Trong một hội thảo tổ chức mới đây tại Hà Nội, một trong những nội dung được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề cập đến là những triển vọng của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Những tiềm năng và triển vọng cho ngành nông nghiệp nước ta là rất lớn. Đất đai, khí hậu, nguồn nước, nhân lực, kinh nghiệm tích lũy từ hàng nghìn năm… tất cả đều là những nguồn lực nội sinh vô giá để cho nông nghiệp phát triển.
Song, những khó khăn và thách thức đối với ngành nông nghiệp nước ta không phải là nhỏ. Những khó khăn đó có cả vấn đề nội tại của ngành và có cả yếu tố khách quan bên ngoài.
Dù cho các cụm từ như “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa” có tần suất xuất hiện trên báo chí, truyền thông, văn kiện đường lối dày đặc thì có một thực tế không ai có thể phủ nhận được là cho đến hôm nay, Việt Nam về cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp. Khoảng 70% lao động vẫn làm nghề nông.
Thực tế, nông nghiệp vẫn đã và đang là ngành kinh tế xương sống của Việt Nam. Và dù cho đóng góp tỉ trọng của nông nghiệp vào tổng GDP của nền kinh tế có thể bằng một số ngành khác, nhưng nông nghiệp vẫn là cái lâu dài, mang tính an toàn và bền vững nhất.
Ảnh minh họa
Một điều đáng buồn là dường như ngành nông nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây rất ít khởi sắc, thậm chí có lúc tốc tăng trưởng còn bị âm. Đây là điều rất đáng lo ngại.
Trước kia, đã có lúc người ta nói nhiều đến chính sách “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) và coi đây là mô hình mà kinh tế Việt Nam nên ưu tiên để từ đó phát triển một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, thay vì chú trọng vào công nghiệp. Tất nhiên, ý kiến về mô hình trên chỉ dừng lại ở mức tham khảo. Song, xét ở khía cạnh nào đó, ý kiến này không phải là không có cơ sở.
Vấn nạn thực phẩm bẩn cũng đã và đang là một thách thức lớn cho ngành nông nghiệp.
Thực phẩm bẩn, độc hại thì cần lên án, loại bỏ. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng quan trọng hơn là phải tìm ra được giải pháp mang tính dài hơi để giải quyết, chứ không phải chỉ nói khơi khơi.
Cũng như câu chuyện ai ai cũng thấy rác ở lối đi, có người còn bới ra để chứng minh rằng đó là rác. Nhưng hình như lại không có ai dọn dẹp những đống rác đó để vào thùng rác cả.
Tương tự, hệ quả nhãn tiền của câu chuyện “tuyên chiến với thực phẩm bẩn” mà truyền thông rầm rộ trong thời gian qua, vô tình đã trở thành một đòn chí tử “kép” đánh cả vào 2 ngành trồng trọt và chăn nuôi.
Người tiêu dùng quay lưng. Xuất khẩu ngưng trệ. Nông dân khốn đốn, ngay cả khi sản phẩm của mình làm ra là an toàn thì cũng rớt giá thảm hại hoặc không bán được do sự hoài nghi, quay lưng của thị trường.
Gần đây, có khá nhiều bài báo viết về các mô hình “sản xuất nông nghiệp” kiểu mới người dân ở thành phố đã sáng tạo ra để đối phó với thực phẩm bẩn: trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn trong những chung cư, sân thượng, ban công.
Nó gợi nhớ đến nền kinh tế bao cấp trước kia, khi tiêu chuẩn tem phiếu thực phẩm của nhà nước không đủ cung ứng cho nhu cầu người dân, rất nhiều gia đình khi đó đã phải tìm lối thoát bằng cách cải thiện nuôi gà, nuôi lợn ngay trong chính khu sân hay nhà tập thể của mình.
Có lần Trung tướng Phạm Hồng Cư đã vui vẻ kể, trong những năm tháng khốn khó đó, khi cả nước thắt lưng buộc bụng, ngay cả gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã phải nuôi thêm 2 con lợn trong nhà. Đây là 2 con lợn được anh em bộ đội tặng. Giờ nói ra, có lẽ chẳng có ai tin.
Nhưng đó là câu chuyện của thời bao cấp. Còn hôm nay đã khác. Thời kinh tế thị trường, người ta hướng đến sự chuyên môn hóa, không ai còn quay về với một kiểu kinh tế manh mún “tự túc tự cấp” nữa. Do đó, câu chuyện trên chỉ nên xem là giải pháp đối phó mang tính tạm thời, là câu chuyện cực chẳng đã.
Rất không nên cổ xúy hay nhận rộng những mô hình này. Trồng rau xanh, cây cảnh, hoa lá ở trong nhà, sân thượng, ban công thì còn có thể được. Nhưng nếu nuôi gà, nuôi lợn trong những tòa nhà chung cư đông người với không gian nhiều hạn chế thì rất không nên, bởi nó không đảm bảo an toàn và vệ sinh.
Dịch cúm gia cầm hay dịch lợn tai xanh bùng phát trong những năm trước kia và cướp đi sinh mạng nhiều người đã là một bài học mà không ai được phép quên.
Người ta thường bảo “chuyện vặt vãnh con cá, mớ rau”. Nhưng xem ra giờ đây con cá, mớ rau đã không còn là chuyện vặt vãnh nữa. Con cá, mớ rau đã lên bàn nghị sự. Đã thành chuyện lớn. Nó liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, an ninh quốc gia và vấn đề sống còn của cả một ngành kinh tế truyền thống là nông nghiệp.
Thời gian qua, đài báo, dư luận nói nhiều đến kiến tạo. Đó là một thông điệp đúng đắn và đáng mừng.
Nhưng chúng ta sẽ xây dựng từ đâu, từ cái gì, nếu như không phải bắt đầu từ những cái nhỏ nhất - chuyện con cá, mớ rau hằng ngày, những thứ thiết thực và sát sườn nhất với mỗi gia đình, mỗi người dân?
Ở phương diện nào đó, con cá mớ rau không hề là chuyện vặt vãnh.
Theo Lưu Thủy/Tạp chí Thanh tra