Nơi chủ động thông tin, chỗ thì im thin thít
Cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình (Hà Nội) có văn bản gửi báo chí đề nghị đăng tải thông tin để những ai biết, chứng kiến vụ tai nạn xảy ra vào 23h20 ngày 16/2 tại đường vành đai 2, phường Ngọc Khánh khiến 2 người đi xe máy Vespa mang BKS 29D2-18487 tử vong, ô tô gây tai nạn bỏ chạy phối hợp giúp đỡ cơ quan chức năng truy tìm thủ phạm.
Vụ tai nạn đã khiến anh Vũ Cơ Bách (SN 1981), trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng và chị Trương Thị Thanh Lê (SN 1981), trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa tử vong.
Sau khi gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, chiếc xe ô tô gây tai nạn chưa rõ đặc điểm, biển kiểm soát và người điều khiển đã bỏ chạy khỏi hiện trường và hiện không ra trình diện cơ quan chức năng.
Vì vậy, Cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình đề nghị nhân dân, ai biết sự việc, chứng kiến vụ tai nạn và biết đặc điểm xe ô tô gây tai nạn đề nghị liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình để hỗ trợ cơ quan chức năng xác định thủ phạm.
Đây không chỉ là hành vi coi thường tính mạng của người khác mà nó còn cho thấy, sự xuống cấp, băng hoại đạo đức của một bộ phận người điểu khiến giao thông.
Cách đây chưa lâu, một vụ việc tương tự xảy ra trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khi em Trần Lê Minh Trang (SN 1999, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) trên đường đi làm thêm về đã bị chiếc xe Ranger Rover vượt đèn đỏ tông trúng tại ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Vụ tai nạn xảy ra hồi 23h30 ngày 07/12/2018 đã khiến em Trần Lê Minh Trang nhập viện Trung ương Quân đội 108 để điều trị trong tình trạng đa chấn thương, dập não, gãy lìa đùi trái, dập đùi phải.
Cháu Trần Lê Minh Trang nhập viện trong tình trạng bị chấn thương nặng.
Sau khi gây ra tai nạn, đối tượng điều khiển xe Range Rover tăng ga, nhanh chóng bỏ chạy khỏi hiện trường để trốn tránh trách nhiệm, cố ý không cứu giúp người bị nạn.
Đến nay, dù đã được các y, bác sỹ điều trị tích cực, tuy nhiên, sức khỏe của em Trang còn rất yếu, tiềm ẩn các nguy cơ di chứng lâu dài về não kể cả khi đã được phẫu thuật.
Theo ông Trần Văn Quân - bố đẻ nạn nhân Trang cho biết, sau hơn 2 tuần xảy ra vụ tai nạn, cơ quan công an đã tìm ra thủ phạm thực sự gây ra chấn thương cho con gái mình.
“Ban đầu, xuất hiện đối tượng Nguyễn Mạnh Hồng (SN 1990, tại tỉnh Tuyên Quang) nhận thay là người gây ra tai nạn, tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an quận Hai Bà Trưng xác định được Phạm Thế Duy (SN 1980, ở tỉnh Quảng Ninh) là người trực tiếp điều khiển chiếc xe Range Rover mang biển kiểm soát 30A - 279.99 gây tai nạn cho con gái tôi. Qua đấu tranh, Duy đã thừa nhận toàn bộ hành vi” - ông Quân nói.
Cũng theo ông Quân, cơ quan công an đã thông báo cho gia đình được biết về kết quả giám định thương tật của cháu Trang là dưới 61% nên sẽ không khởi tố vụ án.
Phía gia đình nạn nhân cho rằng, sau khi biết được danh tính lái xe gây tai nạn, gia đình đã có đơn kiến nghị lần 2 gửi Cơ quan Công an và Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Dù có nhiều tình tiết tăng nặng nhưng cơ quan chức năng dựa vào yếu tố xác định thương tật trên 61% mới khởi tố vụ án hình sự là chưa khách quan. Bởi đối tượng Phạm Thế Duy đã vượt đèn đỏ, hai là gây tai nạn rồi bỏ chạy, thứ ba là cố tình lẩn trốn.
Đối với vụ việc này, hàng chục cơ quan báo chí đã vào cuộc phản ánh, dấy lên sự bức xúc, phẫn nộ dư luận đối với hành vi của tài xế lái xe Range Rover.
Sau khi tìm ra thủ phạm, đã nhiều lần PV liên hệ với Công an quận Hai Bà Trưng để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên, một điều bất thường là cơ quan công an khá kiến tiếng mọi thông tin liên quan đến vụ việc.
Ngay cả khi trao đổi trực tiếp với cán bộ trực tiếp điều tra thì cũng chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn là vụ tại nạn đang trong quá trình điều tra, việc khởi hay không đang xem xét.
Chiếc xe Range Rover, biển kiểm soát 30A - 279.99 do Phạm Thế Duy (SN 1980, ở Quảng Ninh) gây tai nạn rồi bỏ trốn bị công an thu giữ.
Ông Trần Văn Quân - bố đẻ nạn nhân Trang cho biết, ngoài 1 lần tiếp trực tiếp và một số lần trao đổi qua điện thoại với anh Nam - cán bộ điều tra được biết như thông tin như ở trên, hiện ông Quân không được cung cấp thông tin gì mới hơn.
Tiến trình điều tra, xử lý vụ việc được Cơ quan CSĐT quận Hai Bà Trưng thực hiện như thế nào? Lái xe Phạm Thế Duy là ai, có nhân thân ra sao? Thời điểm gây ra tai nạn, lái xe có sử dụng chất kích thích nào không? Các vấn đề pháp lý về giấy phép lái xe của người gây tai nạn, chủ sở hữu phương tiện gây tai nạn, tình tiết, diễn biến vụ tai nại diễn ra thế nào?
Những câu hỏi như trên gia đình em Trần Lê Minh Trang không hề hay biết, báo chí không được cung cấp thông tin.
Liên quan đến vụ tai nạn này, ngày 07/01/2019, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng đã ký ban hành văn bản số 145/VPCP-V.I chuyển đơn kiến nghị của ông Trần Văn Quân, bố của cháu Trần Lê Minh Trang (SN 1999, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) - nạn nhân của vụ tại nạn đến Công an Hà Nội.
Nội dung văn bản nêu: “Ngày 18/12/2018, cơ quan báo chí đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chuyển kèm theo đơn kiến nghị của ông Trần Văn Quân (Thanh Xuân, Hà Nội) liên quan đến vụ tai nạn giao thông do xe màu trắng mang nhãn hiệu Ranger Rover vượt đèn đỏ gây ra vào hồi 23h30 ngày 07/12/2018 tại ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Văn phòng Chính phủ chuyển nội dung báo chí phản ánh kèm theo đơn của ông Trần Văn Quân đến Công an Thành phố Hà Nội để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định”.
Dù có công văn của Văn phòng Chính phủ gửi Công an thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết nhưng xung quanh vụ tai nạn lại có những “vùng cấm” kỳ lạ đến khó kiểu. Tại sao các cơ quan chức năng thụ lý vụ việc lại im thin thít, kín đáo đến bất thường khi xử lý vụ việc này.
Cần xử lý thật nghiêm để làm gương
Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường là cách hành xử không chỉ vi phạm về mặt đạo đức, vi phạm quy tắc ứng xử trong văn hóa giao thông, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nhưng, vẫn còn rất nhiều người sau khi gây tai nạn, liền trốn khỏi hiện trường mà không cứu giúp người bị nạn, gây bức xúc trong dư luận. Pháp luật cũng đã quy định xử lý nghiêm các trường hợp này.
Theo quy định tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải có các trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền. Khoản 17 điều 8 của Luật giao thông đường bộ cũng quy định bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm là một trong hành vi bị nghiêm cấm.
Đối với người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn, về xử lý hành chính, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn nhưng không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị xử lý như sau: Đối với người điều khiển ô tô: mức phạt từ 05 - 06 triệu đồng; Đối với người điều khiển xe máy: mức phạt từ 02 - 03 triệu đồng; Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện: mức phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng. Ngoài mức xử phạt hành chính nêu trên, người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn còn có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông theo quy định của bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông được quy định là một tình tiết tăng nặng trong tội vi phạm quy định về tham gia giao thông. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này là 10 năm tù.
Cụ thể, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm - 05 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: … bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn. Ngoài ra, mức phạt tù còn đến mức 15 năm tù, theo quy định cụ thể...
Đối với vụ lái xe Ranger Rover gây tai nạn rồi bỏ trốn xảy ra tại ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội đêm ngày 07/12/2018, trao đổi với báo chí, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi vượt đèn đỏ dù của ô tô hay xe gắn máy đều có thể gây nguy hiểm cho người khác, là hành vi đáng lên án.
Khi ô tô vượt đèn đỏ thì mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn rất nhiều lần. Đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể xử lý hình sự nếu như hành vi vượt đèn đỏ gây tai nạn giao thông đến mức độ hậu quả nghiêm trọng…
Còn luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Bross và cộng sự thì cho rằng: “Gia đình nạn nhân hoàn toàn có quyền khiếu nại đối với kết quả trưng cầu giám định. Nếu thấy có nghi ngờ về kết quả trưng cầu giám định là không trung thực thì hoàn toàn có thể yêu cầu, đề nghị trưng cầu giám định lại. Trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cần phải khởi tố bị can đối với người có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật hình sự”.
Luật sư Bách nêu rõ: Theo điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định tội vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ trong đó quy định việc lái xe đâm rồi bỏ chạy và không cứu giúp người bị nạn là một tình tiết tăng nặng định khung. Theo đó tình tiết tăng nặng định khung quy định tại khoản 2 điều 260 có tăng nặng hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù do gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn trách nhiệm.
Ngoài ra, tài xế còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc tù từ 1 đến 5 năm nếu gây tổn hại sức khỏe cho nữ sinh từ 61% trở lên (quy định ở điểm a, khoản 1, Điều 260).
Cũng theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, Viện kiểm sát nhân dân Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cần giám sát quá trình điều tra của cơ quan điều tra để phát hiện ra những dấu hiệu vi phạm hình sự.
Chiếc xe máy của nạn nhân bị hư hỏng nặng sau vụ tai nạn.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc và tạo tính răn đe trong xã hội đối với những hành vi vi phạm pháp luật, gia đình nạn nhân Trần Lê Minh Trang mong muốn và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội… quan tâm xem xét và có chỉ đạo kịp thời để giải quyết, xử lý nghiêm minh vụ tai nạn theo đúng quy định pháp luật; đồng thời công khai, minh bạch thông tin, kết quả điều tra xử lý cho gia đình nạn nhân, báo chí và dư luận được biết kết quả giải quyết.
Phan Anh Tuấn