Ninh Thuận trên con đường phát triển. Ảnh: TL
Theo TTCP, nhìn chung trong giai đoạn từ 2014 đến 2018, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã được UBND tỉnh Ninh Thuận và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện theo các quy định của Nhà nước.
UBND tỉnh đã phê duyệt và trình phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, làm căn cứ pháp lý cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Việc quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (giai đoạn năm 2010 và định hướng đến năm 2020) đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 309/2008/QĐ-UBND ngày 05/11/2008 và được điều chỉnh tại Quyết định số 70/QĐ-UBND ngày 06/12/2012, Quyết định số 88/2018/QĐ-UBND ngay 09/10/2018.
Công tác quản lý nhà nước về đàu tư xây dựng được UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung chỉ đạo ngay sau khi Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn... có hiệu lực.
Về cơ bản, các quy định đã được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng văn bản, tạo cơ sở cho các cơ quan, địa phương trong tỉnh thực hiện, về tố chức bộ máy quản lý đầu tư xây dựng, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý dự án đầu tư xây dựng theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ; từ 14 Ban quản lý dự án (Ban QLDA) của tỉnh và huyện, đến năm 2017, còn 11 Ban cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, được cấp chứng nhận hoặc xác nhận năng lực hoạt động xây dựng theo quy định.
Việc quy hoạch và thực hiện các quy hoạch trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2018 đã có 267 quy hoạch được cấp có thấm quyền phê duyệt, trong đó 44 quy hoạch tổng thể (07 quy hoạch tổng thê phát triên kinh tế - xã hội huyện; 37 quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của tỉnh) và 223 quy hoạch xây dựng (08 quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, huyện; 05 quy hoạch chung xây dựng; 09 quy hoạch phân khu; 83 quy hoạch chi tiết; 118 quy hoạch xây dựng nông thôn).
Việc lập, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn; tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công đã được UBND tỉnh thực hiện theo quy định.
Đối với những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong Kết luận của TTCP, lãnh đạo Chính phủ cũng đã đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện các kiến nghị của TTCP, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và quản lý đầu tư xây dựng.
Phan Anh Tuấn