Nhiều cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo vẫn được điều động, bổ nhiệm

Theo Quy định 98 của Bộ Chính trị, cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút sẽ không được điều động về Trung ương, về địa phương hay sang địa phương khác.

Trường hợp mới nhất được nhiều báo phản ánh là trường hợp của ông Phạm Văn Tám, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh được điều về giữ chức Giám đốc Sở Công thương của tỉnh. (Ảnh: Zing)

Điều đáng nói là ông Phạm Văn Tám vừa bị UBKTTƯ và UBND tỉnh Trà Vinh kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền do liên quan đến các vi phạm trong tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở xảy trên địa bàn TP. Trà Vinh của Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh giai đoạn 2011 – 2016. Trong ảnh: Trụ sở UBND TP.Trà Vinh, nơi ông Tám từng làm lãnh đạo và có những sai phạm bị phát hiện (Ảnh: Lao Động)

 

Giai đoạn 2011-2016, ông Tám là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh, sau đó luân chuyển về làm Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh. Trong ảnh: Ông Phạm Văn Tám (thứ 2, từ trái sang) tham dự một chương trình của Hội LHTN tỉnh trên cương vị Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy (Ảnh: travinh.gov.vn)

 

Đầu tháng 10/2018, dư luận tỉnh Quảng Ngãi bức xúc trước tình trạng nhiều cán bộ tỉnh Quảng Ngãi vẫn được bổ nhiệm khi trước đó có liên quan trách nhiệm trong sai phạm tại Kỳ thi tuyển giáo viên năm 2017-2018 bị kỷ luật. (Ảnh: Người Lao Động)

 

Một số cái tên được nhắc đến như ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn được điều động giữ chức làm Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Quảng Ngãi; ông Võ Đình Trà, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Công thương... (Ảnh: Người Lao Động)

 

Tháng 5/2018, ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT thành phố Cần Thơ được Chủ tịch UBND TP điều động giữ chức vụ Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ. Đáng nói, trước đó, ông Đồng đã bị miễn nhiệm Ủy viên UBND thành phố; bị kỷ luật cảnh cáo do để xảy ra hành vi tham nhũng; bị kỷ luật vì liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, thiếu kiểm tra, giám sát để cấp dưới vi phạm pháp luật trong vụ các cán bộ Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT bị tòa kết án về tội nhận hối lộ. (Ảnh: Vietnamnet)

 

Theo phản ánh của báo Đại Đoàn Kết, tháng 4/2018, dư luận phản ánh trường hợp Phó Bí thư Huyện ủy huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam Nguyễn Công Thanh dù đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật của Ban Thường vụ lại được Tỉnh ủy Quảng Nam làm văn bản xin ý kiến Trung ương về bổ nhiệm làm Bí thư Huyện ủy Đại Lộc. Trong ảnh: Trụ sở Tỉnh ủy Quảng Nam.

 

Tháng 4/2018, dù bị kỷ luật, cách hết các chức vụ trong Đảng, nhưng ông Ngô Anh Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa sau đó vẫn được phân công làm việc tại Ban Chỉ đạo về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở tỉnh Thanh Hóa với chức danh tổ trưởng, ủy viên trực Ban Chỉ đạo. Ông Tuấn bị kỷ luật do có liên quan đến việc "nâng đỡ không trong sáng" đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong thời gian ông này giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này. (Ảnh: Người Lao Động)

 

Tháng 6/2015, ông Lê Công Nhơn, Bí thư đảng ủy xã Lộc Sơn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), sau khi bị kỷ luật cảnh cáo do dính đến vụ việc "quan xã "ăn" đất rừng của dân" đã được chuyển về Huyện ủy Phú Lộc làm cán bộ. Theo tìm hiểu của phóng viên báo Giáo dục&Thời đại, ông Nhơn “gợi ý” người làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ đỏ hoặc phải chung tiền, hoặc phải chia bớt phần đất đang chuẩn bị làm sổ đỏ khiến hàng chục hộ dân bị mất rừng, thiếu đất để sản xuất. (Ảnh: Giáo dục&Thời đại)

Theo Minh An/VOV.VN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều