Tan hoang tại bản Poọng, xã Tam Chung. Lúa gạo bị ngấm nước, trộn bùn.
Mường Lát bị cô lập...
Nhiều người dân Mường Lát cho hay, trận lũ từ ngày 28.8 đến 1.9 vừa qua là trận lũ lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Lũ đã cuốn phăng tất cả. Thiệt hại nặng nề nhất là xã Tam Chung, Trung Lý, Quang Chiểu…
Theo ông Lò Quốc Tính - Trưởng bản Pọong, xã Tam Chung, “khoảng 12 giờ trưa ngày 30.8, lũ lao xuống cuốn trôi 5 căn nhà, may chúng tôi còn kịp hô cả bản chạy, rồi chủ động cắt cử mọi người tập trung dân, bấy giờ không cần nhà nữa mà cứu dân, cứ nghe khẩu lệnh mà chạy”.
Trao đổi với Báo Lao Động, chị Vi Thị Năm (39 tuổi, trú tại bản Poọng, xã Tam Chung) còn chưa hết bàng hoàng, kể: Trận lũ ngày 28.8, nhiều gia đình trong bản bị thiệt hại nặng nề. Nhà chị có đám tang, anh em họ hàng vừa sửa soạn mấy mâm cơm làm vía, chưa kịp ăn uống gì lũ kéo về ầm ầm, già trẻ lớn bé cố chạy thoát thân, trẻ con khóc ầm bản…
Bản Poọng, xã Tam Chung là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Theo ông Lương Minh Thông - Bí thư Huyện ủy Mường Lát, trong 89 hộ dân bản Poọng có đến 65 hộ nhà bị sập hoàn toàn, chỉ còn 10 hộ nguyên vẹn, các hộ còn lại bị vùi lấp, hư hỏng. Cả bản có 417 khẩu đều phải sơ tán đến các nơi như: Đồn Biên phòng Tam Chung, trụ sở Huyện đội, Đội sản xuất của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5…
Thống kê sơ bộ, mưa lũ đã làm 5 người chết, 2 người mất tích, 3 người bị thương; gần 139 hộ bị sập nhà hoàn toàn, 313 hộ phải di dời; hơn 100 ha lúa rẫy bị cuốn trôi; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị trôi theo lũ; 25 đập thuỷ lợi bị hư hỏng nặng; 28 điểm trường và các phòng học, nhà bán trú bị đổ, hư hỏng nặng. Hơn 600 hộ dân với gần 2.500 nhân khẩu đã phải di dời đến nơi an toàn.
QL15C từ km 49 đến km110 với chiều dài khoảng 10km bị sạt lở nghiêm trọng; ách tắc hoàn toàn tuyến đường từ Trung Lý lên Tén Tằn; đường từ Chiềng Nưa xã Mường Lý lên thị trấn Mường Lát có 21 điểm bị đứt và khoảng 3km bị vùi lấp hoàn toàn; các tuyến đường liên xã, thôn, bản bị sạt lở, ách tắc toàn bộ; nhiều xã, bản bị lũ cô lập, đặc biệt 3 xã Quang Chiểu, Mường Chanh và Mường Lý… Ước thiệt hại trên 1.000 tỉ đồng. Theo báo cáo mới nhất của huyện Mường Lát, do các tuyến giao thông bị ách tắc nên hàng hoá trên huyện rất khan hiếm, gần cạn kiệt, đặc biệt là lương thực, muối, xăng dầu và các nhu yếu phẩm.
Đến ngày 9.9, hơn 600 người của 65 hộ dân bản Poọng bị sập hoàn toàn nhà cửa vẫn phải ở trọ trong trụ sở các cơ quan huyện. Thiếu thốn trăm bề. Nguồn cung cấp xăng, dầu trên địa bàn cũng gần cạn kiệt, gạo ăn cũng bắt đầu thiếu... Đặc biệt, hệ thống nước sinh hoạt của người dân đang rất khó khăn vì các đường ống dẫn nước bị hư hỏng hết. Người dân phải ra các mó nước hứng về sinh hoạt. Trẻ con, người lớn nằm ngồi la liệt trong trụ sở các cơ quan, công sở với nồi niêu xoong chảo, quần áo chăn màn ngổn ngang…
... nhưng không cô đơn
Đau thương, mất mát, tan hoang và sợ hãi là hiện hữu ở huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá sau lũ dữ. Nhiều tuyến đường bị chia cắt, nhiều bản, xã bị cô lập nhưng Mường Lát không cô đơn. Ngay khi tai hoạ ập xuống, lãnh đạo chính quyền, các cơ quan ban ngành, nhân dân trong huyện đã chung tay chia sẻ khó khăn, động viên đồng bào bị nạn. Toàn huyện đã huy động 2.232 dân quân cơ động, hơn 2.000 dân quân tại chỗ cùng toàn bộ hệ thống lực lượng vũ trang và các đơn vị trên địa bàn vào cuộc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Đã thực hiện sơ tán 452 hộ dân đến nơi an toàn, chủ yếu đến trụ sở các cơ quan như đồn biên phòng Tam Chung, phân viện y tế bản Pùng, xã Quang Chiểu…
Huyện Mường Lát đã hỗ trợ khẩn cấp 1,5 tỉ đồng cho các hộ gia đình có người chết và mất tích, nhà cửa bị vùi lấp, hư hỏng với mức 5,4 triệu đồng/người chết, 7 triệu đồng/nhà bị sập hoàn toàn và hỗ trợ cho nhiều hộ khác theo quy định. Cấp phát hơn 7 tấn gạo cho đồng bào trong huyện, riêng bản Poọng, xã Tam Chung, huyện đã hỗ trợ cho mỗi hộ 15kg gạo/người và nhiều nồi xoong, bát đĩa; 650 thùng mỳ tôm, 200 thùng nước uống và nhiều nhu yếu phẩm khác cũng đã được chuyển lên đây.
Các nhà hảo tâm trong huyện cũng như các địa phương khác với tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã không quản khó khăn đến với đồng bào bị nạn. Huyện Mường Lát đã thành lập trạm tiền phương tại xã Trung Lý làm đầu mối tiếp nhận toàn bộ các khoản cứu trợ. Đến ngày 9.9, hàng tỉ đồng, hàng trăm tấn gạo, hàng nghìn thùng mỳ tôm đã được chuyển đến Mường Lát hỗ trợ đồng bào. Hàng chục tấn gạo cũng được nước bạn Lào xuất bán hỗ trợ bà con vùng lũ.
Ngày 8.9, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư đã cùng nhiều lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hoá như ông Trịnh Văn Chiến - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư thường trực… vượt hàng trăm km đường rừng, đi xe máy, lội bùn đến với đồng bào. Trưởng ban Tổ chức T.Ư đã lội vào bản Poọng - nơi đồng bào bị lũ lụt tàn phá nặng nề. Tại đây, ông Phạm Minh Chính đã ân cần thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn cùng bà con, hỗ trợ quà từ Ban Tổ chức T.Ư cho các gia đình bị thiệt hại.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc để Mường Lát bị cô lập đến 10 ngày sau lũ là không ổn, cần tăng cường các lực lượng giải phóng giao thông để việc đến với đồng bào gặp nạn được nhanh chóng hơn. Ông Phạm Minh Chính chỉ đạo Thanh Hoá cần tập trung hết sức trong việc khắc phục hậu quả lũ lụt, giúp dân ổn định đời sống và đặc biệt quan tâm đến nơi ăn chốn ở của nhân dân.
Mường Lát bị cô lập nhưng Mường Lát không cô đơn. Tuy nhiên, Mường Lát đang cần lắm những cái nắm tay sẻ chia, động viên, cần lắm những tấm lòng thiện nguyện…
Theo Xuân Hùng – Quách Du/Báo Lao động