Thực tiễn hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; khơi dậy được động lực trong Nhân dân, phát huy quyền làm chủ, tăng cường sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian qua có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân. Việc quán triệt, phổ biến, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội chưa được coi trọng đúng mức.
Việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có lúc, có nơi chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức; các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị chưa quyết liệt. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa thực hiện nghiêm túc, kịp thời.
Nguyên nhân của hạn chế nêu trên chủ yếu là do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên chưa thực sự chủ động, chưa phối hợp chặt chẽ trong xác định nội dung, hoạt động giám sát, phản biện hàng năm từ sớm, từ xa; quy định pháp luật về giám sát, phản biện xã hội còn chưa tương xứng và phù hợp với yêu cầu và thực tiễn; việc phối hợp với các cơ quan nhà nước cùng cấp trong giám sát, phản biện chưa chặt chẽ, nhất là trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội và cơ chế theo dõi, phản hồi, chế tài xử lý việc không thực hiện kiến nghị; cán bộ làm công tác Mặt trận nhiều nơi chưa thể hiện được bản lĩnh, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác Mặt trận ở nhiều nơi còn hạn chế về kiến thức chuyên môn, trình độ lý luận do chưa được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giám sát, phản biện xã hội; chưa phát huy được hết trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và Nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; nguồn lực dành cho công tác giám sát, phản biện còn hạn chế…
|
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội nghị cho ý kiến vào Dự thảo kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2024 và Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
ẢNH: QUANG VINH
|
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần sớm triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp, cụ thể như:
Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức người lao động trong hệ thống chính trị về tầm quan trọng của hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; đưa chuyên đề giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội vào chương trình bồi dưỡng tại các trường chính trị và Học viện Hành chính Quốc gia, góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Trong đó tập trung vào các hoạt động:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giám sát, phản biện xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau như: Hội nghị, hội thi, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, tờ gấp, băng zôn, khẩu hiệu …).
- Xây dựng các chuyên đề, tài liệu phục vụ cho hoạt động giảng dạy, tập huấn tại các cơ sở giáo dục đào tạo; bồi dưỡng cán bộ; hằng năm nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Định kỳ tổ chức cuộc thi tìm hiểu về công tác giám sát, phản biện xã hội với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
- Tăng cường đăng tải các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các tài liệu, bài viết, thông tin liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
- Công khai kết quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hai là, hoàn thiện thể chế về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, tập trung đề xuất cơ chế, giải pháp phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhân dân trong giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước; xây dựng, hoàn thiện cơ chế Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước; hoàn thiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội, giải trình, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất cơ chế tăng giá trị pháp lý đối với văn bản phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng: đối với dự thảo văn bản được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phản biện xã hội thì hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản phải có văn bản phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và báo cáo việc giải trình, tiếp thu ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phối hợp hướng dẫn Nhân dân tham gia giám sát và giám sát việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó chú trọng:
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo hướng xây dựng một mục riêng về phản biện xã hội trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tạo lập cơ sở pháp lý chung và thống nhất, đồng bộ trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định cụ thể về vị trí, vai trò, thời điểm, nội dung, hình thức, giá trị pháp lý của phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp; nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan trình, cơ quan thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản.
- Nghiên cứu tổng kết 10 năm thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 để đánh giá toàn diện việc thực hiện Chương III về giám sát, Chương IV về phản biện xã hội; Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với các nội dung đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 để đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc cho phù hợp, đồng bộ; nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản chính sách quan trọng, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân do các cơ quan, tổ chức ban hành; nghiên cứu các hình thức giám sát, phản biện xã hội phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
- Tổ chức nghiên cứu xây dựng Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định về quy trình, thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp thu, phản hồi ý kiến giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
- Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực tiễn đề xuất xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích, huy động các chuyên gia, nhà khoa học, các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người có kinh nghiệm thực tiễn, người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Ba là, tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước triển khai các nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động giám sát, phản biện, nhất là các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản (Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Chính phủ, các bộ, ngành…) trong hoạt động giám sát, phản biện. Chú trọng rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan nhà nước cùng cấp, trong đó, đề cao trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Bốn là, đổi mới phương thức giám sát, phản biện xã hội, tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Phát huy vai trò chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội; phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động phản biện xã hội theo hướng phản biện xã hội đối với các chính sách được đề xuất trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định; lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm; chủ động thực hiện tốt giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ theo Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Kịp thời phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; đồng thời kiến nghị xử lý nghiêm những sai sót, khuyết điểm trong quá trình tổ chức thực hiện; xây dựng đề cương, biểu mẫu, biên bản thống nhất từ trung ương đến địa phương đẩy mạnh số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát, phản biện.
Năm là, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giám sát, phản biện xã hội; kịp thời bồi dưỡng, tập huấn về quy trình, kỹ năng, phương pháp giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể các cấp. Có chế độ đãi ngộ thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức về làm công tác giám sát, phản biện xã hội, trú trọng các giải pháp sau:
- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu công tác có cơ chế ưu đãi đối với cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm công tác từ các bộ, ngành, cơ sở về làm công tác Mặt trận. Đồng thời, có cơ chế luân chuyển cán bộ Mặt trận sang làm tại các cơ quan nhà nước theo diện đi cơ sở để học tập kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu của công tác giám sát, phản biện trong tình hình mới.
- Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác giám sát, phản biện xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nắm vững kiến thức, tra cứu, áp dụng trong quá trình thực hiện giám sát, phản biện xã hội.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương xuống địa phương. Hằng năm, tổ chức từ 2-3 lớp tập huấn/tổ chức; Hoạt động tập huấn được thực hiện theo vùng miền có sự phân công giữa các tổ chức; thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể, chú trọng nâng cao năng lực, kỹ năng giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, phản biện vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề nâng cao năng lực giám sát của cộng đồng qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; bảo đảm cung cấp thông tin, tài liệu nghiệp vụ phục vụ công tác giám sát của các Ban.
Sáu là, phát huy vai trò của Nhân dân, nhất là các tổ chức tự quản, Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong hoạt động giám sát đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Tăng cường hướng dẫn hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, trọng tâm là giám sát việc thực hiện công tác an sinh xã hội, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án tại cơ sở liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
Bảy là, đổi mới phương thức hiệp thương để tăng cường sự đồng thuận, thống nhất hành động và phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương thống nhất với các tổ chức chính trị xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện từ sớm, từ xa, xác định rõ những nội dung giám sát, phản biện xã hội do Mặt trận Tổ quốc chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện, những nhiệm vụ do tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động đề xuất trong phạm vi lĩnh vực hoạt động; tăng cường phát huy sự sáng tạo và tổng huy động nguồn lực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên để thực hiện thống nhất, có hiệu quả các chương trình giám sát, phản biện xã hội; tăng cường phối hợp trong hoạt động giám sát và triển khai thống nhất trong toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc (thời gian hiệp thương, xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện hàng năm).
Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, tăng quyền chủ động và đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; đổi mới cơ chế thu hút đội ngũ chuyên gia, nhân sỹ trí thức, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn và người dân tham gia vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Tám là, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, vận động Nhân dân tham gia thực hành dân chủ và để Nhân dân giám sát, đặc biệt là trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong tiếp nhận và phản ánh kịp thời kiến nghị, đề xuất của cử tri và Nhân dân, những vấn đề nổi cộm, bức xúc từ dư luận xã hội để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm cơ sở, căn cứ cho việc thực hiện giám sát, phản biện. Tăng cường công tác truyền thông, thông tin báo chí về hoạt động và kết quả giám sát, phản biện xã hội tới cử tri và Nhân dân.
Chín là, tăng cường các hoạt động kiểm tra, khảo sát công tác giám sát, phản biện xã hội; kịp thời phát hiện các cách làm hay, hiệu quả trong công tác giám sát, phản biện xã hội để phổ biến, nhân rộng, lan tỏa, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong giám sát, phản biện xã hội; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Đặc biệt quan tâm đảm bảo nguồn lực kinh phí, nhân lực cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Phùng Thị Thuận, Ban Dân chủ - Pháp luật,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam