Sau gần 20 năm được phê duyệt dự án, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đến từ phía chính quyền địa phương, dự án khu đô thị An Dương biến thành đống hoang tàn, đổ nát, đẩy doanh nghiệp vào “thảm cảnh” đầu tư.
Theo tính toán sơ bộ, Công ty TNHH Xây dựng IDC (Công ty IDC) - chủ đầu tư dự án khu đô thị An Dương đã phải hao phí số tiền ước tính hàng trăm tỷ đồng để san lấp hồ, giải phóng mặt bằng, hoàn thành một số hạng mục công trình… phục vụ dự án. Trong quá trình triển khai, Công ty IDC huy động hết mọi nguồn lực trong và ngoài công ty, hoàn thiện đồ án quy hoạch khu đô thị mới kiểu mẫu, quy mô, bài bản, văn minh, hiện đại, mang tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, qua gần 30 năm thực hiện, đến nay, các cấp ngành của Hà Nội vẫn chây ì thanh toán nghĩa vụ tài chính, chậm trễ hoàn trả lại suất đầu tư khiến doanh nghiệp lâm cảnh lao đao, khốn cùng, hoạt động cầm chừng vì thiếu vốn kinh doanh, tái đầu tư sản xuất.
Doanh nghiệp quyết tâm làm, dự án treo vẫn hoàn treo
Bắt đầu thực hiện từ năm 1989, kể từ khi UBND phường Yên Phụ ký hợp đồng liên doanh với Công ty VACNIVA để tiến hành san lấp hồ An Dương, thực chất vào thời điểm đó toàn bộ kinh phí thi công công trình là của Tổ Xây dựng Tiên Tiến xá Dị Nậu, huyện Thạch Thất.
Tiếp đến, năm 1990, UBND thành phố Hà Nội có quyết định cấp cho UBND quận Ba Đình sử dụng 8.400 m2 đất tại hồ An Dương, phường Yên Phụ với mục đích xây dựng nhà ở và làm cơ sở sản xuất. Cùng năm, UBND quận Ba Đình ban hành công văn số 700/CV-UB không chấp thuận hợp đồng liên doanh giữa UBND phường Yên Phụ với Công ty VACNIVA. Để công việc san lấp hồ An Dương được tiếp tục triển khai, quận Ba Đình đã ký hợp đồng san lấp với Tổ Xây dựng Tiên Tiến xã Dị Nậu. Sau một thời gian, Tổ Xây dựng Tiên Tiến xã Dị Nậu vỡ nợ do đó việc san lấp bị gián đoạn. Đồng thời, nhằm giải quyết vấn đề này, Công ty Phát triển và Đầu tư Xây dựng có văn bản đề nghị UBND quận Ba Đình xin được đầu tư tiếp cho công trình và chịu trách nhiệm thanh toán khối lượng công việc mà Tổ Xây dựng Tiên Tiến xã Dị Nậu đã thi công.
Năm 1992, Ban Quản lý các công trình xây dựng (thuộc UBND quận Ba Đình) ký hợp đồng nguyên tắc số 10/HĐ với Công ty Phát triển và Đầu tư Xây dựng. Tuy nhiên, sau này, Thanh tra thành phố Hà Nội đã phát hiện một số sai phạm của UBND quận Ba Đình và Ban Quản lý các công trình xây dựng trong quản lý đầu tư xây dựng. Qua đó, kiến nghị thu hồi hợp đồng nguyên tác số 10 ngày 20/01/1992; hủy bỏ hợp đồng ngày số 124/HĐ được ký giữa Ban Quản lý các công trình xây dựng với Công ty Phát triển và Đầu tư Xây dựng.
Ý tưởng "có cánh" về một đô thị, văn minh hiện đại dần lụi tàn theo thời gian.
Đến thời điểm đó, Công ty Phát triển và Đầu tư Xây dựng đã hoàn thành việc san lấp mặt bằng còn lại, xây dựng xong hệ thống cống thoát nước, thanh toán tiền đền bù đợt I cho 36 hộ dân. Công việc phải dừng lại vì thanh toán GPMB đợt II gặp nhiều khó khăn, một số hộ dân không chịu di chuyển, viết đơn thư khiếu nại.
