Một học giả từng nói, có ba nền tảng cho sự hiển vinh đất nước, là pháp luật, đạo đức và thi ca. Ta, trong một đại án, đã hoan hỉ khi công lý được thực thi. Thời đạo đức xuống dốc, sự tử tế bình dị thôi đã khiến ta nghẹn ngào, cổ vũ… Nhưng khi “đầu tàu” TP HCM muốn xây một nhà hát opera, mơ bước lên tầm cao của nghệ thuật nhân loại, vì đâu ta quay lưng?
Mô hình ban đầu của nhà hát opera tại Thủ Thiêm.
Ai đã xem “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy, sẽ dễ ấn tượng với nhận xét “Hà Nội như một cái làng lớn”; các di tích đa phần thấp bé và chẳng mấy hấp dẫn về nghệ thuật và kiến trúc. Ta vẫn thương, vẫn nhớ, bởi bề sâu, bề dày của văn hóa Hà Nội ngàn năm. Cũng bởi, ai sinh ra cũng đều có một vùng đất để hướng về.
Sài Gòn ngoài 300 tuổi, hút hồn người nhờ những công trình kiến trúc Pháp thâm trầm, cổ kính. Nhưng Sài Gòn - TP HCM non nửa thế kỷ qua, vẫn chưa tự xây được những công trình có tầm vóc đáng kể về kiến trúc, nghệ thuật. Thậm chí, thành phố còn làm hao hụt đi những di sản, nứt vỡ không gian xưa, cho thấy tầm nhìn hạn hẹp trong quy hoạch, phát triển đô thị, mà có lẽ chỉ lịch sử mới chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm.
Về dự án nhà hát giao hưởng 1.700 chỗ, sẽ hết 1.508 tỷ đồng sẵn từ tiền bán khu đất 23 Lê Duẩn, Phó Chủ tịch UBND Lê Thanh Liêm đã cho rằng: Nhà hát góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân; là công trình mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật,…
Còn Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, bà nói thêm rằng đây là dự án có tầm vóc thế kỷ, được người dân thành phố chờ đợi từ lâu… Nguyên ĐBQH Trần Du Lịch, khi được hỏi, đã nói: Bây giờ ta không quyết định làm thì đợi đến thế hệ nào mới làm được?
Một nhà hát nếu mang “tầm vóc thế kỷ” chắc chắn sẽ là quà quý cho con cháu mai sau. Nhưng lãnh đạo thành phố và các đại biểu chớ quên rằng, cha anh ở thời điểm sau 1975 thiếu thốn trăm bề, cũng để lại cho chúng ta hai nhà hát Hòa Bình và Bến Thành. Qua thời gian, dù xuống cấp, dù không còn đủ chuẩn tổ chức biểu diễn tầm quốc tế…, nhưng vị trí của hai nhà hát vô cùng đắc địa.
Thành phố có tính tới việc nâng cấp, nâng tầm, hay mặc chúng lay lắt?
Niềm tin, đó có vẻ là thứ mà TP HCM đã để cho hao hụt, kết quả của chuỗi thiếu sót trong quản lý nhà nước chưa thể cứu vãn. Nhiều người dân phản ứng với việc xây nhà hát, cũng bởi không ít đại dự án trăm tỷ, ngàn tỷ nơi đây từng có tì vết.
Vừa qua, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê, bên cạnh việc ủng hộ dự án nhà hát opera, lại đề xuất thêm rằng cần có nhà hát cải lương, bởi TP HCM và khu vực phía Nam là “thánh địa” của bộ môn này.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thì tiếp lời: Người dân thành phố và khu vực ĐBSCL rất yêu cải lương, và rằng: Nhà hát Trần Hữu Trang là bài học của HĐND thành phố, thông qua chủ trương nhưng giám sát không tốt, xây dựng rồi lại không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn…
Vậy là, một nhà hát có nền móng từ rạp Hưng Ðạo xưa, mới khai trương 3 năm, vốn huy động 132 tỷ giờ thành “không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”? Xót xa hơn, nguy cơ bị phế bỏ trong tương lai của dự án lại chỉ là “bài học” cho HĐND và Sở VH&TT TP HCM? Không cá nhân, tập thể nào phải bị đưa ra chịu trách nhiệm thực sự, nghiêm túc cho thiệt hại trên?
