Thời gian qua liên tục xuất hiện những vụ việc liên quan đến thái độ của người vi phạm giao thông xúc phạm, lăng mạ cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ. Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến vụ việc Trung tướng Võ Văn Liêm dùng nhiều lời lẽ khiếm nhã, thách thức khi bị lực lượng CSGT Công an quận Bình Thủy, TP Cần Thơ xử lý vi phạm giao thông.
Hành động của vị tướng quân đội này khiến nhiều người bất bình. (ảnh công an cung cấp)
Cách hành xử của vị tướng về hưu này được xem là không chuẩn mực, bị nhiều người lên án. Nhiều ý kiến cho rằng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, cho dù người vi phạm là ai thì cũng cần phải xử lý nghiêm để làm gương cho những kẻ khác.
Thực tế, thời gian qua, nhiều người là cán bộ công chức, thậm chí giả danh người của cơ quan Nhà nước khi vi phạm giao thông đã không chấp hành mà còn tỏ ra bất hợp tác, thậm chí hành hung, lăng mạ CSGT. Họ ỷ thế và cho rằng phía sau họ có cả một cơ quan Nhà nước làm bình phong che chắn cho các lỗi họ vi phạm. Thực tế, “bài” dùng địa vị xã hội, cơ quan Nhà nước để xin CSGT bỏ qua lỗi ở nhiều nơi, nhiều lúc đã thực sự “hiệu nghiệm” nên có nhiều kẻ đã làm giả giấy tờ, thẻ ra vào cơ quan, thẻ ngành của để “qua mặt” cảnh sát giao thông.
Ra đường, quan chức hay cán bộ Nhà nước là ai mà lại có những đặc quyền riêng như vậy? Đang có một sự lẫn lộn không nhỏ giữa việc làm ở cơ quan Nhà nước, là lãnh đạo, nhân viên cơ quan Nhà nước với vai trò của một công dân khi tham gia vào lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có giao thông. Ở một cơ quan, đơn vị nào đó họ có địa vị, được nhiều người bợ đỡ, nịnh nọt, tung hê và tuân thủ. Họ lại đem chính cái vị trí ấy để trục lợi cho bản thân ở ngoài xã hội.
Hành động vi phạm an toàn giao thông đã không thể chấp nhận được, vì nó ảnh hưởng, đe dọa tính mạng của người khác. Một người dân bình thường vi phạm giao thông lăng mạ người thi hành công vụ rất đáng phê phán. Nhưng một người có chức vụ, quyền hạn, từng phục vụ trong quân đội, cơ quan Nhà nước… có thái độ không đúng mực thì lại là cả một vấn đề đáng lên án và phải xử lý nghiêm. Bởi, họ đã từng hoặc là đang đại diện cho hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước trước người dân. Cho nên họ phải giữ gìn hình ảnh, thái độ chuẩn mực ở mọi nơi, mọi lúc.
Nhân chuyện có nhiều người cậy quyền cậy thế để lấp liếm các vi phạm của mình, nhiều người lại chia sẻ câu chuyện của nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh khi ông đề nghị cảnh sát giao thông phải xử lý nghiêm lái xe của mình đã vi phạm không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát giao thông. Giờ đây, nhiều người cho rằng đó là chuyện hiếm. Vì khi xảy ra lỗi vi phạm, nhiều người đã lấy vị trí xã hội của mình để “xin xỏ”, bỏ qua các lỗi vi phạm đó. Từ đó, lái xe mới ỷ thế vào việc mình điều khiển xe của cơ quan này, tổ chức nọ… để vi phạm mà không bị xử phạt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến xe biển xanh vi phạm an toàn giao thông rất phổ biến, có lúc lên tới mức báo động.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN