Vì sao có 2 Vụ trưởng trong một Vụ, không thể trả lời cách nào được. Nếu cho rằng một trong hai vị sắp về hưu, cả nể không dám cách chức, thế thì coi việc nước như việc nhà, muốn làm sao thì làm, kể cả trái quy định của nhà nước.
Tại Vụ Kinh tế đối ngoại, còn có loạn cấp phó với 6 Phó Vụ trưởng, vượt gấp đôi quy định cũng rành rành như vậy, cũng chẳng làm sao.
Một Vụ có hai Vụ trưởng, 6 Vụ phó thì dân nào nuôi nổi.
Báo Lao Động sáng 17.1 có bài “60.000 người vác ô” bàn về tình trạng biên chế thừa, và trường hợp 2 Vụ trưởng và 6 Phó Vụ trưởng nêu trên là một ví dụ sinh động. Chỉ mới một vụ thôi, còn biết bao nhiêu cơ quan khác, mỗi nơi sai quy định một trường hợp, thì cả nước thừa biên chế gần 60.000 người là quá phải.
Hai Vụ trưởng trong một Vụ là hy hữu, nhưng cấp phó thì đang loạn.
Và vì các cơ quan nhà nước để loạn cấp phó như vậy mới đẩy lên con số 81.492 lãnh đạo cấp phó từ Phó phòng đến Thứ trưởng, chiếm 21,7% tổng số cán bộ công chức từ trung ương đến cấp huyện. Cứ 5 công chức có một lãnh đạo thì nước Nam “lạm phát” lãnh đạo.
Tiền lương và chi phí cho lãnh đạo cấp phó là một con số dân nghe là “điếc tai”. Chỉ tính trung bình lương, phụ cấp và các chi phí khác cho cán bộ từ phó phòng, phó sở lên tới Thứ trưởng 10.000.000 đồng/người thì mỗi năm ngân sách phải chi khoảng 9.779 tỉ đồng.
Vụ Kinh tế đối ngoại của Bộ Kế hoạch Đầu tư dư một nửa cấp phó, nhiều cơ quan khác cũng dư cấp phó. Nếu như cắt cấp phó dư thừa, và tiếp tục cắt giảm cấp phó để chỉ còn một nửa số lượng cấp phó hiện nay, thì mỗi năm dư được khoản 4.900 tỉ đồng (tính tổng chi 10 triệu đồng/người/tháng cho tất cả các khoản). Chưa kể, phải tinh gọn hơn, chỉ cần 1/3 cấp phó hiện nay là đủ.
Vấn đề không phải là đông mà là tinh. Đội ngũ công chức chuyên nghiệp, tinh gọn, tinh thông nghiệp vụ, tạo ra sản phẩm hành chính chất lượng cao và hưởng lương cao. Đó là mô hình lý tưởng mà Chính phủ kiến tạo hướng tới và nỗ lực để xây dựng được.
Theo Lê Thanh Phong/Báo Lao động