Đối với vụ việc cụ thể là Chủ tịch UBND phường Hàng Mã (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã ký ban hành bản Kết luận số 01/KL-UBND kết luận nội dung tố cáo của công dân đối với gia đình bà Nguyễn Thị Thành tại số 10 Lý Nam Đế, theo đơn tố cáo của công dân, tuy nhiên, công dân vẫn không đồng ý và tiếp tục gửi đơn tố cáo tiếp lên UBND quận Hoàn Kiếm.
Thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Thành là người bị tố cáo cho biết, ngày 29/11/2017, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã ra Quyết định số 4429/QĐ-UBND về việc thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập Đoàn xác minh tố cáo. Công dân không đồng ý với Kết luận số 01/KL-UBND ngày 02/11/2017 của Chủ tịch UBND phường Hàng Mã (sau đây gọi là kết luận số 01) kết luận nội dung tố cáo hộ bà Nguyễn Thị Thành có hành vi xây dựng không phép, chiếm đất công.
Theo bà Thành, tại bản Kết luận số 01 của UBND phường Hàng Mã đã xác minh, thu thập chứng cứ có nội dung rất quan trọng là: Diện tích bồn đất trồng cây mà công dân tố cáo đã có và hình thành từ lâu, trước thời điểm Công ty ĐTPT và Đô thị BQP bàn giao sang địa phương quản lý, kể từ thời điểm UBND phường Hàng Mã nhận bàn giao(ngày 21/01/2010) đến nay bồn đất, ranh giới diện tích bồn đất trồng cây của gia đình bà Thành không hề thay đổi về vị trí, diện tích vẫn như tại thời điểm bàn giao.
Còn trước thời điểm bàn giao từ Công ty ĐTPT và Đô thị BQP sang UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Hàng Mã quản lý vào ngày 21/01/2010 thì Công ty ĐTPT và Đô thị BQP đã nhiều lần giải quyết phần diện tích đất bồn trồng cây này và đã khẳng định: Diện tích đất trồng cây dâu của nhà bà Thành tồn tại từ lâu do lịch sử để lại được Tổng Cục chính trị bàn giao theo hiện trạng. Như vậy liên quan đến diện tích đất trồng cây dâu của nhà bà Thành cơ quản lý nhà đất của Bộ Quốc phòng đã giải quyết dứt điểm trước khi bàn giao sang địa phương quản lý.
Để chứng minh cho thời điểm hình thành khuôn viên đất trồng cây dâu có từ lâu là các bức ảnh chụp qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau cho thấy nó đã tồn tại cho đến nay đã gần 40 năm do gia đình bà Thành cung cấp.
Một nội dung quan trọng cần phải nhấn mạnh và tôn trọng là để giải quyết vụ việc, UBND phường Hàng Mã đã tổ chức nhiều cuộc họp có sự tham gia của đại diện Công ty ĐTPT và Đô thị BQP (là đơn vị quản lý nhà đất trước đó, sau mới bàn giao sang địa phương quản lý) tại các cuộc họp Công ty ĐTPT và Đô thị BQP đã khẳng định, diện tích đất trồng cây dâu có từ rất lâu trước thời điểm công ty nhận bàn giao từ Ban quản lý nhà Tổng cục Chính trị. Công ty cho rằng đó là lịch sử để lại tồn tại đã lâu đề nghị giữ nguyên hiện trạng, diện tích đất trồng cây dâu của gia đình nhà bà Thành như tại thời điểm bàn giao.
Biên bản ghi nhận ý kiến của cán bộ ở cơ sở liên quan đến vụ việc giải quyết đơn tố cáo của công dân ở số 8 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, Hà Nội.
Đồng thời ngày 01/11/2017,Tổ xác minh của UBND phường cũng tổ chức tham vấn ý kiến của cán bộ cơ sở liên quan đến việc giải quyết đơn tố cáo của công dân ở số 8 Lý Nam Đế với sự tham gia của ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Hàng Mã, đồng thời là công dân số 8 Lý Nam Đế, bà Phạm Thị Nguyễn - Trưởng Ban công mặt trận khu dân cư, ông Phạm Quốc Cường - Tổ trưởng tổ dân phố, theo Biên bản cuộc họp các ý kiến như sau:
“Ý kiến của ông Hùng: Trước đây lối đi của gia đình bà Thành ở số 10 Lý Nam Đế, đến năm 1978 nhà bà Thành được cơ quan quản lý nhà BQP cho phép mở lối đi sang số 8 Lý Nam Đế (vì số 8 Lý Nam Đế và số 10 Lý Nam Đế là 01 tổ dân phố) và bà Thành trồng cây dâu. Theo nắm bắt của tôi, các hộ dân ở khu tập thể số 8 Lý Nam Đế không có ý kiến gì về ụ đất này vì do tồn tại của lịch sử.
Ý kiến của bà Nguyễn: Gia đình nhà tôi ở đây đã lâu, ụ đất có trồng cây dâu trước cửa nhà bà Thành cũng tồn tại đã lâu. Việc gia đình nhà bà Thành ốp lát lại ụ đất cũng đảm bảo vệ sinh chung.
Ý kiến của ông Cường: Tôi ở khu tập thể số 8 Lý Nam Đế từ năm 1980, việc mở cửa của gia đình bà Thành từ khi nào thì tôi không biết. Nhưng từ đó đến nay tổ dân phố chưa họp về vẫn đề cây dâu, về nội dung tố cáo nhà bà Thành chiếm đất, ốp lát gạch xung quanh ụ đất có trồng cây theo quan điểm của tôi không ảnh hưởng đến lối đi chung của khu tập thể.”
Giấy mời của Đoàn xác minh tố cáo UBND quận Hoàn Kiếm mời bà Nguyễn Thị Thành làm việc.
Các chứng cứ mà UBND phường Hàng Mã đã thu thập và ý kiến của đại diện khu dân cư. Đặc biệt là quan điểm, ý kiến của Công ty ĐTPT và Đô thị BQP thì khuôn viên diện tích đất trồng cây dâu của nhà bà Thành tồn tại từ rất lâu, do lịch sử để lại, cơ quan quản lý nhà Bộ Quốc phòng bàn giao sang địa phương để quản lý và nay đề nghị giữ nguyên hiện trạng như lúc bàn giao, đồng thời UBND phường Hàng Mã đã ra kết luận khẳng định công dân tố cáo gia đình bà Thành lấn chiếm đất công là không có cơ sở.
Do vậy bà Nguyễn Thị Thành đặt ra câu hỏi là: Căn cứ tố cáo tiếp của công dân có đúng pháp luật? Khi mà bản Kết luận số 01 của Chủ tịch UBND phường Hàng Mã đã được nhiều chuyên gia pháp lý đánh giá khách quan, chặt chẽ đúng pháp luật.
Ngoài ra bà Nguyễn Thị Thành còn cho biết thêm một sự kiện có liên quan đến việc ông Nguyễn Thái Vĩnh, trú tại nhà A1, số 8 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã có đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm tố giác bà Nguyễn Thị Thành có hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự của ông Vĩnh liên quan đến việc gia đình ông Vĩnh xây dựng trái phép từ năm 2015.
Thông báo số 27/CQĐT(ĐTTH) Kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Hoàn Kiếm.
Ngày 12/02/2018 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm đã ra thông báo số 27/CQĐT(ĐTTH) thông báo kết quả giải quyết tố giác của ông Nguyễn Thái Vĩnh, thông báo cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với tố giá tội phạm của ông Vĩnh.
Bày tỏ quan điểm về sự việc này bà Thành rất bức xúc vể hành vi tố giác tội phạm nêu trên đã ảnh hưởng đến cuộc sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của gia đình bà Thành. Do vậy bà Thành đề nghị chính quyền phải có biện pháp tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân để người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình đúng quy định của pháp luật, không gây phiền hà, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, chính bản thân họ và người bị tố cáo.
Theo quy định của pháp luật, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo được quy định và hướng dẫn cụ thể tại Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 ngày 11/11/2011 như sau:
“Điều 13. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.
…”
“Điều 18. Trình tự giải quyết tố cáo
Việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự sau đây:
1. Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo;
2. Xác minh nội dung tố cáo;
3. Kết luận nội dung tố cáo;
4. Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo;
5. Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo”.
“Điều 20. Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo
1. Khi nhận được tố cáo thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm phân loại và xử lý như sau:
a) Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo, đồng thời thông báo cho người tố cáo biết lý do việc không thụ lý, nếu có yêu cầu; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày;
b) Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, người tiếp nhận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo, nếu có yêu cầu. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
2. Người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết tố cáo trong các trường hợp sau đây:
a) Tố cáo về vụ việc đã được người đó giải quyết mà người tố cáo không cung cấp thông tin, tình tiết mới;
b) Tố cáo về vụ việc mà nội dung và những thông tin người tố cáo cung cấp không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật;
c) Tố cáo về vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không đủ điều kiện để kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm.
3. Trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo, nếu xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan, tổ chức nhận được tố cáo có trách nhiệm chuyển hồ sơ, tài liệu và những thông tin về vụ việc tố cáo đó cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản của công dân thì cơ quan, tổ chức nhận được tố cáo phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan khác có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm”.
“Điều 27. Việc tố cáo tiếp, giải quyết vụ việc tố cáo tiếp
1. Trường hợp quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết hoặc có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý như sau:
a) Trường hợp quá thời hạn quy định tại Điều 21 của Luật này mà tố cáo không được giải quyết thì yêu cầu người có trách nhiệm giải quyết tố cáo phải giải quyết, trình bày rõ lý do về việc chậm giải quyết tố cáo; có biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo;
b) Trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là đúng pháp luật thì không giải quyết lại, đồng thời thông báo cho người tố cáo về việc không giải quyết lại và yêu cầu họ chấm dứt việc tố cáo;
c) Trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là không đúng pháp luật thì tiến hành giải quyết lại theo trình tự quy định tại Điều 18 của Luật này”.
|
Phan Anh Tuấn