Tuy tiêu đề công văn của Công ty Smartland gửi đến Ban giám đốc Đài THVN nhưng nội dung chỉ đề cập đến nhân viên và lãnh đạo kênh VTV9.
Văn bản đe doạ truy sát của Công ty Smartland do Chủ tịch HĐQT Vũ Đức Tĩnh ký.
Nội dung công văn cho rằng, công ty bất động sản này là doanh nghiệp lớn, sắp thành tập đoàn, có nhiều công ty con trực thuộc và luôn tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty này, phóng sự của VTV9 (ngày 12.8) nêu hoàn toàn sai sự thật, dẫn đến thiệt hại lớn cho công ty, ước lên đến vài chục tỉ đồng. Do đó, lãnh đạo công ty này yêu cầu VTV9 phải gỡ thông tin và đính chính.
Công ty trên còn yêu cầu nếu sau 1-3 ngày VTV9 chưa gỡ phóng sự "đưa tin sai sự thật" thì sẽ khởi kiện lãnh đạo VTV9.
Có lẽ, nếu chỉ dừng lại ở đó, việc khiếu nại, tố cáo cũng là bình thường. Còn đúng hay sai, có gỡ bài hay không lại là việc hoàn toàn khác.
Nhưng điều dư luận thấy sốc là những lời hăm dọa của vị Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này với kênh VTV9: "Trong trường hợp nhân viên Đài truyền hình VTV9 còn cố tình đưa thêm thông tin và phóng sự sai sự thật về Công ty chúng tôi một lần nữa, tức là cán bộ và nhân viên đài truyền hình đã cố tình vi phạm pháp luật thì chúng tôi cảnh báo trước với giám đốc VTV9, cán bộ nhân viên của kênh VTV9 rằng: Công ty chúng tôi có nhiều cá nhân, tổ chức hợp tác, đồng nghĩa với việc cướp đi miếng cơm manh áo, thu nhập, sự sống của gia đình thì Công ty chúng tôi không thể kiểm soát được hành động của các cổ đông, người hợp tác.
Họ sẽ bị ức chế, họ sẽ hành động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, và có thể sẽ truy sát cả gia đình giám đốc đài truyền hình VTV9, truy sát cán bộ nhân viên có liên quan đến phóng sự sai sự thật, bởi đây là hành vi pháp luật làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình họ. Đến lúc đó, quý cơ quan đừng nói rằng Công ty chúng tôi không cảnh báo trước đến các hành vi vi phạm của quý cơ quan" (trích nguyên văn).
Đúng sai của phóng sự tôi không luận bàn, nhưng dọa các phóng viên, lãnh đạo nhà đài tới mức “có thể sẽ truy sát cả gia đình giám đốc đài truyền hình VTV9, truy sát cán bộ nhân viên có liên quan đến phóng sự sai sự thật...” là điều không thể chấp nhận.
Bởi, nếu phóng sự trên có sai sót đi chăng nữa, tất cả phải được giải quyết bằng pháp luật. Chúng ta có đủ luật để điều chỉnh tất cả các hành vi không chuẩn mực của bất cứ cơ quan nào.
Nếu bài báo có chi tiết sai, bị phản ứng là tất nhiên. Nhưng đáng nói là, nhiều khi bài báo đúng, đối tượng bị nêu tên vẫn phản ứng kịch liệt. Thậm chí, họ còn dọa bóng gió các nhà báo nhằm ngăn chặn những bài viết tiếp theo hoặc yêu cầu gỡ bài.
Phóng sự “Đa cấp bất động sản quốc tế lãi khủng - người tham gia mất trắng” phát trên kênh VTV9. (Ảnh do VTV9 cung cấp)
Ví dụ điển hình, mới đây, lãnh đạo một trung tâm hỗ trợ người nghèo vừa bị Viện kiểm sát đề nghị truy tố ra tòa với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng vạn nông dân nghèo. Trước đó, phát hiện những dấu hiệu lừa đảo quá rõ từ lãi suất không tưởng ở nhiều chương trình nghe rất kêu, một loạt báo đã vào cuộc điều tra, phản ánh và lên tiếng cảnh báo.
Thay vì sửa sai hoặc dừng lại, vị lãnh đạo trung tâm đến từng tòa báo dọa sẽ kiện, sẽ yêu cầu ông nọ, ông kia rút thẻ những nhà báo viết bài. Dù rất to mồm như vậy, nhưng ông ta cũng chỉ dừng ở mức… mồm to. Ông ta không dám làm công văn kiện báo và đương nhiên càng không dám dọa “truy sát” bất cứ một ai. Và dù có to mồm lớn tiếng dọa dẫm, ông ta cũng sắp phải hầu tòa.
Nghề báo là “Nghề nguy hiểm” - như bộ phim đầu tiên chiếu ở Việt Nam về nghề báo của Italia từ những năm 2000, với những góc khuất, sự dấn thân của phóng viên, đã thổi vào lớp trẻ niềm đam mê với nghề báo. Nhưng trong bộ phim đầu tiên nhiều ấn tượng ấy, cũng như nhiều bộ phim truyền hình Việt khác sau này nói về nghề báo, với đủ kiểu cạm bẫy, hiểm nguy rình rập, chưa từng có đạo diễn hay biên kịch nào, với mọi sự sáng tạo và thủ pháp điện ảnh, lại có thể sáng tác ra một cái công văn “truy sát” nhà báo.
Trong phim là thế, ngoài đời, nhóm phóng viên nội chính của các báo từng nhiều buổi ngồi tán gẫu những chuyện bi hài về các kiểu phản ứng của các đối tượng liên quan. Từ xin xỏ đến hăm dọa, nhưng cũng chỉ dừng ở mức đưa đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản. Cùng lắm là… chửi bậy, dọa dẫm, nhưng cũng chỉ dám gọi điện, nhắn tin qua điện thoại. Đôi khi gặp những kẻ côn đồ máu nóng, cũng bị dọa chém, dọa giết, bị hành hung… Nhưng, nếu tôi không nhầm, chưa ai gửi công văn để dọa “truy sát” kiểu này. Không thể tưởng tượng nổi. Phải chăng họ quá ngông cuồng?
Theo một số luật sư, hành vi này của Chủ tịch HĐQT Công ty Smartland và những người liên quan (nếu có) vi phạm quy định tại khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí 2016 (đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên...). Người có hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 133 Bộ luật hình sự 2015 về tội đe dọa giết người.
Đến nay thì VTV9 TP.HCM và VTV9 Cần Thơ đều đã có văn bản đề nghị công an vào cuộc, bảo vệ các phóng viên tác nghiệp. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã lên tiếng đề nghị các đơn vị chức năng khẩn trương “điều tra, làm rõ vụ việc, có biện pháp ngăn chặn, xử lý những hành vi nói trên theo quy định của pháp luật”.
Và sau những lời hăm dọa lãnh đạo, phóng viên VTV9, đã có người liên quan - là nhân vật trong phóng sự của VTV9 ở An Giang - bị những kẻ lạ mặt hành hung. Vì thế, việc các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra rốt ráo, sớm xử lý nghiêm minh là cần thiết, để những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm không còn ngông cuồng dọa dẫm, lấy “luật rừng” ra nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trong cuộc sống.
Theo Vương Hà/Báo Dân Việt