Điều tra: Lật mặt nạ các “phù thủy” hô biến những rừng cây cổ thụ! (Bài 1)

Loạt bài điều tra dài kỳ của nhóm Phóng viên Dân Việt đã phần nào "lật mặt nạ" các đường dây phù phép hô biến những rừng cây cổ thụ thành cây cảnh trong vườn nhà, cũng như chỉ ra nhiều kẽ hở từ cơ quan quản lý hiện nay.

LTS: Rừng bị tàn sát mênh mông. Cán bộ tha hóa đi tù vì bảo kê cho lâm tặc. Nhiều nghìn héc-ta (ha) rừng tự nhiên biến mất trong xót xa. Tất cả, dường như vẫn là chưa đủ với lòng tham và sự nhẫn tâm của không ít kẻ.

Gần đây, lại rộ lên phong trào "bứng" cây cổ thụ về trưng diện cho nhà cửa, công trình, đặc biệt là các biệt thự, resort, khách sạn để… thể hiện đẳng cấp.

Những "rừng" cây khổng lồ, có khi đường kính đến một, hai, ba mét, được cắt rễ, đánh bầu, cưa ngọn, cẩu đi, ghép mầm hoa…

Các "lão mộc tinh" được tập kết trong các vựa buôn cây khắp từ Bắc chí Nam, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm như dọc đường Láng Hòa Lạc (huyện Hoài Đức), xã Yên Bài (Ba Vì - Hà Nội), miền núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Dương và TP HCM...

 

 

Một cây cổ thụ vừa được cẩu lên xe chuẩn bị di chuyển từ Tây Nguyên đi nơi khác "sinh sống".

Dưới vỏ bọc "yêu thương cây rừng", bán cây trên vườn và đất rẫy một cách hợp pháp, người ta đã tàn sát thiên nhiên với tốc độ đáng sợ, giữa ban ngày ban mặt, giữa "ba quân tướng sỹ".

Trong quá trình điều tra, hàng chục cuộc trao đổi với chính quyền cơ sở, kiểm lâm các tỉnh, huyện về "tảng băng chìm" sau thú chơi cây cổ thụ vẫn không cho chúng tôi một bằng chứng nào đáng kể.

Quy định của Chính phủ có đủ, văn bản của Tổng Cục Lâm nghiệp về tình hình chung cũng như về các vụ lùm xùm "bứng đại thụ" đem bán cho thiên hạ trồng chơi, chúng tôi cũng có đủ. Song, vòng vây văn bản, giấy tờ trí trá của các chủ buôn luôn kín kẽ.

Loạt bài điều tra dài kỳ của nhóm Phóng viên Dân Việt đã phần nào "lật mặt nạ" các đường dây phù phép hô biến các cánh rừng cổ thụ thành cây cảnh trong vườn nhà cũng như chỉ ra nhiều kẽ hở đáng sợ từ cơ quan quản lý hiện nay.

Bài 1: Dấu hỏi từ những "rừng cổ thụ" đứng như so đũa ở Hà Nội

Giữa thủ đô Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những cây cổ thụ được bứng từ khắp nơi về trồng trong "vườn" thành "rừng" để bán cho các tập thể, cá nhân có nhu cầu. Cây bằng lăng cổ thụ ghép hoa tường vi đang được coi một trong những thú chơi "thời thượng" hiện nay.

Những chiêu trò của "cánh" buôn cây cổ thụ

Khi chúng tôi vào vai "đại gia" đi mua cây cổ thụ, các đại lý "buôn thời gian" (họ bán một lúc vài trăm năm, có khi ngót ngàn tuổi của những cái cây lớn) luôn khoe: giấy tờ không thiếu gì.

Chữ ký loằng ngoằng, triện đỏ đàng hoàng, kiểm lâm xác nhận, Chủ tịch xã "đóng dấu triện", Trưởng Công an xã cũng kí rành mạch. Họ bảo, các anh chụp lại giấy tờ đi mà nghiên cứu, đây, chữ ký và số điện thoại của chủ đất có cây ở vườn nhà họ nhé.

Đất nhà họ có sổ đỏ, đây là bản phô tô sổ đỏ đính kèm hồ sơ "cây cổ thụ", các anh cứ gọi mà xác minh. "Các anh là công an hay nhà báo chúng tôi cũng chả sợ", có chủ buôn cây còn nói như thách thức.


