|
Bị can Nguyễn Ðức Chung (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) có vai trò chủ mưu và quyết định việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C trái pháp luật. |
Vụ án đã chỉ ra những “lỗ hổng” trong công tác quản lý, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, quản lý; về kiểm tra, giám sát hoạt động mua sắm, quản lý tài sản công; về nhận diện mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với các doanh nghiệp để trục lợi...
Liên quan hai vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan, mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành các cáo trạng.
Theo đó, bị can Nguyễn Ðức Chung (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) có vai trò chủ mưu và quyết định việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C trái pháp luật; phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước để công ty gia đình được hưởng khoản lợi nhuận không chính đáng, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 36 tỷ đồng.
Trước đó, trong vụ án thao túng hoạt động đấu thầu xảy ra tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan, cáo trạng đã chỉ rõ, bị can Nguyễn Ðức Chung đã chỉ đạo các bị can là lãnh đạo Sở khi đó, thực hiện hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu trong quá trình triển khai chủ trương xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử…
Qua một số vụ án tương tự cho thấy, có sự “bắt tay ngầm” giữa một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, người đứng đầu thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp trong hoạt động đấu thầu, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm thu lợi bất chính. Hệ quả nguy hại là số lượng lớn tài sản nhà nước bị thất thoát, cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, làm tổn hại uy tín hệ thống cơ quan công quyền và suy giảm niềm tin của nhân dân.
Ðể góp phần kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa và đấu tranh mạnh mẽ với tiêu cực trong lĩnh vực mua sắm tài sản công, thời gian qua, Nhà nước đã tập trung xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng lợi dụng việc công để thu lợi riêng, nhất là hiện tượng cấu kết, thông đồng đấu thầu vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, phức tạp. Do đó, song song tăng cường áp dụng và thực thi hiệu quả các văn bản pháp luật liên quan, cần tạo lập, duy trì và thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, bảo đảm tính công khai, minh bạch về thông tin liên quan hoạt động mua sắm tài sản công; khuyến khích gia tăng số lượng đơn vị dự thầu để có lựa chọn tốt nhất; ngăn chặn hiệu quả việc thông đồng để thực hiện các hành vi phi pháp.
Từ thực tế phức tạp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thời gian qua cũng cho thấy thêm một vấn đề cần được xem xét, đó là việc nhận diện mối quan hệ không bình thường giữa một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với các doanh nghiệp, nhằm vụ lợi cá nhân. Nhận diện để có giải pháp đấu tranh, ngăn ngừa hiệu quả, nhất là trong tình hình hiện nay, như Trung ương đã nhận định, một bộ phận cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân; nguyên tắc tập trung dân chủ còn bị buông lỏng; việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể, thực hiện không nghiêm... Thực tế đó đòi hỏi việc nhận diện các mối quan hệ không bình thường một cách cụ thể, chính xác, cùng với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, để phòng, chống hiệu quả mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ, “bảo kê” các hoạt động phi pháp của doanh nghiệp, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính...
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, qua tiến hành kiểm tra, xử lý một số tổ chức đảng, đảng viên, nhiều khuyết điểm, vi phạm xuất phát từ gốc xây dựng thể chế còn sơ hở, bất cập. Do đó, xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Ðảng xác định là một trong các đột phá. Với phương châm: chủ trương, chính sách pháp luật đến đâu thì kiểm tra, giám sát tới đó, nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư đã chỉ đạo phải tập trung kiểm tra, giám sát trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các đột phá, phòng, chống tiêu cực, nhất là các vi phạm trong xây dựng thể chế, chính sách cục bộ, lợi ích nhóm. Việc thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực thi chính sách, pháp luật sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả những hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi từ cơ chế để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
Theo LÊ VY/Báo Nhân dân