Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, vấn đề được cử tri quan tâm, đặt câu hỏi nhiều nhất là thực trạng tham nhũng tiêu cực.
Những chia sẻ và cả những giải đáp đã được đưa ra với quyết tâm chính trị cao. Làm sao cán bộ phải thực sự là “của dân”; không được lợi dụng dân, lợi dụng pháp luật để nhũng nhiễu, cửa quyền; làm sao để không còn những cái “ghẻ ruồi” gây khó chịu trong đời sống xã hội. Muốn vậy, điều kiện tiên quyết là phải thay đổi ý thức quyền lực của một bộ phận cán bộ. Bởi người dân chưa thể hết phiền lòng khi còn cán bộ “hư”.
Muốn xử lý tham nhũng "vặt", căn cốt vẫn là con người, là trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Tại buổi giám sát của HĐND thành phố HCM với UBND thành phố, chuyên đề giải quyết khiếu nại của người dân về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất diễn ra mới đây, sau khi các đại biểu đặt vấn đề 17.000 nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận, ông Trần Vĩnh Tuyến- Phó Chủ tịch UBND thành phố HCM đã nhận định: nơi này, nơi kia, còn tiếng dân than về cán bộ nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm.
Đáng nói, thành phố HCM không phải là địa phương duy nhất. Dường như nó đã trở thành thực trạng chung, thành nỗi bức xúc chung của xã hội. Khó liệt kê hết hành vi nhũng nhiễu, đòi phải chung chi của một bộ phận không nhỏ cán bộ cơ sở bởi người dân, doanh nghiệp đều từng phải tiếp cận, làm thủ tục trong các hoạt động y tế, giáo dục, nhà đất, đăng ký nhà đất …
Nếu không có phí gọi là bôi trơn thì khó xuôi chèo, mát mái, chẳng biết đến bao giờ mới xong, hoặc phải chạy đi chạy lại nhiều lần để đáp ứng các yêu cầu “trên trời” của các cán bộ thực thi công vụ. Hình thức hành dân ấy biến hóa muôn hình vạn trạng. Người dân mệt mỏi, doanh nghiệp kêu than nhưng nó lại là bình thường, thành thói quen của người đại diện cho cơ quan công quyền và người dân, dù muốn hay không, dù phiền lòng cũng phải chấp nhận. Nó bị cả xã hội lên án và đặt tên là “tham nhũng vặt”. Nó khiến người đứng đầu Chính phủ sốt ruột khi cho biết. sẽ phải tổ chức hội nghị toàn quốc về chống tham nhũng “vặt”. Nó khiến người đứng đầu Đảng và Nhà nước phải lo lắng vì nó làm “hỏng” cán bộ.
Đã có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, dẫn tới tình trạng tham nhũng “vặt” len lỏi vào ngõ ngách của đời sống xã hội và ngang nhiên tồn tại. Ví như chất lượng yếu kém của hệ thống thể chế, quy định pháp luật với nhiều thủ tục hành chính không rõ ràng, phức tạp. Ví như tâm lý lo ngại, sợ gây khó dễ. muốn cho nhanh, được việc của doanh nghiệp, người dân. Ví như cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ tập trung vào các vụ đại án tham nhũng, chưa coi trọng việc xử lý hành vi tham nhũng “vặt”.
Ai cũng hiểu rằng, hành vi “vặt” nhưng hậu quả lớn. Nhưng dù nguyên nhân nào, lý do gì, căn cốt và quyết định vẫn là con người. Thể chế có thống nhất, pháp luật có quy định chặt chẽ đến đâu mà người thưà hành muốn lách, muốn lợi dụng để hạch sách, nhũng nhiễu thì doanh nghiệp, người dân không có cách nào khác là phải lo lót, phong bao, phong bì.
Chẳng thế, theo Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 109 trong số 137 nền kinh tế về các khoản chi không chính thức và hối lộ. Năm 2017, có tới gần 60% doanh nghiệp đã phải chi trả chi phí không chính thức, thậm chí có doanh nghiệp phải chi đến hơn 10% doanh thu. Phong bì của người dân thì đủ mức, từ vài trăm ngàn đồng đến tiền triệu, tương ứng với các khoản xin-cho. Chi phí không chính thức ấy về tay ai, làm giàu cho ai nếu như không phải là cán bộ thực thi công vụ, thừa hành pháp luật.
Cái sự hư hỏng của cán bộ bắt nguồn từ đâu nếu như không phải từ việc quản lý cán bộ lỏng lẻo dễ dãi, xuê xoa, nếu như không phải từ lòng tham, từ ý thức lệch lạc về quyền lực của một bộ phận cán bộ mang danh “công bộc” của dân mà “ăn” của dân không “từ một thứ gì”.
Vậy nên, để tham nhũng “vặt” không còn là nỗi ám ảnh như “ghẻ ruồi” rất khó chịu trong đời sống xã hội, không còn là tác nhân gây bất bình dư luận, gây mất lòng tin của dân, làm hư hỏng cán bộ thì ngoài hoàn thiện thể chế, thay đổi cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch các lĩnh vực hoạt động , cốt lõi vẫn là thay đổi thái độ hành xử của cơ quan nhà nước, cán bộ thừa hành trong thực thi công vụ.
Người dân làm ra của cải vật chất để xã hội phát triển, nuôi bộ máy nhà nước, họ có quyền yêu cầu cán bộ, công chức phải có trách nhiệm làm đúng phận sự, phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước, phải nêu gương trong thượng tôn pháp luật. Cán bộ như vậy mới vững vàng trước cám dỗ của đồng tiền, xây dựng được lòng tin của người dân vào công lý mới an dân, không làm dân phải phiền lòng.
Theo Đàm Hoa/VOV1 (VOV.VN)