Tại cuộc họp các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần VI, Cố vấn Võ Văn Kiệt đã phân tích: “Xu hướng Đảng hóa, Nhà nước hóa các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng rõ nét, ví dụ như hầu hết Ủy viên Bộ Chính trị là đại biểu Quốc hội, chỉ trừ một vị. Ngay trong Mặt trận cũng vậy, đại biểu tiêu biểu dân tộc hiện nay đều là cán bộ Đảng, Nhà nước, chứ không phải là lãnh tụ do các dân tộc tín nhiệm bầu ra. Trong kháng chiến cán bộ còn cà răng, căng tai để đồng cam cộng khổ với nhân dân, ngày nay chính con em các dân tộc không còn là người của dân tộc nữa, đây chính là tệ xa rời quần chúng phổ biến trong hệ thống chính trị...”.
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng đồng tình với những ý kiến của ông Võ Văn Kiệt cũng nói. “Mặt trận phải thể hiện và cần được tạo điều kiện để thể hiện rõ vai trò, vị trí tập hợp quần chúng nhân dân, nếu không tập hợp được dân là mất tất cả”.
Từ xưa ông cha ta đặc biệt chăm sóc các dân tộc thiểu số. Hàng ngàn cây số biên giới là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số, chỉ riêng bờ cõi vẫn được giữ gìn toàn vẹn đến ngày nay cũng thấy đồng bào không hề tiếc công, tiếc của, cả xương máu. Nhà Lý lên cầm quyền năm 1010, các vua đầu thời Lý thường đem con gái, em gái mình gả cho các thủ lĩnh dân tộc thiểu số. Là con, là em vua lại thêm con, thêm cháu dòng dõi nhà vua, các dân tộc thiểu số càng gắn bó thân thiết với triều đình chống giặc ngoại xâm. Mỗi lần có giặc ngoại xâm xâm phạm bờ cõi, hầu hết thủ lĩnh dân tộc đều cầm quân ra trận. Nhân dân các dân tộc thiểu số nhà có 8 người lớn thì 7 người, nếu có 6 người lớn thì 5 người lên đường đánh giặc (tài liệu này được ghi trong sách “Túc tự trị thông giám trường biên” của Nhà Tống).
Tính cho đến ngày nay đã hơn một nghìn năm bài học ông cha ta chăm sóc hết lòng các dân tộc thiểu số vẫn vô cùng mới mẻ đối với chúng ta.
Vùng núi cao hầu hết dọc biên giới từ xa xưa đã được ông cha ta coi là “phiên dậu” của Tổ quốc. Vùng núi cao là tuyến đầu quân xâm lược lấn chiếm nước ta đều vấp phải sức giáng trả quyết liệt của bản làng dân tộc thiểu số.
Quyền của dân tập trung tại Quốc hội. Ngân sách nhà nước do Chính phủ đệ trình đều căn cứ vào kết quả do các đại biểu Quốc hội chủ động trực tiếp điều tra, giám sát chặt chẽ mọi thu chi ngân sách.
Dân làm chủ đất nước, trước hết phải thông qua Quốc hội làm chủ ngân sách nhà nước, không “nhất trí” với ngân sách chỉ dựa vào báo cáo của Chính phủ. Xin trích một đoạn trong báo cáo tổng kết của nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo: “Ngân sách nhà nước là vấn đề hết sức hệ trọng trong quản lý nhà nước về kinh tế nhưng cho đến nay vẫn chưa đặt đúng tầm quan trọng của nó trong chương trình làm việc của Quốc hội. Do đó việc thông qua ngân sách nhà nước vẫn còn mang tính hình thức, chỉ hoàn toàn dựa trên báo cáo, số liệu của Hội đồng Bộ trưởng. Nói chung đến nay các đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn mỗi khi biểu quyết thông qua ngân sách nhà nước, không biểu quyết thì không được, mà biểu quyết thì thực sự không có căn cứ vững chắc”.
Đề nghị của nguyên Chủ tịch Lê Quang Đạo được mọi người trông đợi chấm dứt tình trạng cực kỳ phi lý kéo dài, nhất là khi tham nhũng đang ngày càng trầm trọng, nhưng mấy khóa Quốc hội họp tiếp theo “thông qua ngân sách vẫn chỉ dựa trên báo cáo số liệu của Hội đồng Bộ trưởng”. Một số cán bộ cho là đại biểu Quốc hội nước ta còn thiếu nhiều người giúp việc nên bắt buộc phải dựa vào các tài liệu do Chính phủ cung cấp. Hoàn toàn không đúng nếu nhìn sang một số nước khác, Quốc hội của họ có đủ người nắm chắc mọi quyền lực, trông coi chống tham nhũng phải chống tận gốc, do vậy Quốc hội phải nắm chắc Chính phủ thu chi ngân sách nhà nước, không thể chờ Chính phủ báo cáo mới biết.
Nhà nước ta chỉ mạnh, xứng đáng là một Nhà nước đang đi lên chủ nghĩa xã hội khi mọi quyền của dân (dân quyền) được tôn trọng tại Quốc hội, khi mọi tiếng nói tại Quốc hội đều là của các tầng lớp nhân dân. Từ xa xưa ông bà ta coi dân quyền là lẽ sống, đời này qua đời khác đã truyền miệng: Dân quyền được đề cao thì nhân dân được tôn trọng mà nước cũng mạnh. Dân quyền bị xem nhẹ thì dân trí bị coi thường mà nước cũng yếu. Dân quyền hoàn toàn mất thì dân mất mà nước cũng mất.
Một nhà nước mạnh, mãi mãi là của toàn dân nếu mọi tiếng nói trong Quốc hội là tiếng nói của các tầng lớp nhân dân.