Cây bằng lăng cổ thụ có nguồn gốc từ các tỉnh Tây Nguyên được trồng như so đũa ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Chúng tôi gọi điện thoại thử đến các "chủ đất" bán cây, đều được xác nhận: tôi đúng người ấy tên là thế, ở xã ghi đích thị trong hồ sơ. Nhà chủ đất ở tít trong huyện Ea H’leo của tỉnh Đắk Lắk "một trăm phần trăm", chả thấy dấu hiệu gì sai cả.

Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: đất nhà dân, sao lắm cây cổ thụ thế? Vườn nhà dân, có vài cây khế, cây ổi, cây mít, vũ sữa chứ sao lại có cả trăm cây bằng lăng (cây săng lẻ) cây nào cũng khổng lồ, có khi đường kính cả mét, thân trắng ngà, thăn thớ rất gợi cảm thế này?

Khi bà con được giao một mảnh đất để quản lý, chăm sóc, ví dụ giao mới chỉ 10 năm, 20 năm, trong khi rừng của trời đất, của đất nước ông bà đã có từ thượng cổ.

Cây cổ thụ vài trăm năm đến cả nghìn năm (rừng pơ mu ở Quảng Nam, chuyên gia nước ngoài đã "đếm vòng tuổi" và xác định "các cụ" hơn 1.800 năm tuổi!) ở trên đất đó, người dân có trồng đâu mà tự do bán như kiểu bán cây keo hay cây bạch đàn do mình trồng nên?


Dọc đường Láng Hòa Lạc (Đại Lộ Thăng Long) có rất nhiều vườn ươm cây cổ thụ như thế này với hàng chục loại cây khác nhau

Đấy là chưa kể, các biên bản xác nhận "cây ở rẫy", rồi các tờ viết tay "tôi có cây tôi bán" đều là thứ quá dễ dàng để có thể xác nhận khống. Kể cả hồ sơ nguồn gốc cây do kiểm lâm và chính quyền "ký" đúng với thực tế khách quan đi nữa, cũng có thể thành "bức bình phong" để người ta lợi dụng.

Một "hồ sơ" được cấp, sẽ đem quay vòng cho cả trăm cây cổ thụ, hoàn toàn có thể biến thành "con bài" để "rửa nguồn gốc" cho cây rừng tự nhiên khi đem bán buôn, vận chuyển, trưng bày.

Điều này đã xảy ra với các trang trại nuôi động vật, các vụ mua gỗ nghiến bán đấu giá (mà Dân Việt đã điều tra, đăng tải).

Chỉ cần mở một trang trại trên giấy, mua hồ sơ một vụ bán đấu giá gỗ tang vật vi phạm, thì từ đó về sau, các đối tượng thả sức: bắt thú rừng về nói là trang trại nhà mình vừa sinh sản ra, chặt gỗ nghiến rồi nói là gỗ này có được nhờ mua đấu giá từ... 10 năm trước.

Lý do đơn giản: con người ta có dấu vân tay, có gương mặt chẳng giống ai (ID), ô tô xe máy có số khung số máy - còn gốc cây bứng từ rừng, chỉ có cái tên giống loài chung chung. Kèm thêm sự mô tả qua loa áng chừng về đường kính gốc, chiều dài thân.

Các đối tượng "tung hoành" phù phép hồ sơ giấy tờ cho các lão mộc tinh vô tư. Chiêu trò này chúng tôi sẽ vạch mặt đích thị ở phần sau.


Với biên bản xác nhận nguồn gốc gỗ do UBND xã ký thì người khai thác, buôn bán, vận chuyển có thể hợp thức hóa được cây rừng tự nhiên thành cây nhà mình.

Bằng lăng cổ thụ là "nhân vật" chính trong phong trào đào tận gốc, trốc tận rễ

Chúng tôi đã "vào sâu" hơn với những giao dịch như thật cùng các chủ buôn. Một chủ vườn ươm cây đại thụ to lớn ở cuối đường Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) thừa nhận: 100% cây này là đào từ rừng, từ ngoài tự nhiên về. Có khi ở Quảng Nam, Tây Nguyên, có khi ở tận Đồng Tháp, chúng em đi từ Bắc chí Nam để tìm.

"Thường thì bọn săn cây nó tìm được, nó chụp ảnh gửi qua zalo, bọn em thích dáng nào, cây loại nào, giá bao nhiêu, thỏa thuận xong là chuyển khoản.

Thợ đi đào cây, vận chuyển về nhà họ, ươm ở đó, chờ lo giấy tờ vận chuyển ra Hà Nội hoặc vào Sài Gòn. Tùy! Tất nhiên, hỏi lo giấy tờ kiểu gì, thì chẳng ai tiết lộ cả" - người này thẳng thắn trao đổi với chúng tôi.

Các chủ kinh doanh cây cảnh đại thụ từ Bắc vào Nam, từ các "thủ phủ" ở Hà Nội vào Tây Nguyên, tụt dốc xuống Quảng Nam, vào chút nữa tới Bình Định, đều cho biết: giới chơi cây cảnh cổ thụ có sự dịch chuyển rất "thời thượng".

Thay vì chỉ sưu tầm cây ổi, cây sung, cây si, cây mít, cây bồ kết, cây khế to lớn, dáng đẹp như lâu nay. Giờ các thợ săn cây tỏa đi khắp cả nước tìm kiếm, gạ mua bán, rồi chụp ảnh "con mồi" gửi báo cáo với các chủ buôn - tất tận chủ yếu xoáy vào lùng tìm cây bằng lăng, cây giáng hương, tức là các cây không chỉ ở vườn nhà dân, "thân thuộc" với các nông hộ nữa.


Ở Hà Nội có hàng chục vườn ươm cây cổ thụ như thế này, người mua chủ yếu là các đại gia ở các thành phố lớn.

Gỗ giáng hương quý và đắt đỏ. Cây bằng lăng là cây rừng khá đặc trưng. Thịnh hành nhất là các cây bằng lăng cổ, thân đẹp, u mấu, vỏ cây mốc thếch, có cây vỏ cây như da cá sấu được coi là "siêu cây". Đường kính cây từ 50cm đến 1m rất thịnh hành.

Ngọn cây bị cắt, từ gốc lên chỉ để lại vài mét chiều cao. Tuyệt đối họ không mua cây bằng lăng bị rỗng ruột (gọi là cây bọng) hay các bánh rễ của nó bị mục.

Lý do họ thịnh hành và "truy sát" bằng lăng ngoài tự nhiên dã man như bây giờ: là vì cây này "mang vẻ đẹp đặc trưng" của rừng tự nhiên. Đặc biệt, gỗ bằng lăng khá dễ tính, giúp cho việc cấy các loài tường vi Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan và Thái Lan vào rất thuận lợi.

Sau khi cấy, cây tường vi dễ ra hoa, hoa chơi bền và đẹp đến đôi ba tháng ròng. Kĩ thuật ghép mắt cây, mắt hoa, kĩ thuật làm đẹp "da cây" được sự hỗ trợ đặc biệt của các loại thuốc nhập từ Trung Quốc, khiến cho nhiều đại gia "trọc phú" mê mẩn vườn cây bằng lăng cổ thụ nở hoa tím bát ngát trong… vườn ươm của đầu nậu.

Hoa tím trùm kín ngọn của cây gỗ lớn cao vài ba mét. Gờ rễ, rãnh thân, mấu cây, vỏ cây, tất cả đều gợi người ta nghĩ về rừng già trăm năm, về vẻ đẹp phong trần thăn thớ của đại ngàn hoang vu. Phong trào "đào tận gốc, trốc tận rễ" cây bằng lăng ngoài tự nhiên cứ thế được đẩy lên đến đỉnh điểm. Mẹ Rừng đỏ mắt khóc thương!

Một góc vườn ươm cây cổ thụ tại xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội

Một người chuyên buôn cây cổ thụ ở Hà Nội dẫn chúng tôi đến thăm "vườn ươm" rộng hàng nghìn m2 ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì. Chắc hẳn bất kỳ ai lần đầu tiên đến đây cũng vô cùng bất ngờ và choáng ngợp bởi hàng trăm cây bằng lăng cổ thụ, có đường kính trung bình từ 0,5m -1,5m đứng như so đũa.

Giữa thủ đô lại có một "rừng" bằng lăng như vậy. Chỉ có điều là tất cả các cây đều bị chặt ngọn, cắt cành để dễ vận chuyển từ nơi khác đến đây "tạm trú" trước khi được "nhập khẩu" tới tay người chơi.

Ông chủ tên B. giới thiệu: "Những cây gỗ bằng lăng này có nguồn gốc từ Nghệ An đổ vào Quảng Nam, vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tất cả đều có giấy tờ hợp pháp, vừa rồi đã có người đặt 20 cây, mỗi cây 100 triệu đồng sau khi ghép tường vi hoa tím".

Ngoài cây bằng lăng vườn của ông B. còn hàng chục loại cây ăn quả cổ thụ khác.

Ông B. cho biết những người mua cây của ông chủ yếu là đại gia, người có tiền, có chức vụ, địa vị xã hội chứ dân nghèo ai chơi…


Cây bằng lăng (săng lẻ) đang là loài cây được ưa chuộng nhất hiện nay trên thị trường cây cổ thụ

Theo Nhóm PV Điều tra/Báo Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều