa cháy. Nhưng thiết kế đúng nhưng người ở gây cháy thì vẫn cháy, do vậy, khâu thứ hai là quản lý và sử dụng nhà có đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy hay không? Thiết bị PCCC có hoạt động hay không, có vòi nước nhưng vòi nước có nước hay không?
Còn khâu thứ ba, thuộc về chính quyền, khi xảy ra cháy thì có thiết bị để chữa hay không. Thực tế, khâu nào đó yếu, không đạt yêu cầu, thì phải tăng cường khâu quản lý chặt chẽ hơn nữa, các thiết bị cần được kiểm tra thường xuyên. Nâng cao ý thức của con người trong phòng cháy, chữa cháy.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Theo Thu Hằng/VOV1