Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát theo Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 - Bài 2: Phối hợp, tiếp thu kết quả giám sát từ cơ sở

Hiệu quả rõ nét từ công tác phối hợp trong hoạt động giám sát của HĐND thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương từ đầu nhiệm kỳ đến nay chính là sự phối hợp, tiếp thu kết quả giám sát từ Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn thành phố, các Tổ đại biểu HĐND thành phố và Thường trực HĐND các phường, xã. Qua đó, nội dung, đối tượng được giám sát không bị chồng chéo, chất lượng các cuộc giám sát được nâng lên rõ rệt.

Thực sự nắm nội dung, có trách nhiệm tham gia

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hải Dương đã ký kết Nghị quyết liên tịch ban hành quy chế phối hợp công tác giữa ba cơ quan, xác định rõ 13 nội dung phối hợp và trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi chủ thể tham gia. Qua đó, công tác phối hợp của 3 cơ quan được duy trì thực hiện thường xuyên, liên tục, giúp cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan tham gia được đồng bộ, kịp thời và hiệu quả, trong đó có hoạt động giám sát của HĐND.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp theo Nghị quyết 594 do Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương tổ chức. Ảnh: Phong Tuyết

Cùng với đó, hàng năm, khi xây dựng chương trình giám sát của năm tiếp theo trình HĐND thành phố xem xét, quyết định tại kỳ họp thường lệ giữa năm, ngoài gửi Phiếu đề xuất nội dung giám sát đến các Ban, đại biểu HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị nội dung giám sát theo quy định, Thường trực HĐND thành phố Hải Dương còn căn cứ từ trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Thành ủy các kế hoạch và định hướng phát triển chung của thành phố. Từ những thông tin thu thập được qua hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của đại biểu, tiếp xúc đối thoại với người đứng đầu, dư luận xã hội...; các ý kiến chất vấn, giải trình của Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị của thành phố tại các kỳ họp trước cũng như tham khảo ý kiến của các đơn vị chuyên môn trước khi trình kỳ họp HĐND thành phố thông qua.

Quá trình tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo và huy động, phối hợp nhịp nhàng với các Ban, các Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND, với Ủy ban MTTQ, các cơ quan đơn vị liên quan cũng như chính quyền địa phương nơi thực hiện chương trình giám sát. Có nội dung giám sát cần trao đổi, nắm bắt thông tin từ những cá nhân liên quan đến nội dung giám sát như ý kiến, kiến nghị của cử tri hoặc tham khảo kết quả kiểm tra, giám sát của các đoàn trước đó liên quan đến nội dung giám sát. Việc bố trí thành phần đoàn giám sát cũng được Thường trực HĐND thành phố hết sức quan tâm lưu ý, trên tinh thần tinh gọn nhưng phải đủ thành phần liên quan và người tham gia phải nắm được nội dung, có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc xem xét giải quyết, trả lời những nội dung liên quan đến chương trình giám sát.

Tạo điều kiện để Mặt trận tổ quốc giám sát, phản biện xã hội

Đánh giá đổi mới trong hoạt động của HĐND thành phố Hải Dương từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thể thấy, hiệu quả rõ nét từ công tác phối hợp trong hoạt động giám sát đó là sự phối hợp, tiếp thu kết quả giám sát từ Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn thành phố, các Tổ đại biểu HĐND thành phố và Thường trực HĐND các phường, xã. Qua đó, nội dung, đối tượng được giám sát không bị chồng chéo; chất lượng các cuộc giám sát được nâng lên rõ rệt...

Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong hoạt động giám sát cũng như chất lượng hoạt động giám sát của HĐND, HĐND thành phố sẽ gửi Thông báo kết quả giám sát đến tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan; phân công các Ban, các Tổ cũng như đại biểu HĐND theo dõi giám sát việc thực hiện các nội dung kiến nghị; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND trong đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến việc thực hiện nội dung kiến nghị và phối hợp cùng Thường trực UBMTTQ trong giám sát kết quả thực hiện.

Thường trực HĐND thành phố Hải Dương nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Thường trực HĐND với UBND, UBMTTQ và các cơ quan liên quan khác; duy trì và tăng cường thực hiện các Quy chế phối hợp trong các hoạt động của HĐND, nhất là hoạt động giám sát. Trong đó, HĐND, UBND cần phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội để HĐND, UBND có thêm thông tin trước khi quyết định. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp hoạt động giữa Tổ đại biểu HĐND và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương trong việc tham gia hoạt động giám sát, trong tiếp xúc với cử tri để tạo điều kiện cho các đại biểu HĐND trao đổi thông tin về kiến thức pháp luật, tình hình chấp hành pháp luật nói chung, cũng như trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng giám sát của HĐND. Cùng với đó, phát huy vai trò ủy ban MTTQ trong giám sát chương trình hành động và hoạt động của từng đại biểu dân cử.

 

Theo NGUYỄN ÁNH/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều