|
Theo TS. Trần Chủng, nếu công trình xuất hiện các vết nứt cần phải kiểm tra ,xem xét để đánh gia mức độ nguy hiểm của nó đối với công trình. |
Cần xem xét đánh giá mức độ nguy hiểm của các vết nứt
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, theo đơn kêu cứu và báo cáo của Công ty Cổ phần May Lê Trực gửi Thủ tướng Chính phủ, do việc phá dỡ chưa có phương án cụ thể nên hiện dầm gánh tầng 3 đã có hiện tượng chuyển vị và xuất hiện nhiều vết nứt nguy hiểm.
Cụ thể, đơn vị tháo dỡ sàn mái tầng 18, tháo kính mặt dựng nhưng không có giải pháp ngăn nước cũng như thoát nước mưa đã khiến nước đang tràn xuống các tầng 17, 16 và các tầng phía dưới gây hư hỏng sàn gỗ, trần thạch cao, tủ bếp, tủ quần áo…
Cũng theo ghi nhận, do đơn vị phá dỡ thực hiện tháo các thiết bị vệ sinh, hệ thống điện nhưng không có biện pháp che chắn, bảo vệ các vị trí thoát xí, thoát sàn dẫn đến bị vỡ và làm hư hỏng hệ thống thoát nước trục đứng của cả tòa nhà. Thực tế này khả năng cao sẽ gây nguy hiểm cho hoạt động của tòa nhà sau này.
Đặc biệt, ngoài các vị trí vết nứt có thể nhận biết được bằng mắt thường thì còn nhiều vết nứt khác đang xuất hiện, rất cần được kiểm tra và phải xác định bằng biện pháp siêu âm.
Để làm rõ vấn đề này, PV Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).
Theo TS. Trần Chủng, cần phải có sự kiểm tra để xem nguyên nhân gây nứt do đâu. Một công trình xây dựng cũng giống như con người bị bệnh phải thăm khám và sau đó có những biện pháp chữa bệnh. Và trong chữa bệnh phải có phương pháp chữa bệnh…
Ông cho rằng, bất kỳ công trình nào trong quá trình can thiệp, nếu gây xuất hiện các vết nứt thì phải có biện pháp theo dõi, nếu các dấu hiệu đó xuất hiện không bình thường, ta phải ghi nhận lại toàn bộ hiện trạng của kết cấu cũ, thể hiện qua thông số kỹ thuật cụ thể để có bước đánh giá tiếp theo và sửa chữa.
“Trong sửa chữa, nếu phát hiện những dấu hiệu của vết nứt, độ võng thì cần phải đánh giá xem vết nứt đó xuất hiện sau khi chúng ta can thiệp hay xuất hiện trước đó…Tôi muốn khuyến cáo, nếu phát hiện ra dấu hiệu của công trình có ảnh hưởng đến chất lượng thì chúng ta cần thiết phải có sự xem xét, đánh giá ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, những dấu hiệu vết nứt có xuất hiện mới hoặc có kéo dài không... Thứ hai, độ võng là bao nhiêu so với độ võng cũ, tăng hay không tăng. Đánh giá sự mở rộng của vết nứt, độ võng của những dầm để đánh giá mức độ nguy hiểm tới chất lượng của toàn bộ công trình”, TS. Trần Chủng phân tích.
TS. Trần Chủng cũng khẳng định: “Quá trình sửa chữa, tháo dỡ, nếu can thiệp vào kết cấu công trình thì bắt buộc phải có quy trình theo dõi, quan trắc các dấu hiệu ảnh hưởng tới tình trạng làm việc của hệ kết cấu thông qua thông số cụ thể.
Vết nứt trong kết cấu bê tông cốt thép là một triệu chứng của công trình “có bệnh” nên vết nứt ấy rất cần phải được đánh giá. Cụ thể như thời điểm xuất hiện vết nứt, nứt bao giờ, vết nứt có phát triển không. Đây là những thông số rất quan trọng để đánh giá ảnh hưởng như thế nào tới mức độ tổng thể công trình”.
|
Nhiều vị trí khác cũng xuất hiện các vết nứt nguy hiểm. |
Phá dỡ không có phương án là vi phạm đầu tư xây dựng cơ bản
Đây là khẳng định của TS. Trần Chủng khi trao đổi về việc phá dỡ công trình khi chưa có phương án phá dỡ.
“Thành phố cần quan tâm đến các vấn đề kỹ thuật, không thể chủ quan, có thể vết nứt nhỏ thôi nhưng nằm ở vị trí nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thì chỉ có nhà chuyên môn có thể nhìn thấy được. Những người có kinh nghiệm mới đưa ra chuẩn đoán đáng tin cậy được”, TS. Trần Chủng nhận định.
Ông cũng bày tỏ: “Đối với kết cấu phải can thiệp một cách có tính toán, có phương án thì, tôi mong rằng, Hà Nội không thể bỏ qua khâu thẩm định, phê duyệt phương án phá dỡ. Tôi nghĩ phải có cái đó, nếu không có là vi phạm đầu tư xây dựng cơ bản”.
TS. Trần Chủng cũng cho rằng: “Phải có phương án phá dỡ được đề xuất, phải có đơn vị thẩm tra phương và phương án phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyêt. Vừa qua, tôi có làm 2 tiêu chuẩn về an toàn là tháo dỡ và phá dỡ. Trong tiêu chuẩn này nói rất rõ khái niệm về tháo dỡ và phá dỡ, rất nhiều hậu quả của các công trình phải xử lý. Nếu phá dỡ không có phương án sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường, thậm chí phá dỡ bức tường thôi, nếu ta không có biện pháp, phương pháp sẽ dẫn đến thiệt hại về tính mạng”.
Ông cũng cũng đưa ra khuyến cáo: “Nếu trong quá trình tháo dỡ mà có dấu hiệu ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn công trình, người lao động và ảnh hưởng an toàn đến công trình lân cận thì phải tạm dừng để xem xét, đánh giá”.
Trước đó, theo tìm hiểu của PV Báo điện tử Xây dựng, tại Văn bản số 1732/2020/CV-CONINCO-PKT ngày 11/8/2020 của Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ Thiết bị và Kiểm định CONINCO trả lời Công ty Cổ phần May Lê Trực. Trong đó CONINCO nêu rõ và khẳng định, hồ sơ thiết kế phương án phá dỡ và khắc phục vi phạm, phần sai phép công trình số 8B Lê Trực, mà CONINCO đã thẩm tra không có thiết kế phương án phá dỡ toàn bộ tầng 18 và các tầng dưới.
Văn bản này cũng yêu cầu, đơn vị thiết kế và thi công xem xét các ý kiến, đặc biệt là gia cường kết cấu trước khi phá dỡ dầm sàn tầng 18 để đảm bảo an toàn cho kết cấu phần công trình còn lại.
Cũng theo tìm hiểu, dù đã đang phá dỡ giai đoạn 2 nhưng phương án phá dỡ đối với giai đoạn 1 công trình 8B Lê Trực hiện vẫn chưa có. Quận Ba Đình cũng đã khẳng định điều này. Các chuyên gia cũng nhiều lần đưa ra cảnh báo về việc phá dỡ gây nguy hiểm, nếu không có phương án phá dỡ.
Trước việc xuất hiện các vết nứt nguy hiểm tại công trình 8B Lê Trực, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội và các ngành chức năng sớm có sự vào cuộc kịp thời nhằm đánh giá, xem xét để có phương án cụ thể đối với an toàn công trình, tránh để hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo Minh Châu - Việt Khoa/Báo Xây dựng