Sang năm 1996, Ban Quản lý các công trình xây dựng quận Ba Đình đã có công văn số 175 CV/BQL báo cáo UBND quận Ba Đình về kết quả làm việc ngày 26/3/1996 và ngày 17/5/1996 của các phòng chức năng thống nhất số tiền Công ty Phát triển và Đầu tư Xây dựng đã đầu tư là: 725.037.505 đồng, ngoài ra còn hai khoản kinh phí: Chi trả cho Tổ Xây dựng Tiên Tiến xã Dị Nậu đã san lấp khối lượng ban đầu là 210.000.000 đồng và chi phí cho hoạt động của Công ty là 178.273.000 đồng đề nghị giải trình làm cơ sở xem xét.
Ngày 14/8/1996, UBND quận Ba Đình gửi công văn báo cáo UBND thành phố nội dung trên, trong đó kiến nghị UBND thành phố thu hồi diện tích đất đã giao cho UBND quận Ba Đình, giao cho Công ty Phát triển và Đầu tư Xây dựng (đã đổi tên thành Công ty TNHH Xây dựng IDC) được thuê đất hoặc xây dựng nhà ở để bán. Năm 1997, UBND đã quyết định thu hồi 8.400m2 đất, phục vụ xây dựng nhà tái định cư giải phóng mặt bằng, thống nhất trích ngân sách Thành phố thanh toán kinh phí đã đầu tư hợp pháp trên khu đất này.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty IDC sử dụng đất để xây dựng xây dựng khu nhà ở và văn phòng làm việc tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Ngày 28/9/1999 tại Quyết định số 914/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thu hồi 13.970m2 đất (bao gồm 8.400m2 đất do UBND quận Tây Hồ quản lý và 5.570m2 đất do UBND phường Yên Phụ và các hộ dân quản lý, sử dụng), giao cho Công ty IDC sử dụng toàn bộ diện tích xây dựng nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng kinh doanh và văn phòng làm việc. Trong đó, diện tích xây dựng nhà ở kinh doanh: 6.529m2; diện tích xây dựng 30 căn hộ thu nhập thấp; diện tích 5.441m2 xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu đất, sau khi xây dựng xong bàn giao cho UBND thành phố để giao cho các cơ quan chuyên ngành quản lý khai thác; diện tích 1.011m2 đất cho Công ty xây dựng công trình công cộng kinh doanh và văn phòng làm việc.
Dự án mới đã qua thẩm định của nhiều Bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mang nhiều kỳ vọng góp phần thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô. Khi đó, đồ án quy hoạch được chính quyền Hà Nội đánh giá cao và các đơn vị của thành phố đều ngợi khen về tính chất, quy mô dự án mà Công ty IDC ngày đêm vun đắp, triển khai thực hiện. Khi trúng dự án, ban lãnh đạo Công ty IDC không ngần ngại “bỏ trứng vào một giỏ”, hoàn toàn đặt niềm tin vào thành phố Hà Nội, bằng việc Công ty chi lớn, thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền một lần vào ngân sách với số tiền sử dụng đất 6.083.834.000 đồng; tiền thuê đất 25 năm là 121.323.000 đồng.
Được đánh giá là đơn vị đi tiên phong tiếp cận loại hình đầu tư mới, thế nhưng, với thời gian kéo dài gần 20 năm, Công ty chỉ giải phóng mặt bằng được 7.901m2, phần diện tích còn lại khoảng 6.069m2 đất chưa giải phóng mặt bằng; một số diện tích đất mặt hồ đã san lấp trước đây bị lấn chiếm, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư và sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, do dự án chưa thực hiện xong nên một số chế độ tài chính liên quan đến chủ đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm.
Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự bất nhất, thiếu quyết liệt, cũng như thái độ thờ ơ, vô cảm, bàng quan, đứng ngoài cuộc của UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Tây Hồ và các Sở, ban, ngành của thành phố đã gián tiếp đẩy Công ty IDC vào tình cảnh muôn vàn khó khăn, gây nhiều hệ lụy phiền toái, làm tê liệt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mất thời gian cho việc giải quyết hồ sơ, thủ tục kéo dài.
