>> Hàng loạt sai phạm trong hoạt động xây dựng: Bài học rút ra từ công tác thanh tra, giám sát tại cơ sở
>> Quận Cầu Giấy yêu cầu xử lý sai phạm tại chung cư N08B Dịch Vọng
>> Kết luận Thanh tra một đằng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có khắc phục một nẻo?
Tập đoàn Mường Thanh đứng đầu “danh sách đen” các công trình vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy. (Ảnh Kỳ Anh)
Ngày 26/6, Văn phòng UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 152/TB-VP truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu tại cuộc họp về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố tiếp tục phối hợp các sở, ngành chức năng thành phố, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các yêu cầu về PCCC, những cam kết thực hiện của chủ đầu tư để tổ chức nghiệm thu công trình đưa vào hoạt động theo quy định…
Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc khắc phục các vi phạm về phòng cháy chữa cháy (15 ngày/lần), lập biên bản; nêu rõ việc thực hiện những cam kết của chủ đầu tư hoàn thành đến đâu; ra thông báo tạm đình chỉ, đình chỉ khi cần thiết. Sau khi xử phạt xong, nếu chủ đầu tư “chây ì” không khắc phục, đề xuất chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế…
Lựa chọn, đề xuất từ 2 - 3 công trình vi phạm điển hình, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo sở, ngành và đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra và xử lý điểm theo quy định của pháp luật… Tiếp tục tuyên truyền công khai cho nhân dân được biết về những công trình vi phạm quy định PCCC; khuyến cáo người dân không mua nhà tại các công trình không đảm bảo về PCCC; kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có biện pháp không cho phép các chủ đầu tư bán nhà tại các công trình vi phạm về PCCC.
Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ các quy định, trách nhiệm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chuyên môn, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc việc cấp phép và nghiệm thu các dự án, công trình xây dựng theo quy định; không cấp giấy phép xây dựng khi công trình chưa được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC; không nghiệm thu và cấp văn bản cho phép công trình được đưa vào hoạt động khi chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC…
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố thực hiện có hiệu quả trong việc cấp phép, phê duyệt dự án. Các sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường từ 1/7/2017 không giới thiệu địa điểm cấp đất, giao đất, cho thuê đất đối với các đơn vị đang là chủ đầu tư 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng hiện nay chưa được khắc phục.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Sở Xây dựng, UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra về giao thông nội bộ phục vụ PCCC trên tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.
Sở Tư pháp xây dựng quy trình, thủ tục đảm bảo yếu tố pháp lý và những điều kiện liên quan khác để tổ chức xử lý, cưỡng chế các trường hợp cố tình vi phạm kéo dài về PCCC.
Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông của thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC; tiếp tục cảnh báo những nội dung tồn tại, vi phạm của từng công trình, thời hạn cam kết của chủ đầu tư trên phương tiện thông tin đại chúng, để người dân biết cùng đấu tranh, tạo áp lực, buộc chủ đầu tư thực hiện.
UBND quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước về PCCC theo đúng quy định tại Điều 58 Luật Phòng cháy và chữa cháy. Cương quyết xử lý, cưỡng chế các công trình vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo các quy định hiện hành, kiểm soát nguồn nước cấp cho các dự án, công trình để thực hiện nghiêm túc các nội dung trên.
Theo Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội, tính đến ngày 31/5/2017, trên địa bàn thành phố có 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Trong đó, Mường Thanh đứng đầu “danh sách đen” với 12/79 công trình vi phạm.
Qua công tác điều tra cơ bản, trên địa bàn Thành phố có gần 800 công trình nhà chung cư cao tầng, trong đó có nhiều công trình vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) trong đầu tư xây dựng. Tính đến ngày 31/5/2017, còn một số chủ đầu tư cố tình không thực hiện, thiếu trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng theo Điều 15 và Điều 17 Nghị định 79/2014/NĐ-CP, dẫn đến trên địa bàn Thành phố còn 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng, trong đó có 78 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, 01 công trình đã thi công nhưng chưa được thẩm duyệt về PCCC .
Trong “danh sách đen” này xuất hiện những “ông lớn” bất động sản như Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Mường Thanh), Hải Phát, Vinaconex và nhiều doanh nghiệp khác thuộc họ Sông Đà…
Đứng đầu danh sách vi phạm là Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Mường Thanh) với 12 tòa nhà gồm: Tòa nhà CT5, CT8, CT10 Thanh Trì; Chung cư cao tầng CT11 Kim Văn Kim Lũ; Tòa nhà VP3, VP5, VP6 Hoàng Mai; CT1, CT2, CT3, CT4, CT6 Xa La trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Khu đô thị Xa La, Hà Đông.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Cảnh sát PC&CC Hà Nội chỉ ra các vi phạm về công tác phòng cháy, chữa cháy tại những công trình của Mường Thanh. Trước đó, hàng loạt vụ hỏa hoạn liên tiếp xảy ra tại các chung cư do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư, phần lớn các vụ cháy do chập điện; tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn “chây ỳ” thực hiện, thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, thậm chí không khắc phục các nội dung còn tồn tại, thiếu sót về PCCC.
