Chiếc xe của ông Trần Việt Quang bị cháy trụi trong vụ cháy chung cư Carina Plaza, TPHCM.
Người dân khắp nơi thì kêu gọi cùng chung tay giúp đỡ. Một số doanh nghiệp bảo hiểm cũng lên phương tiện truyền thông hứa... Tuy nhiên, sự thật “không như mơ”.
Kẻ được, người không
Ông Trần Việt Quang (phòng B0201 chung cư Carina Plaza) mua lại chiếc ôtô Mercedes E250 biển số 70A - 11162 của ông Trịnh Văn Tài (Tây Ninh). Chưa kịp sang tên đổi chủ thì xảy ra cháy chung cư Carina Plaza, chiếc xe sang để ở hầm chung cư bị thiêu trụi, trơ khung sắt. Do ông Tài mua bảo hiểm vật chất 2 chiều tự nguyện ở Cty bảo hiểm Pjico Tây Ninh (Pjico Tây Ninh) còn hiệu lực nên ông Quang thừa hưởng quyền được bảo hiểm chiếc xe.
Sau khi xảy ra cháy, ông Quang đã liên hệ và có nhân viên Pjico xuống hiện trường xem xét. Sau đó, ông Quang chờ hơn 2 tháng trời vẫn không thấy gì nên làm đơn khiếu nại.
Điều bất thường, cùng 1 ngày là 2.5.2018, Pjico Tây Ninh ra văn bản số 79 gửi ông Trịnh Văn Tài cho biết, đã nhận được thông báo tổn thất xe đứng tên ông Tài, do ông Quang điều khiển (vì chưa sang tên đổi chủ). Pjico Tây Ninh từ chối trách nhiệm bồi thường đến thời điểm trên với lý do chưa thể cho đơn vị giám định độc lập tiếp cận giám định giá trị thiệt hại tài sản; tài sản bị niêm phong và bên công an đang khởi tố điều tra.
Thực tế, cơ quan công an đã không còn phong tỏa và chiếc xe đã được đưa từ hầm lên bãi xe trong khuôn viên chung cư, nên “chưa thể tiếp cận giám định” là phi lý. Mặt khác, theo quy định của chính Pjico “mẹ” (TCty CP bảo hiểm Petrolimex), thì trường hợp mời bên thứ 3 thẩm định thiệt hại chỉ khi hai bên không thống nhất được giá trị thiệt hại. Trong khi đó, Pjico Tây Ninh chưa giám định thiệt hại, thì không thể có chuyện “đơn vị giám định độc lập”.
Lạ lùng, lại cũng ngày 2.5, cũng văn bản mang số 79 cùng 1 người ký và cũng gửi ông Trịnh Văn Tài, nhưng Pjico Tây Ninh cắt đi phần “hở sườn”, chỉ còn “chưa giám định được giá trị thiệt hại và tiếp cận văn bản kết luận điều tra của Công an TPHCM về xác định nguyên nhân thiệt hại, trách nhiệm bồi thường… do công an đang khởi tố điều tra vụ án”.
Tuy nhiên, từ trưa 29.3, đại tá Nguyễn Minh Thông - Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TPHCM - đã công bố kết luận điều tra ban đầu thể hiện vụ cháy xuất phát từ tia lửa điện từ chiếc xe Attila trong hầm chung cư và lan ra.
Ngày 3.4.2018, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cũng có văn bản hồi đáp một Cty bảo hiểm đề nghị xác định nguyên nhân cháy chung cư để có cơ sở giải quyết bồi thường theo quy định. Theo đó công an khẳng định: “Do sự cố kỹ thuật về điện trong xe gắn máy, không do lỗi cố ý của con người, không có yếu tố phá hoại”. Trên cơ sở này, đã có Cty bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho nhiều chủ xe của chung cư Carina.
Thế nên việc Pjico Tây Ninh chưa “xác định trách nhiệm bồi thường” đã khiến khách hàng bức xúc!
Đùn đẩy trách nhiệm
Liên quan việc bồi thường xe trong vụ cháy chung cư Carina Plaza, không phải đến giờ các chủ xe mới bức xúc. Ngày 18.4.2018, ông Trần Quang Hải (Giám đốc Cty TNHH XD-TM-DV Hùng Thanh - Chủ đầu tư chung cư Carina Plaza) đã có văn bản số 69 gửi 7 Cty bảo hiểm như “cầu xin”: “Trường hợp quý Cty nào không thực hiện bảo hiểm/bồi thường các chủ xe một cách kịp thời, Cty Hùng Thanh sẽ tạm ứng chi phí khắc phục hậu quả cho cư dân có hợp đồng bảo hiểm và sẽ yêu cầu quý Cty hoàn trả lại…”.
Nguyên nhân, Cty Hùng Thanh cho hay, liên tục nhận được khiếu nại của các chủ xe yêu cầu bồi thường thiệt hại vì có nhiều Cty bảo hiểm không bồi thường với nhiều lý do khác nhau như đợi kết luận điều tra của công an… Thậm chí, có Cty bảo hiểm còn tự soạn thảo đơn khiếu nại cho khách hàng với gợi ý các chủ xe đưa cho Cty Hùng Thanh đòi bồi thường, là thoái thác đùn đẩy trách nhiệm.
Cty Hùng Thanh cho rằng, trách nhiệm bồi thường cho chủ xe có hợp đồng bảo hiểm xe, thuộc về các Cty bảo hiểm. Lý do, công an đã xác định cháy xe không phải lỗi cố ý từ con người, mà từ tia lửa điện một chiếc xe máy trong hầm gây cháy lan các xe, nên không nằm trong điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Mặt khác, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm thì Cty bảo hiểm phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng. “Việc chi trả tiền bảo hiểm/bồi thường này là nghĩa vụ của các Cty. Việc thế quyền bảo hiểm (nếu có) nên để xử lý sau theo quy định pháp luật” - Cty Hùng Thanh khẳng định!
Liên quan vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, nhiều luật sư cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm viện lý do căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan công an mới tiến hành, là đúng, nhưng chưa đủ. Trong vụ cháy gây quá nhiều thiệt hại về tính mạng tài sản này, có thể áp dụng việc bồi thường nhanh chóng cho chủ xe có hợp đồng, theo đúng Luật Kinh doanh bảo hiểm. Sau đó, căn cứ vào kết quả điều tra, nếu lỗi của bên thứ ba gây ra cháy nổ, dù vô ý hay cố ý, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu bên có lỗi phải bồi thường lại cho mình.
Luật sư Lý Trung Dung - Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai: Về nguyên tắc, những trường hợp không thuộc phạm vi loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo luật; điều kiện, điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm thì Cty bảo hiểm phải có nghĩa vụ bồi thường cho người được bảo hiểm. Sau khi người nhận được bồi thường thì người được thừa hưởng làm văn bản thế quyền cho Cty bảo hiểm để Cty này đòi bên có lỗi (nếu có).
|
3 tháng, cả nước đã xảy ra trên 1.000 vụ cháy, nổ làm 33 người chết, 66 người bị thương, gây thiệt hại rất lớn...
Theo Ngô Nguyên/Báo Lao động