Chính quyền vô tâm, đẩy dự án vào "cửa tử"
Ngày 25/6/2001, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3563/QĐ-UB phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất, giao cho Công ty IDC đầu tư xây dựng nhà ở và văn phòng. Theo quyết định này, nhà nước có trách nhiệm giao cho Công ty IDC 2.348 m2 đất tại quận Tây Hồ để tái định cư cho các hộ dân khi giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, vì nhà nước không giao 2.348 m2 đất kể trên cho Công ty IDC và cũng không thành lập Ban hỗ trợ, bồi thường giải phòng mặt nên không thể thực hiện bàn giao 6.069m2 đất còn lại cho Công ty IDC mặc dù Công ty này đã nộp đầy đủ tiền sử dụng đất.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, trên phần đất chưa bàn giao cho Công ty IDC thực hiện dự án có 72 hộ gia đình đang sinh sống, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thậm chí, người dân tứ xứ từ nơi khác đổ về, “nhảy dù” lấn chiếm đất hồ An Dương, lấn chiếm đất công trước và sau năm 1992. Các hộ dân này hầu hết sống trong điều kiện khó khăn, nhà cửa xập xệ, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng khu đất chưa giải phóng mặt bằng càng bi đát hơn, nhiều thành phần bất hảo, nghiện ngập tụ tập về đây hút, chích hình thành khu “ổ chuột” giữa lòng Thủ đô gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Theo chủ đầu tư cho biết: “Ngày 20/1/2016, Thanh tra Chính phủ có Thông báo số 148/TB-BTCDTW, khẳng định dự án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nguyên nhân của dự án kéo dài là do chính sách pháp luật được điều chỉnh và thay đổi, do không có đất tái định cư… Để khắc phục hậu quả làm tổn thất cho doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ đã giao cho UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Công ty IDC tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Ngày 28/3/2016, Văn phòng Chủ tịch nước ban hành số 399/VPCTN-PL-m thông báo ý kiến của Chủ tịch nước yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm đúng quy định của pháp luật tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và báo cáo Chủ tịch nước kết quả”.
Thật khó lý giải, một vụ việc tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai, Hà Nội đã mất tới gần 30 năm đưa ra mổ xẻ, phân tích, xem xét đề nghị của Công ty IDC hoàn trả lại kinh phí san lấp hồ An Dương.
Ngày 27/5/2016, thay vì đưa ra phương án giải quyết dứt điểm, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội lại một lần nữa cho doanh nghiệp ăn thêm “bánh vẽ” khi ban hành Văn bản số 4307/VP-KT, truyền đạt ý kiến Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Cục Thuế Hà Nội, UBND các quận Tây Hồ, Ba Đình phối hợp với các Sở ngành liên quan làm rõ nội dung hạch toán chi phí san lấp trong kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty IDC; sử dụng số liệu của Ban quản lý công trình xây dựng quận Ba Đình để xác định số tiền đã đầu tư san lấp là 725.037.505 đồng và phân bổ chi phí (nếu có) cho các diện tích đất Công ty được giao thực hiện dự án.
Văn bản số 4370/VP-KT của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội.
Trớ trêu thay, trong khi chủ đầu tư dự án khu đô thị An Dương mong mỏi từng phút, từng giây hồi sinh dự án, vực lại uy tín, vị thế đã mất của doanh nghiệp, nhận lại thành quả sau nhiều năm chờ đợi thì ông Nguyễn Doãn Toản lại yêu cầu bộ máy cồng kềnh, “đủng đỉnh” xác minh bổ sung thêm việc mà 4 tháng trước đó, ông Vũ Hồng Khanh khi còn tại vị chức Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tại Thông báo số 04/TB-VP ngày 06/01/2016.
Cần nói thêm rằng, đây không phải là số tiền doanh nghiệp đi xin thành phố, mà là trách nhiệm của chính quyền địa phương phải thanh toán cho Công ty IDC để đơn vị này có tiền trang trải các chi phí đã bỏ ra.
Để vụ việc tránh đi vào lối cũ, theo kiểu “đá bóng” trách nhiệm, “ra văn bản cho xong… rồi để đấy”, Thường trực Thành ủy, Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội, cùng các Sở, ngành liên quan sớm ban hành văn bản cần thiết nhằm khắc phục hậu quả làm tổn thất doanh nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án khu đô thị mới An Dương được triển khai nhanh chóng và hoàn thành theo tiến độ mới đã được chủ đầu tư đặt ra.
* Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.
|
Khởi Nguyên