Điển hình, có thể kể đến vụ cháy ngày 20/9/2015, khu kỹ thuật tầng 9 của tòa nhà CT5B Xa La bốc cháy. Mặc dù khu kỹ thuật điện bốc cháy và khói đen cùng mùi khét bay khắp các tầng nhưng hệ thống báo cháy của tòa nhà không hề hoạt động.
Sau đó chưa đầy một tháng, tối ngày 11/10/2015, lại xảy ra thêm vụ hỏa hoạn tại tầng hầm chung cư CT4 Xa La (Hà Đông) thiêu rụi khoảng 300 xe máy, 1 ôtô và nhiều xe đạp điện. Khói theo đường dây diện, hộp kỹ thuật lan sang các tầng cao và ảnh hưởng tới 2 đơn nguyên bên cạnh. Đám cháy được xác định bốc lên từ hầm nhà CT4B của toà nhà. Do thiết kế hầm của các đơn nguyên thông nhau nên khói đã lan sang cả khu CT4A, CT4C.
Liên quan đến các vi phạm về PCCC của Mường Thanh, trao đổi với phóng viên, ông Tô Hồng Nho - đại diện Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội cho biết, do công trình chưa được nghiệm thu về PCCC nên ở mỗi công trình tồn tại lượng lớn các lỗi vi phạm khác nhau, tập trung chủ yếu là các lỗi vi phạm như: Giao thông phục vụ chữa cháy chưa đảm bảo (như công trình bố trí cây cao thành hàng, các tiểu cảnh, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của xe thang chữa cháy, đường giao thông chưa đáp ứng tải trọng cho xe chữa cháy, xe thang triển khai); lối ra thoát nạn chưa đảm bảo theo quy định; giải pháp ngăn cháy lan chưa đảm bảo theo quy định.
Ngoài ra, hệ thống thông gió, chống tụ khói chưa lắp đặt hệ thống hút khói hành lang, tầng hầm; tăng áp buồng thang, giếng thang máy; hệ thống báo cháy. Các thiết bị chữa cháy tự động như tủ trung tâm báo cháy đang báo lỗi, chưa kết nối liên động với thang máy, chưa trang bị đầu báo cháy, đầu phun sprinkler cho tất các phòng rác; khu vực hành lang các tầng không được trang bị đầu báo cháy; phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn không đầy đủ hoặc bị hư hỏng, không hoạt động.
Khi được hỏi về hướng xử lý nếu chủ đầu tư cố tình “chây ỳ” để xảy ra sai phạm, ông Nho cho biết, Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo phối hợp giữa các ban, ngành của thành phố cùng phối hợp xử lý.
Không song hành với những quyết tâm “nửa vời” của chính quyền Hà Nội, thực tế cho thấy, đối với Mường Thanh, việc mất an toàn phòng chống cháy nổ xảy ra như “cơm bữa”, ngay cả các chung cư đã hoàn thiện cả chục năm nhưng các cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp xử lý triệt để. Thậm chí, mấy năm gần đây, chủ đầu tư còn thể hiện thái độ “nhờn luật” đến mức, khi dự án chưa hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu nhưng đã đưa cư dân chuyển về sinh sống.
Phải chăng, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã buông lỏng quản lý để cho chủ đầu tư ngang nhiên vi phạm? Vậy đến khi xảy sự cố công trình, an toàn cháy nổ dự án gây thiệt lớn về người và của như đã từng xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm của lực lượng phòng cháy, chữa cháy đến đâu qua những vụ việc này, bởi sau thanh, kiểm tra, xử lý sai phạm vẫn hoàn sai phạm?
Trong buổi tiếp xúc cử tri chiều 14/12/2016, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng đã kiểm tra khu nhà ở Đại Thanh do Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư và thấy có những vi phạm rất nghiêm trọng.
Ông Chung liệt kê: “Thứ nhất là xây dựng không phép; thứ hai là xây dựng quá chiều cao quy định; tiếp nữa là xây cả vào khu không được phép xây như các vị trí quy hoạch dải cây xanh. Các khu này xây xong thì người dân đã vào ở và đã bán trao tay hết rồi. Tiếp nữa là các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy cũng không đủ, dân cũng chưa cấp được sổ đỏ”.
Theo ông Chung, hồ sơ vụ việc đã được chuyển cho cơ quan điều tra của Công an thành phố thụ lý điều tra và xử lý theo đúng tinh thần truy tố theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, sau 6 tháng, tiến trình điều tra, kết quả xác minh vẫn chưa được công bố và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn hàng vạn người dân Thủ đô vẫn hàng ngày, hàng giờ nơm nớp lo sợ, bất an sống trong những căn chung cư giá rẻ nhưng chất lượng gây “sốc” của ông Lê Thanh Thản.
* Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.
|
Phan Anh Tuấn