Vừa luôn tay chọn những tàu lá dong xanh mướt để chuẩn bị cho nồi bánh trưng, chị Nguyễn Thanh Nga (phố Thái Hà) chia sẻ: “Lũ trẻ con chúng tôi thì háo hức được mẹ dắt tay đi chợ Tết, chọn lấy một bộ quần áo mới, rồi cứ hít hà mãi cái mùi thơm tho ấy và đếm từng ngày để được xúng xính áo mới cùng bố mẹ đi chơi. Cuộc sống bây giờ đủ đầy nhưng tôi vẫn thèm cái háo hức đặc biệt của những ngày Tết xưa ấy, vẫn muốn nhìn thấy nét rạng ngời trong mắt con gái tôi khi thấy mẹ tự tay chuẩn bị những món đồ truyền thống mỗi khi Tết về…”.
Những tấm bánh chưng được các bà, các mẹ chuẩn bị cho ngày Tết.
Nhiều năm gần đây, thay vì đặt sẵn những món ăn cho dịp Tết như bánh chưng, giò lụa, chè kho… chị luôn dành thời gian để tự mình chuẩn bị cho gia đình những món đồ ấy. Chị chia sẻ, không chỉ vì ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn vì chị muốn cho con, cháu mình thấy được những nét đẹp truyền thống của dân tộc - những điều đã và đang dần mai một trước guồng quay hối hả của cuộc sống.
Chính vì vậy, cứ khoảng từ rằm tháng Chạp trở đi, chị bắt đầu chuẩn bị thực phẩm để chế biến những món ăn truyền thống ngày Tết. Theo chị Nga: “Tết bắt đầu từ hũ dưa hành. Các cụ nói rồi, “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, Tết nhiều món ngán, không có món dưa hành là không được”. Chính vì thế, khoảng rằm tháng Chạp, chị bắt đầu ra chợ chọn mua vài kg hành tím, già củ, đều nhau, rồi mang về nhà, cho vào chậu ngâm nước vo gạo, bỏ thêm ít muối hột, ngâm trong một đêm. Sáng hôm sau, đổ nước vo gạo ấy đi, thay bằng nước lã, cũng bỏ thêm muối vào ngâm thêm một ngày cho hành đỡ cay. Sau đó chị bóc vỏ, cắt rễ, để ráo nước. Cuối cùng, chị pha muối, đường, giấm vào nước ấm rồi xếp hành vào, nén như muối dưa. Chỉ khoảng một tuần đến 10 ngày sau đó, hành ngấm muối, đường, dấm là ăn được. “Tỉ mỉ thật đấy nhưng làm vài lần rồi quen, rồi cả nhà tôi không ai còn thích ăn hành được đặt mua sẵn nữa. Cứ mỗi lần thấy tôi tay xách nách mang nào hành, nào muối là cô con gái nhỏ của tôi lại nhảy chân sáo “A, mẹ muối hành là Tết sắp về”. Tự nhiên thấy mình được trở về những ngày xưa trong niềm vui rất đỗi ngây thơ ấy của con trẻ”, chị Nga cười chia sẻ.
Các gia đình trẻ cũng tự gói bánh chưng.
Nhưng phải đến khi chuẩn bị cho món “quốc hồn quốc túy” là bánh chưng thì mới thật sự thấy như Tết đang “sầm sập” gõ cửa nhà mình. Năm nào cũng vậy, vào khoảng 26, 27 Tết, chị lại dắt tay hai cô con gái chen chân vào những khu chợ sầm uất của Hà Nội để chọn gạo, đỗ, thịt lợn, lá dong, vừa đi vừa giảng giải cho con cách chọn đồ sao cho bánh được xanh, chắc, thơm và mềm dẻo. Rồi sau đó, trong căn bếp nhỏ, người lớn thì ngồi rửa lá, xẻ thịt, đãi gạo, trẻ con tung tăng chạy nhảy chung quanh. Những năm trước, khi “phong trào” tự gói bánh chưa nở rộ, chỉ gói vài cái cho gia đình mình, chị thường luộc bánh bằng bếp gas. Nhưng vài năm trở lại đây, vừa vì ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa vì thấy bánh tự gói ngon hơn bánh đặt mua, nhiều anh em, bạn bè chị cũng học theo. Vậy là vài nhà góp gạo nấu chung nồi bánh. Rồi cây cảnh, đồ đạc dưới mảnh vườn nhỏ được dẹp gọn sang một bên. Vài miếng gỗ được quây lại, xếp mấy tấm bìa chung quanh, rồi cũng nồi to, cũng nhóm củi, đêm hôm ấy, chị được vẹn nguyên trở về những ngày thơ ấu với cảm giác ngồi trông bánh thâu đêm bên bếp lửa bập bùng, rôm rả kể lại những câu chuyện về Tết ngày xưa cho đám trẻ. Trong cái se lạnh của gió đông tràn về, giữa thành phố ồn ào và hoa lệ, bếp lửa nhỏ của chị trở thành “của hiếm”, thu hút không chỉ trẻ con mà cả người lớn cùng ngồi chung quanh hàn huyên… Chị Nga bùi ngùi: “Thích nhất là được thấy ánh mắt háo hức, sáng rực của trẻ nhỏ khi lần đầu được nhìn thấy bếp củi, được trông bánh chưng, được mẹ dúi cho một củ khoai thơm lừng lùi trong than ấm - tưởng như nhìn thấy trọn vẹn hình ảnh của chính mình cách đây vài chục năm…”.
Nồi bánh chưng thành phố là niềm vui với con trẻ.
Rồi những ngày cận Tết, anh em, bạn bè chị lại xúm lại sên mứt, nấu chè, gói giò, nấu thịt đông … Đến sáng ngày 30, trong căn bếp nhỏ nhà chị đã đủ đầy đồ ăn thức uống cho ba ngày Tết, vừa ngon, vừa bảo đảm an toàn. Và sau lễ cúng Tất niên, cho dù bận bịu đến thế nào, chị cũng tận tay chuẩn bị cho cả nhà một nồi nước mùi già thật đặc, thật thơm để gột rửa tất cả những muộn phiền, âu lo của năm cũ và đón một năm mới an lành.
Năm nay, cô con gái lớn đã có thể thay chị nấu nước mùi. Còn cô con gái nhỏ thì năm nào cũng vừa hít hà mùi hương thơm nồng ngai ngái ấy, vừa ôm lưng chị thủ thỉ: “Thơm quá mẹ ạ. Sang năm, mẹ lại mua lá mùi già về nấu nước tắm mẹ nhé…”.
Chỉ thế thôi là đã thấy cái Tết đoàn viên và ấm áp đang đến thật gần…
Theo HÀ ANH/Nhân dân