Hàng loạt bờ suối, cánh đồng bị đào khoét.
Làm vàng toàn bằng máy móc
Tận mắt quan sát tại cánh đồng thôn Pắc Pạ, phóng viên thấy từng vạt, từng vạt ruộng cũng như ven bờ dòng suối đang hàng ngày bị 4 chiếc máy xúc của Cty Hùng Dũng quần nát.
Chưa biết là lợi lộc chia chác nhau kiểu gì, nhưng tình trạng thùng, vũng, hố ở đây thì sâu hoắm, cả một con đường bê tông nội đồng bị sạt lở cũng đổ gẫy, tiếng máy móc gầm rú vang 1 góc rừng.
Cũng là do doanh nghiệp khai thác bằng máy lên không có người đãi tay, chỉ có vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối là có khoảng chục người dân đi mót vàng ngoài suối, còn tất cả chỉ hoạt động trên máy nên thợ thuyền đào vàng là khá nhàn.
Tiếp xúc với anh B - thợ lái máy xúc, anh này cho biết, mình được ông chủ Hùng thuê lái. Mỗi tháng, ông chủ trả anh 9 triệu, nhiệm vụ chỉ có xúc và xúc.
Cũng theo anh B, vì được trả công rồi nên các anh chỉ biết làm. Cũng lâu lâu thấy có đoàn cán bộ của tỉnh hay huyện gì đó vào hỏi han, thậm chí còn có cả Công an đến, nhưng sau khi gặp gỡ xong, họ lại đi về và các anh cứ làm.
Chỗ nào đào cũng dùng máy xúc.
Nhiệt tình dẫn phóng viên ra tận khu cánh đồng ven suối, cách đường cả km của bản Pắc Pạ, anh Vàng Văn C, một người dân bản Pắc Bạ cho biết: Khoảng 2 tháng trở lại đây, khu bờ bãi của Cty Hùng Dũng là làm ăn mạnh nhất. Hàng ngày, có đến 4 cái máy xúc lớn nhỏ của họ đào xới, cái thì đắp bờ, cái đào, cái móc… tất cả mọi đất đá, xít bọt đều đánh đống rồi xúc lên dàn sàng.
Dàn này cũng hoạt động bằng điện hoặc máy nổ thôi. Cứ thế dàn sàng xình xịch nổ, lắng cặn vàng vào các khay rãnh, không biết có được nhiều hay ít. Nhưng chắc chắn có vàng nên họ tha hồ hoạt động suốt mấy tháng qua, chứ nếu ko có vàng thì chắc họ bỏ đi lâu rồi.
Máy xúc của Cty Hùng Dũng (TP Lai Châu) đang khai thác.
Chị Nguyễn Thị V, một người dân lên buôn bán cho biết: Hàng ngày, chị bán khá nhiều thực phẩm cho thợ đào vàng. Khu “mỏ” của Cty Hùng Dũng có khoảng 40 người, cả thợ máy lẫn ông chủ và lao động thời vụ. Cũng nhờ có đám khai thác vàng này làm ăn nhộn nhịp nên hàng hóa của chị bán được nhiều hơn.
Chị V cũng khảng khái cho biết thêm: “Cách đây vài năm, nạn đào vàng ở đây cũng rộ lên. Nhưng hồi đó chỉ đào vàng bằng tay, cách làm thủ công. Còn bây giờ các anh ấy khai thác vàng toàn bằng máy, cứ máy xúc, máy sàng làm ào ào như đại công trường thì chắc hiệu quả hơn…”.
Pháp luật chưa nghiêm?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Giang - Chánh văn phòng UBND huyện Mường Tè cho biết: Công an tỉnh Lai Châu cũng đã vào cuộc, nhưng dẹp xong rồi giao cho chính quyền địa phương quản lý. Còn UBND huyện thì không thể cử người nằm ở đấy được, xã thì lực lượng cũng mỏng nên khó xử lý…
Còn ông Lò A Chu - Chủ tịch xã Vàng San cho biết: Thời gian qua chính quyền địa phương thấy tình trạng doanh nghiệp cho máy xúc, máy sàng để tuyển vàng xuống suối để khai thác. Khi chính quyền xuống yêu cầu Cty này dừng hoạt động, thì lúc này xã mới biết được là doanh nghiệp tự vẽ ra một văn bản cam kết với người dân trong thôn là Cty này xin làm kè suối và khai thác vàng ở suối.
Chính quyền địa phương chỉ thấy đơn vị này khai thác vàng mà không thấy Cty làm kè suối cho người dân, nên chính quyền đã xuống yêu cầu Cty này dừng hoạt động khai thác vàng ở đây, nhưng chỉ dừng hoạt động được một vài hôm rồi lại hoạt động trở lại.
Chính quyền xã thì không thể thu giữ được phương tiện máy móc, máy xúc còn để ở dưới suối thì đơn vị này vẫn ngang nhiên hoạt động khai thác vàng, xã chỉ biết bất lực đứng nhìn và báo cáo lên các cơ quan chức năng.
Huyện cũng xuống kiểm tra nhiều lần, Cảnh sát môi trường cũng xuống kiểm tra nhưng không xử lý dứt điểm rồi đâu lại vào đấy đơn vị này vẫn ngang nhiên hoạt động trở lại.
Một dạng hợp đồng quái gở.
Rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ đến ông Hùng - Giám đốc của doanh nghiệp này về việc khai thác khoáng sản. Ông này sau một hồi cho rằng mình làm đúng, nhưng không cung cấp được các văn bản cho phép khai thác, tận thu vàng ở đây.
Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết, lợi dụng dân trí thấp của một số đồng bào vùng cao và những hứa hẹn vàng bạc, nên doanh nghiệp Hùng Dũng đã mặc nhiên làm một dạng văn bản, hợp đồng chả ra hợp đồng, cam kết chẳng ra cam kết, rồi đóng dấu của doanh nghiệp vào cho người dân xem qua và cầm lấy 1 bản.
Để rồi, từ đây doanh nghiệp mặc sức đào, đãi vàng bất chấp các quy định của pháp luật. Còn các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu và của huyện Mường Tè thì chỉ đi “vật vờ” cho có lệ. Rồi những “đoàn công tác” này lặng lẽ biến mất, để mặc cho núi rừng, cánh đồng bị tàn phá.
Vậy xin hỏi trách nhiệm trước việc mất mát khoáng sản này thuộc về ai? Lãnh đạo tỉnh Lai Châu có biết hay không, hay thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản?
Theo Đức Hải/Báo Xây dựng