Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn mong muốn những người trẻ, có học thức, tài năng trở thành đầu tàu của phong trào khởi nghiệp quốc gia (trong ảnh Thủ tướng nói chuyện tại Đại học Huế ngày 2/1/2018).
Chúng ta đã từng có những phong trào và khẩu hiệu như: “kinh tế tri thức”, “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, “toàn cầu hóa”, và những khẩu hiệu đó đã đi vào quên lãng, hãy coi chừng “khởi nghiệp” sẽ có số phận tương tự.
Có nhiều con đường để startup, ở đây xin được bàn trong phạm vi khởi nghiệp làm ăn.
Một cá nhân muốn khởi nghiệp trước hết là người có hoài bão, có khát vọng, có năng lực và muốn biến giấc mơ giàu có thành giá trị đong đếm được. Nhưng khoảng cách từ giấc mơ đến hiện thực thường rất xa, không phải ai cũng bước được từ cõi mộng ra cõi thực, và cũng có thể mãi mãi chỉ là mộng ước. Bởi vì, muốn khởi nghiệp thì phải có cái mới, đòi hỏi óc sáng tạo, lặp lại cái người khác đã làm, đi lại con đường người khác đã đi thì khó tồn tại, chưa nói đến thành công.
Nhưng đó là nhìn từ phía năng lực của người khởi nghiệp, còn có nhiều nguồn lực khác để hỗ trợ cho một người khởi nghiệp trong quá trình thực hiện ước mơ của mình. Nguồn lực đó là môi trường xã hội tốt, và quan trọng nhất là sự hỗ trợ của chính quyền. Câu chuyện khởi nghiệp như chuyện ngụ ngôn người gieo giống trong Kinh Thánh Tân ước. Hạt giống rơi vào bụi gai, hạt giống rơi vào sỏi đá, hạt giống rơi trên lề đường, và hạt giống rơi vào đất hoa màu. Số phận của mỗi hạt giống đã quá rõ.
Người khởi nghiệp thường là người trẻ, có thể có chuyên môn về một lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhưng chắc chắn còn nhiều hạn chế khác. Vậy thì họ cần được bù đắp bằng sự giúp sức từ cộng đồng, từ bàn tay của nhà nước. Nói cụ thể, các cơ quan của nhà nước cần có chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, hướng dẫn các thủ tục cần thiết, tư vấn pháp lý, chính sách miễn giảm thuế, chính sách hỗ trợ vay vốn. Nếu như khởi nghiệp mà đến cửa công nào cũng gặp trở ngại thì khó mà thành nghiệp lớn, thậm chí nhiệt huyết của tuổi trẻ bị dập tắt vì những vướng mắc này.
Người khởi nghiệp cần vốn, cần chính sách hiệu quả, và trên hết là cần niềm tin. Niềm tin vào bản thân, niềm tin vào cộng đồng, và niềm tin vào chính quyền.
Nếu làm ra một sản phẩm hôm trước, hôm sau đã có người làm hàng giả, hàng nhái thì tin sao được. Nếu không may sản phẩm có sai sót thì bị ném đá hội đồng, bị chửi rủa là con buôn, là gian thương thì cất đầu sao lên. Nếu đến cửa công mà bị hành hạ, nhũng nhiễu hay đòi hối lộ thì thất vọng tràn trề. Tất cả những thứ đó là kẻ thù của khởi nghiệp, là ném hạt giống rơi vào bụi gai hay trên sỏi đá.
Các tỉnh miền Trung phần lớn đều nghèo, con nhà nghèo thường khát khao làm giàu và chịu thương chịu khó làm ăn. Các tỉnh nghèo cũng mong thoát nghèo bằng nguồn lực địa phương, không ngửa tay xin Trung ương bù ngân sách. Nhưng thoát nghèo bằng cách nào khi điều kiện Địa - Kinh tế không thuận lợi, khi tài nguyên cạn kiệt?
Chỉ còn duy nhất là tài nguyên con người, con người mong muốn làm giàu, con người có ý tưởng sáng tạo, con người muốn đóng góp và cống hiến.
Và để những con người có khát vọng và ý tưởng sáng tạo đó không bỏ xứ ra đi, mà bám trụ ở mảnh đất quê hương thì cần có “tài nguyên chính sách”. Nguồn tài nguyên này không phải đào dưới lòng đất lên, mà “quặng” của nó ngay trong trí tuệ của những người làm chính sách của từng địa phương.
Theo Lê Thanh Phong/Báo Lao động