Ủy ban Kiểm tra Trung ương thấy, những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy- Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai là rất nghiêm trọng, gây bức xúc cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đến mức phải tiếp tục xem xét xử lý kỷ luật. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình với việc thi hành kỷ luật những đảng viên sai phạm, đồng thời đề nghị có cơ chế giám sát việc kê khai tài sản. Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 cho rằng: việc xem xét kỷ luật lãnh đạo một số địa phương mắc sai phạm là dấu hiệu tích cực cho thấy sự chủ động vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với các tổ chức đảng ở địa phương đưa ra kết luận.
Kỳ họp thứ 23-Ủy Ban Kiểm tra Trung ương từ 12-13/3/2018
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thêm một lần nữa cụ thể vấn đề xử lý sai phạm, đặc biệt là người đứng đầu, dựa trên những cơ sở vững chắc là những quy định của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và 19 điều đảng viên không được làm. Đặc biệt là bộ tiêu chí, tiêu chuẩn Bộ Chính trị vừa ban hành đối với cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý.
"Chặt 1 ngón tay đau lắm nhưng có lợi là con người đó sống, hoạt động tốt. Bây giờ những cán bộ mắc khuyết điểm nghiêm trọng thì thay người khác lên để cơ quan bộ máy phát triển tốt lên. Việc đó phải làm thật kiên quyết. Những người chịu trách nhiệm từng mặt công tác phải làm thật tốt, đã thống nhất kết luận đúng đắn và khi đã kết luận rồi thì phải làm. Nói và làm phải đi đôi”- Trung tướng Khuất Duy Tiến nói.
Tại kỳ họp thứ 15 trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cảnh cáo. Tại kỳ họp thứ 23 này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định: những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, đến mức phải tiếp tục xem xét, xử lý kỷ luật.
Với tư cách là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã không làm tốt vai trò của người đại biểu Quốc hội, không gương mẫu trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, ký nhiều văn bản liên quan đến dự án đầu tư trái quy định, có biểu hiện tư lợi cho doanh nghiệp của gia đình.
Nếu quan điểm về trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Nguyễn Văn Quyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: Các đại biểu phải trong sạch, không tham nhũng. Đó là là kỳ vọng của người dân. Những Đại biểu Quốc hội phải có nhiệt huyết với nhân dân, phải trong sạch, không tham nhũng và phải quyết tâm chống tham nhũng. Mong các Đại biểu Quốc hội đổi mới, để dân tin tưởng".
Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy- Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai
Tại kỳ họp thứ 23, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng xem xét kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái trong việc chấp hành Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập.
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội kiến nghị: Cần quy định cụ thể cơ chế giám sát việc kê khai tài sản và đối tượng nào phải công khai bản kê khai tài sản trong Luật phòng, chống tham nhũng hiện đang được nghiên cứu sửa đổi.
“Giám sát kê khai tài sản, Luật Phòng chống tham nhũng sau này phải quy định cụ thể đối tượng phải công khai hóa. Công khai bây giờ bằng nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Không những công khai đối với cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để biết mà cho xã hội biết để có giám sát, kiểm tra. Phải tìm rõ nguồn gốc khối tiền đó hành vi để có được khối tài sản đó”- Tiến sỹ Trần Ngọc Đường.
Theo Lại Hoa/VOV1