1h sáng nay (17/7), ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) xác nhận có sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang.
Cũng theo ông Trinh, trong quá trình kiểm tra cũng đã xác minh được đối tượng gây ra sai phạm này. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục tập hợp chứng cứ để có kết luận cuối cùng về sự việc.
Để làm rõ hơn những vấn đề pháp lý liên quan đến sự việc này, chúng tôi đã PV luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla.
Thưa luật sư liên quan đến vụ việc ở Hà Giang đang hết sức được chú ý trong những ngày gần đây, nếu sau khi kiểm tra, rà soát phát hiện có tiêu cực, sai phạm thì trách nhiệm thuộc về ai?
Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cần nhìn vụ việc một cách toàn diện nhất, xem xét lại vụ việc trong tất cả các khâu trong kỳ thi.
Để có thể phát hiện ra sai phạm thì Ban chỉ đạo thi cũng như đòan kiểm tra cần tiến hành kiểm tra trong tất cả các khâu từ việc ra đề thi, bảo quản đề thi, đến khâu coi thi, chấm thi… cho học sinh như thế nào, nếu phát hiện sai phạm ở khâu nào thì phải xử lý ở khâu đó và người chịu trách nhiệm trước tiên sẽ là những người được giao nhiệm vụ trong việc thực hiện những khâu đó, sau đó cần phải xem xét đến trách nhiệm của người quản lý đã để xảy ra tình trạng tiêu cực nêu trên.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang. Ảnh: Lao Động
Theo quy chế thi đã được Bộ giáo dục và đào tạo ban hành thì việc xử lý vi phạm như sau:
Theo đó, người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật theo các hình thức sau:
Cảnh cáo đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi như để cho thí sinh quay cóp; Mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi đã được quy định; Chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót; Ra đề thi vượt quá phạm vi chương trình THPT; Truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định của Bộ GDĐT.
Tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi sau: Ra đề thi sai; Trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi; Lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác; Gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh.
Đặc biệt, buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau: Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; Làm lộ số phách bài thi; Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; Gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.
Quy chế cũng nêu rất rõ: Người tham gia tổ chức thi và những người có liên quan đến việc tổ chức thi không phải là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), tùy theo mức độ, sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật về lao động; Bị đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học (nếu là học sinh, sinh viên, học viên) khi có một trong các hành vi sai phạm quy định.
Các hình thức xử lý vi phạm quy định trên do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định theo quy trình quy định. Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có thể cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 đến 5 năm.
Trong vụ việc xảy ra tại Hà Giang, có thể xem xét xử lý vi phạm hình sự hay không thưa luật sư?
Về vấn đề xử lý hình sự chúng ta cần xem xét các hành vi cụ thể của từng cá nhân, mức độ hành vi, hậu quả xảy ra mới có thể tiến hành khởi tố vụ án hình sự. Những người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội sau đây:
Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật hình sự năm 2015 như việc không quản lý chặt chẽ để lộ đề thi có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về: “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 BLHS. Tùy theo mức độ hành vi, hậu quả mà bị xử phạt không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 13 năm tù giam.
Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác theo Điều 361 BLHS
Người nào có hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 342 của Bộ luật hình sự, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, có những trường hợp có thể bị xử phạt đến 7 năm tù và còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác theo quy định tại Điều 362 BLHS
Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 362 này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 338 của Bộ luật hình sụ, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù đến 2 năm 3 và còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS
Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ c hức, cá nhân thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm và còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Như vậy, theo những quy định trên thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ hành vi của từng cá nhân, tổ chức trong việc coi thi, cũng như trong tất cả quá trình thi tại tỉnh Hà Giang để làm rõ hành vi vi phạm của từng cá nhân khi đó mới có thể xử lý vi phạm một cách chính xác nhất.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: KT
Vụ việc tại tỉnh Hà Giang vừa qua cũng là một bài học cũng như kinh nghiệm cho việc tổ chức các kỳ thi trong cả nước trong thời gian sắp tới. Để có một kỳ thi thật nghiêm túc, khách quan thì chúng ta cần phải xử lý thật nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật những hành vi vi phạm thì mới có thể đạt được kết quả chính xác, đánh giá đúng năng lực của học sinh, tránh tiêu cực và thật công minh đối với tất cả học sinh tại tỉnh Hà Giang cũng như học sinh trên cả nước.
Cảm ơn luật sư!
Theo Đình Việt/Báo Dân Việt