Nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với chính quyền cấp cơ sở
Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc các cấp đổi mới và đưa ra các giải pháp mới, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các quy định của Hiến pháp, pháp luật về thực hiện dân chủ, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát chính quyền các cấp, trong đó có chính quyền cấp cơ sở. Trong đó, bám sát các chủ trương, đường lối thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và phải kịp thời cập nhật được các chủ trương, chính sách và quy định mới có liên quan của Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với chính quyền cấp cơ sở được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá khách quan, khoa học những kết quả, hạn chế, vướng mắc trong công tác giám sát thời gian qua; rút ra được nguyên nhân của những kết quả, hạn chế, vướng mắc để xác định các giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, vướng mắc.
Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với chính quyền cấp cơ sở không chỉ là yêu cầu, là trách nhiệm đặt ra cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở, mà xác định rõ đây là yêu cầu, trách nhiệm của cả hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, các giải pháp đặt ra hướng vào việc đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức, nội dung hoạt động của cả hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở. Phát huy vai trò của cả hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện giám sát chính quyền cấp cơ sở... phù hợp với vai trò, trách nhiệm của từng cấp, từng thiết chế trong hệ thống Mặt trận.
Thứ tư, các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với chính quyền cấp cơ sở, góp phần huy động và tổ chức thực hiện có hiệu quả, nhất là sự ủng hộ, tham gia của người dân, trực tiếp là những người dân trên địa bàn - những người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chính quyền cấp cơ sở. Đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng, hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát đối với chính quyền cấp cơ sở của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với chính quyền cấp cơ sở
Cần nâng cao ý thức chính trị, pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân thông qua việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Nhân dân; về tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải không ngừng đổi mới nhận thức, nâng cao sự thống nhất nhận thức về vai trò của hoạt động giám sát, về trách nhiệm của tổ chức mình, cá nhân mình. Giám sát là một nhiệm vụ khó khăn, nhạy cảm nhưng cũng là lĩnh vực thể hiện rõ nhất trách nhiệm, hiệu quả hoạt động, nên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và quan trọng nhất.
Tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với chính quyền cấp cơ sở
|
Quang cảnh Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tháng 3/2024 |
Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng về mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để Mặt trận và Nhân dân tham gia giám sát chính quyền.
Năm 2022, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện sơ kết, đánh giá quá trình gần 10 năm thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội (ban hành theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị); đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, qua gần 10 năm thực hiện đã đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế giám sát và phản biện xã hội nhằm tiếp tục hoàn thiện hơn cơ chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên; xác định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là các đảng viên giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy chính quyền đối với hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quy định cụ thể hơn cơ chế tiếp thu, giải trình những kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát.
Việc kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh thuộc chính quyền cấp cơ sở là hoạt động giám sát rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành có quy định về việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp có quyền kiến nghị Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu (Điều 86) nhưng do hiện nay các văn bản có liên quan chưa có quy định, hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện quyền này nên trên thực tế, hầu như chưa có nơi nào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện được. Vì vậy, đề nghị cần sớm bổ sung trong các văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục này.
Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành, cần nghiên cứu ban hành mới một số luật, trước hết là Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân, Luật Dân nguyện nhằm thể chế hóa đầy đủ, rõ ràng một cách có hệ thống về nội dung, hình thức, cơ chế, các bảo đảm và hệ quả pháp lý của hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như đối với các phản ánh, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Nhân dân.
Tăng cường hướng dẫn, giám sát, kiểm tra và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với chính quyền
Tổ chức tốt việc tiếp tục hướng dẫn, thể chế hóa và thực hiện nghiêm túc các quy định về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị); Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ban hành “Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ;
Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các quy định khác của Đảng liên quan đến việc góp ý, giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tại địa phương;
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại và các văn bản khác có liên quan... Trong đó, chú trọng việc tăng cường giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với đảng viên, cán bộ, công chức và chính quyền cấp cơ sở nhằm phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cần có điều kiện bảo đảm, phương án bảo vệ cho những tổ chức, cán bộ làm công tác Mặt trận dũng cảm đấu tranh, phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức thuộc chính quyền cấp cơ sở.
Đổi mới phương thức giám sát và tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức khác trong quá trình giám sát
Trong tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần thực hiện đồng bộ, đa dạng các hình thức giám sát. Hằng năm, phải có chương trình, kế hoạch giám sát một cách cụ thể, chi tiết, xác định được trọng tâm, trọng điểm giám sát; bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, yêu cầu chính trị ở địa phương và những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của Nhân dân. Hoạt động giám sát phải được thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả, không chạy theo hình thức.
Trong giám sát đối với chính quyền cấp cơ sở giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cần chú trọng vai trò đầu mối tổ chức, chủ trì phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nhằm phát huy vai trò của các tổ chức thành viên; chú ý việc phân công hợp lý giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Những vấn đề lớn liên quan đến quyền và nghĩa vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò chủ trì, điều phối các tổ chức thành viên cùng tham gia. Các vấn đề chuyên biệt liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội nào thì tổ chức đó chủ động tiến hành hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên khác cùng tham gia.
Cần tiến tới luật hóa một cách cụ thể, đầy đủ mối quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên và giữa các tổ chức thành viên với nhau trong việc hiệp thương, phối hợp hành động để thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở.
Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và giám sát đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở nói riêng chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt khi có sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Vì vậy, cần tăng cường sự phối hợp, kết hợp giữa hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm sát của các cơ quan nhà nước, hoạt động kiểm tra của Đảng...
Đặc biệt, cần chú trọng việc phối hợp giữa hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Bởi vì hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân là hoạt động giám sát mang tính quyền lực nhà nước, khi được kết hợp với hoạt động giám sát mang tính xã hội, tính nhân dân của Mặt trận sẽ tạo ra một cơ chế bảo đảm cho hoạt động giám sát của Nhân dân được tiến hành có hiệu quả hơn trên thực tế.
Năng lực, sức mạnh của Nhân dân là vô hạn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần đổi mới phương thức vận động, tập hợp để huy động và tổ chức để Nhân dân cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát đối với việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của chính quyền cấp cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần phải sâu sát hơn với quần chúng nhân dân, đoàn viên, hội viên để lắng nghe ý kiến phản ánh về chính quyền cấp cơ sở, về cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở, trong tổ chức thực hiện cần chú ý đa dạng hóa các phương thức, giải pháp giám sát; các phương thức, giải pháp phải bảo đảm có tính “mở” để có thể vận dụng phù hợp với các đặc điểm riêng về vùng, miền, dân cư, truyền thống và điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
Tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy, nhân sự và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần xây dựng tổ chức bộ máy và nhân sự làm công tác Mặt trận, nhất là ở cấp cơ sở thực sự vững mạnh, đủ về số lượng và đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức hoạt động một cách khoa học, hợp lý. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần thu hút và sử dụng những người thực sự có đức, có tài, có dũng khí, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong hoạt động giám sát. Mặt trận cần có các biện pháp nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức tốt.
Phải coi trọng phát huy vai trò của Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phân công trách nhiệm cụ thể cho các Ủy viên Ủy ban; tập hợp xây dựng các tổ chức tư vấn và đội ngũ chuyên gia có trình độ chính trị, chuyên môn, có chính kiến và tư duy độc lập, thực sự có tâm, nắm và hiểu được nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở phải rất coi trọng xây dựng đội ngũ và phát huy vai trò của các Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; thực hiện tốt các quy định về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và các bảo đảm cần thiết cho hoạt động của chức danh này, cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Đồng thời, cũng cần tập hợp và phát huy vai trò những người tiêu biểu có uy tín ở trong cộng đồng, thông qua họ để động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ, giám sát và đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở.
Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thường xuyên tổ chức các hình thức bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho những người làm công tác Mặt trận (gồm cả chuyên trách và không chuyên trách) ở cấp cơ sở về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy trình, thủ tục, kỹ năng giám sát. Cần phối hợp với chính quyền để bảo đảm điều kiện về tài chính, vật chất thực thi công tác giám sát; có chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích cán bộ làm công tác Mặt trận.
NGUYỄN QUANG MINH
Tiến sĩ, Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam