Hàng ngàn mét vuông đất nằm trong quy hoạch tổng thể xây dựng phát triển khu đô thị để xây dựng trường học, đất cụm công nghiệp… nhưng vẫn được UBND tỉnh Hải Dương “dễ dàng” đồng ý chuyển mục đích cho doanh nghiệp sử dụng làm đất ở đô thị, cây xăng và mở rộng kinh doanh sản xuất… Điều này khiến nhiều người cho rằng, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”.
Lô đất 73 phường Thanh Bình trước đây được quy hoạch làm cơ sở giáo dục và vị trí lô đất 84.21 và 84.23 được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận đầu tư xây dựng một cửa hàng xăng dầu.
Điều chỉnh quy hoạch bất thường
Chưa đến 10 ngày kể từ khi có đơn đề nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã “dễ dàng” đồng ý chủ trương điều chỉnh quy hoạch cục bộ Cụm công nghiệp phía Tây đường Ngô Quyền để Công ty TNHH Hải Huyền (Cty Hải Huyền) mở rộng dự án cơ sở kinh doanh.
Được biết, ngày 23/10/2016, Cty Hải Huyền có đơn đề nghị “Về việc điều chỉnh nội dung dự án và cơ cấu sử dụng đất của Cụm công nghiệp Tây Ngô Quyền”.
Chỉ 7 ngày sau (tức ngày 31/10/2016), thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ông Trương Văn Hơn (Chánh văn phòng) đã ký văn bản gửi các Sở: KH&ĐT, Xây dựng, Công thương; UBND TP Hải Dương và Cty Hải Huyền, thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương về việc chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch cục bộ Cụm công nghiệp phía Tây đường Ngô Quyền để Cty Hải Huyền mở rộng dự án cơ sở kinh doanh thương mại.
Động thái này của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chẳng khác nào là “ép” các Sở liên quan và UBND TP Hải Dương phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch, trong khi theo quy định thì việc này phải được cấp dưới trình lên?
Sau khi dư luận, người dân bất bình và báo chí phản ánh thì UBND tỉnh Hải Dương lại đổ lỗi và biện minh rằng “do ngân sách của tỉnh, của thành phố còn khó khăn” và một số tuyến đường nội bộ trong Cụm công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt?
“Thử hỏi việc điều chỉnh quy hoạch này sẽ hỗ trợ được bao nhiêu tiền ngân sách? Ở đây đang có dấu hiệu bất thường ở ngay từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh?”- một người dân hoài nghi.
Chưa dừng lại, căn cứ vào Tờ trình của Sở Công thương ngày 1/9/2016, ngày 12/9/2016 Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đã ký văn bản “Về việc chấp thuận chủ trương khảo sát đầu tư xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại phường Thanh Bình, TP Hải Dương”.
Theo đó, chấp thuận cho Cty TNHH Tân Bình đầu tư xây dựng một cửa hàng xăng dầu tại vị trí lô đất 84.21 và 84.23 (khu đô thị mới phía Tây, TP Hải Dương), trong khi đã được quy hoạch là khu đô thị nhà ở và kinh doanh thương mại?
Đất “cơ sở giáo dục” có nguy cơ thành “đất đô thị”
Cuối năm 2016, người dân có quyền lợi liên quan đến lô đất 73 khu đô thị phía Tây Nam Cường, TP Hải Dương đã tá hỏa và bức xúc khi biết thông tin UBND tỉnh Hải Dương đồng ý chủ trương cho lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư phường Thanh Bình chuyển mục đích sử dụng 7.922,45m2 đất cơ sở giáo dục (trường trung học cơ sở) do Công ty TNHH Tập đoàn Lam Sơn (Cty Lam Sơn) đang quản lý, sử dụng sang đất đô thị.
Ngay lập tức người dân đã có đơn kiến nghị về việc dừng chấp thuận chủ trương này vì đây là lô đất đã được duyệt quy hoạch để xây dựng trường học cho con em những người dân tại phường Thanh Bình.
Tuy nhiên, căn cứ Tờ trình số 3979/TTr ngày 6/11/2016 của Cty Lam Sơn, UBND tỉnh Hải Dương vẫn chấp thuận chủ trương chuyển đổi sang đất ở đô thị.
Trong khi quy hoạch khu đô thị phía Tây Nam Cường các cơ quan chuyên môn cũng như các cơ quan phê duyệt đã xem xét đến việc quy hoạch tổng thể toàn bộ khu vực, dự kiến dân số trong tương lai để bố trí đất dành cho các cơ sở giáo dục và các công trình phúc lợi.
“Chúng tôi đề nghị Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hải Dương cùng các Sở ngành liên quan không xem xét cho Cty Lam Sơn điều chỉnh quy hoạch, lập dự án chuyển mục đích sử dụng đất cơ sở giáo dục sang đất đô thị tại lô đất 73.
Vì nếu đồng ý thì chúng ta tiếp tay cho Công ty này “cướp đất” dành cho trường học của con cháu chúng ta sau này, từ đó sẽ làm mất lòng tin của nhân dân với các chủ trương, chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước.
Nhân dân sẽ tin rằng có lợi ích nhóm trong vấn đề này và sẽ dẫn đến khiếu kiện lâu dài, làm ảnh hưởng tới uy tín của các cấp lãnh đạo, ảnh hưởng tình hình chính trị địa phương.
Nếu Cty Lam Sơn không đủ khả năng thực hiện dự án xây dựng trường học thì giao cho đơn vị khác có đủ năng lực thực hiện như quy hoạch đã được duyệt”- đơn người dân nêu.
Được biết, sau khi người dân có đơn đề nghị, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản tạm dừng thực hiện dự án.
Hiện nay chúng ta đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, trong đó có việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó;
Phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý… Vậy, những chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương như trên có đúng với tinh thần của Nghị quyết?
Theo Nhóm PV/Báo Pháp luật Việt Nam (Pháp luật Plus)