Nhiều ý kiến phản ánh bất cập, lãng phí dự án cầu vượt đi bộ qua đường Trần Khát Chân: Cần đánh giá đúng mức sự cấp thiết, hiệu quả đầu tư dự án

(Mặt trận) - Cầu vượt dành cho người đi bộ là giải pháp nhằm giảm ách tắc, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cầu vượt triển khai tại Hà Nội còn nhiều bất cập, không phát huy được hiệu quả sử dụng, gây lãng phí, thậm chí là nhận được sự phản đối gay gắt từ người dân sinh sống xung quanh khu vực thi công, lắp đặt cầu…
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng cầu vượt bộ hành nằm quá sát nút giao Trần Khát Chân – Võ Thị Sáu sẽ gây lãng phí, không phát huy hiệu quả.

Mặc dù chỉ mới đang trong giai đoạn thi công khảo sát, thế nhưng vị trí lắp đặt của cây cầu cho người đi bộ qua đường Trần Khát Chân, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng đã khiến người dân sinh sống tại đây vô cùng bức xúc bởi công trình tiền tỉ sắp được dựng lên sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của họ.

Lập luận về sự lãng phí, bất cập về địa điểm xây dựng cây cầu, ông Đinh Thế H. - một người dân địa phương chỉ ra rằng, nếu mai đây cây cầu mới được “mọc lên” ở vị trí như dự kiến thì người dân chúng tôi không biết xoay sở như thế nào.

“Không biết các cơ quan chức năng có tiến hành khảo sát kỹ càng hay không nhưng thật đáng trách vì họ đã không lấy ý kiến đầy đủ từ người dân. Khu vực này không có các công trình công cộng như bệnh viện, trường học nên lưu lượng người lưu thông rất ít. Hơn nữa, hiện tại, mặt đường đã có vạch kẻ đường cho người đi bộ cùng hệ thống đèn tín hiệu giao thông nên việc xây dựng cầu vượt bộ hành ở đây rõ ràng không phải là điều quá cấp thiết” - Ông Đinh Thế H. nói.

Cũng như ý kiến ông H., bà Hoàng Thu G. cho rằng, tại vị trí đặt cầu mà chúng tôi được biết nằm quá sát nút giao Trần Khát Chân - Võ Thị Sáu. Với thực trạng như hiện nay, người dân hoàn toàn có thể sang đường an toàn mà không có nhu cầu phải leo mấy chục bậc thang lên, xuống cầu đi bộ để sang đường. Thay vì cuốc bộ lên cầu vất vả, người đi bộ qua đường chỉ việc đợi tới tín hiệu đèn đỏ, các phương tiện giao thông cơ giới dừng lại là có thể qua đường bình thường, ở khu vực có vạch vôi kẻ dành cho người đi bộ. Chưa kể, nếu cầu không được sử dụng thường xuyên dẫn đến sẽ là nơi tụ tập các đối tượng xấu, nơi bán hàng rong tụ tập gây mất an ninh trật tự.

Mặt khác, nhiều ý kiến cho biết, việc cây cầu bộ hành hình thành trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của họ. Bởi lẽ, một số gia đình sinh sống, kinh doanh ở khu vực mặt phố Trần Khát Chân sẽ đánh mất cơ hội làm ăn nếu có cây cầu bộ hành xây xong án ngữ trước mặt

Để tránh lãng phí, bất hợp lý, người dân đã kiến nghị với các cơ quan chức năng, ngành giao thông vận tải Hà Nội tạm dừng dự án, cân nhắc lại địa điểm đặt cầu cho phù hợp.

Đặc biệt, việc đặt được một vị trí xây dựng cầu trong vùng lõi đô thị cần phải tính toán thật kỹ lượng. Do đó, cần phải có nghiên cứu quy hoạch các vị trí phù hợp, phải xác định chi tiết, loại hình phù hợp cho người đi bộ qua đường, nhất là phải nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để quản lý các dòng giao thông như vận tốc của dòng xe, lưu lượng phương tiện kể cả người đi bộ ra sao để đưa ra những tiêu chí lựa chọn để đặt cầu vượt.

 

Dự án xây dựng cầu vượt cho người đi bộ qua Đường Trần Khát Chân được triển khai nhưng nhiều người dân có quyền lợi liên quan, bị ảnh hưởng lại không hề hay biết.

Theo các chuyên gia giao thông, về logic những đường trục chính có lưu lượng người và phương tiện cao cần phải đặt cầu vượt hoặc hầm chui. Những đường phố nhỏ trong lõi (trung tâm) đô thị thì không cần thiết, có thể chỉ những vị trí đặc biệt như trường học, bệnh viện hay trung tâm thương mại, kết nối với các điểm xe buýt trung chuyển lớn, đường sắt đô thị.

Khi tiến hành lập dự án đầu tiên cũng cần phải tính đến loại hình giao cắt. Hiện chúng ta đang áp dụng chung một hình thức cầu vượt bằng thép chỉ phù hợp cho người có sức khoẻ và có ý thức.

Thực tế hiện nay, ở các đô thị lơn như Hà Nội hay TP.HCM đang có nhiều cầu vượt bộ hành vắng tanh. Không ít cầu vượt trở thành nỗi e sợ với người đi bộ bởi tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh, thậm chí trở thành nơi tụ tập, chích hút ma túy.

Liên quan đến kiến nghị của người dân về địa điểm xây dựng cầu vượt cho người đi bộ qua Đường Trần Khát Chân, ngày 07/12/2020, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa đã ký ban hành văn bản số 5918/QHKT-Ttra-HTKT gửi UBND quận Hai Bà Trưng và Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông Thành phố Hà Nội.

Theo đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, “chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ qua đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5767/QĐ-UBND ngày 25/10/2018.

Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng Dự án cầu vượt cho người đi bộ qua đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5541/QĐ-UBND ngày 07/10/2019.

Những kiến nghị của công dân liên quan đến việc công khai dự án, lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình triển khai dự án, đánh giá nhu cầu, sự cần thiết đầu tư xây dựng cầu vượt cho người đi bộ tại khu vực nút giao Trần Khát Chân – Võ Thị Sáu. Các nội dung này đã được UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận huyện liên quan, Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông Thành phố Hà Nội thực hiện và làm rõ trong quá trình nghiên cứu triển khai dự án. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị UBND quận Hai Ba Trưng, Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông Thành phố Hà Nội rà soát, nghiên cứu trả lời kiến nghị của công dân theo thẩm quyền”.

Dư luận cho rằng, việc xây dựng cầu vượt bộ hành cần được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân; tránh tình trạng xây theo cảm tính và không sát với thực tế. Nơi đông dân cư, có nhu cầu đi lại lớn thì không được đầu tư, còn nơi nhu cầu đi lại ít thì xây dựng ồ ạt...

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, các cơ quan chức năng cần khảo sát thực tế để đưa ra những giải pháp phù hợp, phục vụ dân sinh ổn định, lâu dài, đi lại thuận lợi, an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, người dân cho rằng, UBND Thành phố Hà Nội cần thành lập đoàn công tác, thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ dự án (từ khâu khảo sát, lập dự án, thi công và hiện trạng, vị trí lắp đặt) để làm rõ:

- Căn cứ để đặt vị trí xây dựng cầu như dự kiến (về địa hình, kinh tế, văn hóa, xã hội, đánh giá mức độ cấp thiết đối với việc lưu thông của người dân…).

- Hiện trạng sử dụng, nhu cầu của người đối với cầu vượt bộ hành như thế nào? Với việc xây dựng như hiện tại có phải là lãng phí ngân sách? Ngoài ra cũng cần làm rõ trách nhiệm của tập thể và các cá nhân có liên quan.

Mặc dù những cây cầu bộ hành được xây lên với nhiệm vụ giúp giải tỏa giao thông trong thành phố, nhưng có lẽ loại công trình này chưa thể làm tròn trọng trách.

Có thể thấy, sự thiếu sót trong khâu quản lý và sử dụng đã khiến những cây cầu có chi phí hàng tỷ đồng trở nên lãng phí và ngày càng rời xa những kỳ vọng ban đầu. Vì thế, rất cần sự phối hợp, điều hành của các cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu năng hoạt động của những cây cầu đi bộ, tránh lãng phí, đầu tư tràn lan nhưng sau đó không ai quản lý, sử dụng.

Tạp chí Điện tử Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin trong những bài viết tiếp theo.

(*) Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều