|
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.Ảnh: Kỳ Anh
|
Giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp là một nhiệm vụ cần thiết, quan trọng trong công tác Mặt trận nhằm xây dựng bộ máy chính quyền các địa phương, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Cùng với việc giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan hữu quan kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, thực hiện công tác hòa giải, tuyên truyền, vận động người dân, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở, giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật.
Theo Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 20241, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì giám sát chuyên đề về giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Đây là một nội dung giám sát chuyên đề được triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh giám sát đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện giám sát đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Việc thực hiện giám sát khá linh hoạt, giám sát thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét báo cáo hoặc thành lập Đoàn giám sát tổ chức giám sát tại một số địa phương, cơ sở tùy theo tình hình thực tế. Nội dung giám sát tập trung vào một số vấn đề như: việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; trách nhiệm thực hiện pháp luật tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Việc thực hiện các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cụ thể như sau:
|
Quang cảnh Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tháng 3/2024 (Ảnh minh họa) |
Giám sát đối với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong việc chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Giám sát việc chỉ đạo ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan trực tiếp đến công tác tiếp công dân, tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Các văn bản chỉ đạo cần đảm bảo thể chế hóa đúng chủ trương, chính sách về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Việc ban hành các Quy định, Quy chế liên quan đến tiếp dân, quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Giám sát về việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; công tác bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất tại Trụ sở tiếp công dân, điểm tiếp công dân các cấp; việc phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, với Trung ương và các cấp, ngành địa phương; việc tiếp nhận, xử lý đơn, cập nhật, lưu trữ hồ sơ giải quyết vụ việc vào hệ thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo...
Giám sát về trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân
Giám sát việc bố trí nơi tiếp công dân ở các địa phương, việc trang bị cơ sở vật chất, các thiết bị cần thiết bảo đảm phục vụ tốt công tác tiếp công dân thường xuyên và định kỳ tại Trụ sở Tiếp công dân. Giám sát thực hiện lịch tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Nội quy tiếp công dân; Quy chế tiếp công dân; việc ban hành các văn bản hướng dẫn về quy trình tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tại Trụ sở Tiếp công dân; việc đăng tải lịch tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trên cổng thông tin điện tử ở địa phương, cơ sở; Giám sát về việc phân công cán bộ thực hiện tiếp công dân theo quy định2.
Giám sát về thực hiện tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo quy định tại Luật Tiếp công dân3. Giám sát về trách nhiệm của người đứng đầu, tính nêu gương của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc chỉ đạo giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch, việc chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Giám sát về trách nhiệm đối thoại trực tiếp với công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân để xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; đồng thời trách nhiệm trong chỉ đạo Thủ trưởng các cấp, các ngành có thẩm quyền tăng cường đối thoại với công dân để giải thích, trả lời những bức xúc, vướng mắc, kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Việc ban hành thông báo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân sau tổ chức đối thoại.
Giám sát về trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
Giám sát quá trình tiếp nhận, phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện quy trình, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, vào sổ, lưu trữ; quy trình làm việc với các cá nhân, tổ chức liên quan khiếu nại, tố cáo trong quá trình kiểm tra, xác minh vụ việc; yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm trả lời theo quy định Luật khiếu nại, Luật tố cáo. Việc chỉ đạo, phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo các vụ việc phức tạp, kéo dài, công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong vận động, thuyết phục công dân thực hiện nghiêm túc các quy định có liên quan.
Giám sát việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Giám sát trách nhiệm của người đứng đầu, trong thực hiện nhiệm vụ công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Quy định số 124 của Bộ Chính trị4. Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp và xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; công tác đối thoại, hòa giải, vận động công dân thực hiện nghiêm quyền và trách nhiệm, giảm thiểu khiếu nại, tố cáo không đúng từ cơ sở.
Giám sát về trách nhiệm của người đứng đầu trong thụ lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền; thực hiện tốt công tác phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, có biện pháp phòng ngừa các vụ việc phức tạp có thể xảy ra, góp phần giảm thiểu khiếu nại, tố cáo vượt cấp; tổ chức thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, bản án giải quyết các vụ án hành chính, tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật; chủ động trao đổi với các tổ chức, cá nhân có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nghiêm cấm việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Quá trình giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp được kết quả đạt được, những ưu điểm và phát hiện những hạn chế, bất cập trong thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, cụ thể:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; đã bám sát các quy định của pháp luật, yêu cầu chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy; ban hành Quy chế phối hợp tiếp công dân giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân…
Ở nhiều địa phương, công tác tiếp công dân bảo đảm đúng quy định Luật tiếp công dân, các buổi tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; ngoài ra nhiều địa phương còn tăng cường các Phó Chủ tịch tiếp công dân đột xuất khi cần thiết để tiếp nhận và chỉ đạo xử lý kịp thời, giảm thiểu tình trạng khiếu nại bức xúc, vượt cấp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã tăng cường chỉ đạo rà soát, đầu tư đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động công tác tiếp công dân, tiếp nhận giải quyết đơn thư chất lượng, hiệu quả được nâng lên; chú trọng quan tâm đến chính sách của cán bộ tiếp công dân và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo được Ủy ban nhân dân xem xét, giải quyết kịp thời, đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có sự phối hợp chặt chẽ của các sở ngành, nhiều tỉnh còn tổ chức tham vấn của Hội đồng tư vấn trong quá trình giải quyết vụ việc. Quá trình thực hiện tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục, thực hiện công khai, khách quan, đảm bảo chất lượng hiệu quả, quan tâm đến lợi ích của người dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, xem xét, giải quyết, gắn với thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường công tác đối thoại với những đơn phức tạp, kéo dài, vượt cấp nhằm giải quyết dứt điểm, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân chưa tốt, làm cho quá trình tiếp nhận, xem xét giải quyết vụ việc gặp khó khăn; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế nên có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng quy định pháp luật. Có những vụ việc đã được giải quyết nhiều lần, đúng quy định, có lý, có tình nhưng người khiếu nại vẫn không chấp nhận kết quả giải quyết, thậm chí có những phản ứng tiêu cực.
Ở một số địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân chưa thực hiện đầy đủ việc tiếp công dân định kỳ theo quy định, còn tình trạng ủy quyền cho cấp dưới tiếp công dân; việc tổ chức tiếp dân còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Việc giải quyết một số đơn khiếu nại, tố cáo của một số địa phương, nhất là ở cấp xã, phường, phòng, ban còn chậm, chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao. Một số nội dung đơn khiếu kiện của công dân chưa được xem xét, giải quyết một cách thấu đáo, chính xác, từ đó dẫn đến việc công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo sau khi đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền có lúc chưa thường xuyên, chưa kịp thời.
Việc cập nhật thông tin tiếp nhận, xử lý đơn thư đã thực hiện đúng theo mẫu, việc lưu trữ hồ sơ cơ bản theo đúng quy định, tuy nhiên, việc cập nhật về nội dung vụ việc khiếu nại, tố cáo cần được ghi chi tiết, quá trình giải quyết, kết quả xử lý cần cập nhật đầy đủ hơn để thuận tiện cho công tác theo dõi.
Cán bộ thực hiện công tác tiếp công dân ở cơ sở còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo có lúc chưa kịp thời; chế độ chính sách hỗ trợ cho cán bộ làm công tác này ở cơ sở cần được quan tâm nhiều hơn để động viên, khuyến khích kịp thời.
Để nâng cao trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về tiếp công dân, cần thực hiện một số nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục rà soát các quy định pháp luật nhằm khắc phục kịp thời những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là việc thực hiện các quy định pháp luật về đất đai, liên quan đến lĩnh vực thu hồi đất, hỗ trợ, bồi thường tái định cư, bảo đảm tính khả thi, kịp thời và thống nhất trong thực hiện. Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, trong đó quan tâm đến một số quy định cụ thể để khắc phục những hạn chế, bất cập. Thanh tra Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, bảo đảm tính liên thông giữa Thanh tra Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp5.
Thứ hai, đề nghị các cấp ủy tiếp tục quan tâm lãnh chỉ đạo quán triệt, đề cao trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, kịp thời xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tránh tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài; quan tâm chú trọng việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết những phản ánh, kiến nghị ngay từ cơ sở, bảo đảm quyền lợi hợp pháp chính đáng của công dân, tăng cường sự đồng thuận trong Nhân dân, giữ vững an ninh chính trị địa phương, cơ sở; chỉ đạo quan tâm đến chế độ, chính sách và dành nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ ba, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị ở địa phương, chú trọng công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết kịp thời, đúng quy định; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời; bảo đảm sự công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết. Tăng cường công tác đối thoại trực tiếp với người dân, chỉ đạo các ngành, các đơn vị có liên quan giải quyết kịp thời, thực hiện việc công khai, minh bạch đối với kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân; phát huy dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở.
Thứ tư, Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân trực tuyến giữa Trung ương với địa phương; quan tâm đến chế độ, chính sách đối với cán bộ tiếp dân; ưu tiên nguồn Ngân sách của địa phương hỗ trợ đầy đủ các chính sách cho cán bộ làm công tác tiếp dân và xử lý đơn thư; kịp thời động viên, khen thưởng những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; định kỳ thực hiện sơ kết, tổng kết để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, đề xuất, kiến nghị những bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Thứ năm, đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục quan tâm đến công tác tiếp công dân, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân và các cơ quan, đơn vị trong xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường tuyên truyền pháp luật liên quan nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tránh tình trạng lợi dụng quyền công dân để khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự; tăng cường công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhất là những địa bàn phức tạp, có nhiều dự án thu hồi đất, kịp thời giải thích cho Nhân dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo.
Thứ sáu, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, quan tâm giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện có hiệu quả việc giám sát theo Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân.
Chú thích:
1. Kế hoạch số 870/KH-MTTW-BTT ngày 11/4/2024 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
2. Theo Nghị định 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2021 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân.
3. Theo Luật Tiếp công dân: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp cần thiết; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 2 ngày trong 1 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp cần thiết; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp dân ít nhất 1 ngày trong 1 tuần và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp cần thiết.
4. Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân.
5. Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
QUẢN THỊ THANH HẢI - Thạc sĩ, Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam