Mới đây, báo cáo của Chính phủ tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 cho thấy, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là trên hơn 1,1 triệu người; 77 người được xác minh tài sản, thu nhập.
Qua xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về khai tài sản, thu nhập. Con số này đang khiến nhiều người băn khoăn, liệu việc kê khai tài sản có đảm bảo thực chất, minh bạch và thực sự trở thành công cụ phát hiện, phòng ngừa tham nhũng hay không?
Ảnh minh họa.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, số lượng phát hiện bản kê khai không đúng còn quá ít. Trên thực tế, có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không đúng và việc xử lý cũng diễn ra chậm chạp.
Ông Cường cho rằng, một phần do ý thức thiếu trung thực của cán bộ, một phần là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, còn nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền quản lý, xác minh bản kê khai nên dẫn đến việc kê khai chưa thực chất, còn hình thức.
Số người kê khai rất lớn, nhưng số xác minh tài sản có 77 người, phát hiện xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập cho thấy biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp.
Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là nhu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài xử lý tài sản kê khai không trung thực, tài sản không chứng minh, giải trình được nguồn gốc hợp pháp…
Kết quả thống kê của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng cũng cho thấy, trong năm 2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã thụ lý điều tra 9 vụ với 34 bị can; thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.
Điển hình vụ đang xét xử tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) gây thiệt hại về kinh tế trên 1.500 tỷ đồng, trong đó, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank nhận và sử dụng gần 279 tỷ đồng… Nhiều cựu lãnh đạo thuộc ngân hàng này bị “triệu tập” thông qua hoạt động chi lãi ngoài cho khách hàng lên đến hàng tỷ đồng. Có thể thấy, chống tham nhũng bằng việc xác minh tài sản thực tế vẫn còn thiếu và yếu.
Theo nhận định của Thiếu tướng Phạm Lê Xuất, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an, chỉ khi có dư luận, qua báo chí kiến nghị, phản ánh thì cơ quan công quyền mới tiến hành xác minh làm rõ nguồn gốc tài sản của đối tượng cần kê khai.
Thiếu tướng Phạm Lê Xuất.
Lấy ví dụ từ vụ việc của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý, Thiếu tướng Phạm Lê Xuất đặt vấn đề: Kê khai tài sản theo quy định thì người nào cũng kê khai. Nhưng cơ chế kiểm soát kê khai đó thì chưa được nhiều. Kê khai chỉ để kê khai. Khi nào có đơn thư tố cáo thì mới chỉ đạo làm rõ xem đúng hay không.
Chưa có quy định truy nguyên nguồn gốc tài sản nên không giải đáp được tài sản đấy lấy từ đâu, như thế nào? Thế nên mới có chuyện nhiều người giải trình hình thành từ nuôi lợn, nuôi gà..
Chỉ có 3 người phát hiện kê khai tài sản không trung thực và bị xử lý so với nhiều “đại án” tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua cho thấy, dư luận xã hội nghi ngại về sự minh bạch trong kê khai tài sản là có cơ sở. Những vụ đại án thời gian gần đây phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm thuộc diện phải kê khai. Họ chỉ bị phát hiện khi thông qua công tác nghiệp vụ, điều tra, truy tố xét xử.
Theo ông Hoàng Văn Hùng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên, kê khai tài sản thu nhập của cán bộ công chức, đối tượng thực hiện cần đi liền với công tác xác minh. Cần coi đây là căn cứ quan trọng để thấy được biến động tài chính khi có dấu hiệu vi phạm. Mặt khác, cơ quan đề đạt, bổ nhiệm cũng phải chịu trách nhiệm xác minh tính trung thực của việc kê khai tài sản.
“Nếu kê khai mà không xác minh, thì không giải quyết được, nên cần kê khai phải xác minh, chốt lại số tài sản là bao nhiêu. Mà quy định thủ trưởng cơ quan khi có dấu hiệu, đơn thư mới xác minh là chưa ổn. Cần xem lại cho chặt chẽ, cho hợp lý quá trình kê khai tài sản” - ông Hoàng Văn Hùng cho biết.
Thực tế cho thấy, quá trình kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức trong một thời gian dài chỉ là phần tài sản “nổi”, còn phần tài sản “chìm” thì khó có thể xác định. Vì vậy, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp và gặp nhiều khó khăn.
Năm 2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) thống kê, các vụ án tham nhũng đã gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, thu hồi được 100 tỷ đồng, trên 300.000 USD, kê biên 4 căn nhà và 1 căn hộ chung cư.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, hiện nay đang nổi lên những vụ án trong lĩnh vực ngân hàng. Năm 2017 cần bóc được các loại án, vi phạm nào gắn với án nào là chủ yếu, khó khăn gì trong thu hồi tài sản tham nhũng, từ đó phổ biến cho cơ quan tố tụng, tập huấn cho người làm án, giải quyết vụ việc có kiến thức, kinh nghiệm nhất định, thì thu hồi sớm, ngăn chặn mới tốt được.
Từ năm 2013, Nghị định số 78 của Chính phủ quy định về minh bạch tài sản, thu nhập là để phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng. Thế nhưng, việc kê khai tài sản liệu có trung thực vẫn đang dấu hỏi lớn không chỉ đổi với người dân mà ngay cả trong giới chuyên môn.
Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng kịp thời, hiệu quả, cần phải nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc kê khai tài sản cá nhân, cán bộ công chức, đối tượng thuộc diện phải kê khai, bởi hầu hết các vụ án tham nhũng lớn đều liên quan đến tài sản.
Mặt khác, các Bộ, ngành địa phương cũng cần sớm hoàn thiện các quy định, cơ chế về kê khai và công khai, kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức, viên chức một cách thiết thực, tránh hình thức.
Theo Thu Hằng/VOV-Trung tâm Tin