Nhắc tới Sở VH&TT TP HCM, GĐ Sở Huỳnh Thanh Nhân mới đây cũng nói sẽ mời các nhà kiến trúc tham gia vào hội đồng thi tuyển quốc tế, để thiết kế, xây dựng nhà hát tại Thủ Thiêm đảm bảo đạt chuẩn quốc tế.
Những từ “sẽ”, “chuẩn quốc tế” của “tư lệnh” ngành Văn hóa - Thể thao gây hoài nghi, bởi chính dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ (đổi đất tại 257 Trần Hưng Đạo và một số đất khác) Sở này quản lý còn tậm tịt, để các VĐV, người dân đã thiếu càng thêm thiếu nơi tập luyện, thi đấu thể thao, thưởng thức nghệ thuật…
Từ đó, dư luận băn khoăn: Sở VH-TT có đủ tâm, tầm để làm “nhạc trưởng” dự án nhà hát Opera tốn kém và gây tranh cãi này trong tương lai?
3. Đúng là như ý ông Trần Du Lịch, làm những thứ thuộc về giá trị văn hóa, giá trị tâm hồn, thật khó đặng đừng. Chẳng đặng đừng, người Ấn mới có lăng Taj Mahal nơi tình yêu bất diệt; người Úc có Opera Sydney tráng lệ; người Bhutan làm nên tu viện Paro Taktsang trên vách núi hùng vĩ,…
Thêm nữa, khi đánh giá sự văn minh, phát triển xã hội, thế giới sẽ nhìn vào các bảo tàng, nhà hát, hay chùa chiền, chứ ít xem trọng mấy cao ốc như nêm cối, đen kịt, xám xịt, lạc lõng với không gian Sài Gòn vốn dĩ phải hài hòa cũ - mới, xưa - nay.
Nhưng nguồn lực đâu để xây dựng thay cho thế hệ mai sau?
TP HCM có vẻ vẫn chưa bước ra khỏi “vết xe đổ”, khi phát triển đô thị còn dựa nhiều vào đất. Mà hiện tại, mỗi thửa đất nội đô sau bán/đổi, sẽ không mọc lên công viên, thư viện, thay vào đó sẽ là cao ốc, tiếp tục khiến kẹt xe, ngập nước ô nhiễm thêm trầm trọng.
Về nhà hát opera, chúng ta phải thừa nhận rằng, xây dựng một không gian phục vụ thẩm mỹ âm nhạc hàn lâm của công chúng và giao lưu quốc tế, là hợp thời đại.
Nhưng liệu công trình ấy có đủ tầm vóc để thành biểu tượng?
Cần nhớ, nhà hát opera, ngoài yêu cầu khắt khe về sự tinh tế, đẳng cấp trong thiết kế, thi công, loại hình âm nhạc trong nhà hát ấy còn đặc biệt kén khán giả.
TP HCM và cả nước, theo quan sát, không dồi dào tín đồ âm nhạc hàn lâm. Nếu chúng ta không mau chóng phổ biến, bắt đầu từ trường học như nhiều quốc gia phát triển (thay vì các gia đình tự trang bị cho con em), thì âm nhạc hàn lâm vẫn chỉ dành cho một nhóm người, nhà hát giao hưởng nếu ra đời cũng dễ gặp viễn cảnh tối đèn, như nhà hát Ba Nón Lá ở Bạc Liêu vướng phải.
Thế nên, xây nhà hát opera nhưng chưa đo đếm nhu cầu công chúng, chuẩn bị nền tảng để âm nhạc hàn lâm phát triển, thì TP.HCM đang xây nhà từ nóc.
Xây nhà hát và gọi nó là “tầm vóc thế kỷ”, giữa lúc nhân dân đương đánh vật với kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm sớm chiều, TP HCM có tự đẩy mình xa khát vọng văn minh, nghĩa tình, nhân ái?/.
Theo Kiên Giang/Nhà báo và Công luận