Trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay “giải cứu” (có trả phí) và chuyến bay “combo” (không trả phí) đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu từ thời điểm nào. Căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ GTVT xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay combo, giải cứu như thế nào. Danh sách công dân từ nước ngoài về trên các chuyến bay “giải cứu” và hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay, điều kiện để công dân về nước trên các chuyến bay này dựa vào quy định nào... cũng được yêu cầu làm rõ.
Bộ Công an còn đề nghị cung cấp danh sách cá nhân tại Bộ GTVT làm nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay combo, giải cứu.
|
4 cán bộ Cục Lãnh sự vừa bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ |
Trước đó, ngày 27/1, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hương Lan (48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao) cùng 3 người tại Bộ này là Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó Cục Lãnh sự); Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh văn phòng Cục Lãnh sự); Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao). Các bị can này bị cáo buộc có hành vi “trục lợi cá nhân” khi xét duyệt cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.
Thông tin mới đây cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổng hợp và báo cáo các thông tin, tài liệu liên quan về các chuyến bay đưa công dân về nước sau khi cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đề nghị. Bộ GTVT cũng cho biết, trên tinh thần phối hợp trách nhiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức các chuyến bay một cách sớm nhất nhằm đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng được về nước của bà con.
Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng; cùng với những biện pháp cần thiết phòng, chống dịch, Chính phủ đã nỗ lực vượt mọi khó khăn để tổ chức các chuyến bay đưa đồng bào ta ở nước ngoài có nhu cầu về nước. Đó là một hành động nhân đạo, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Chính vì vậy, việc trục lợi của một số cá nhân Cục Lãnh sự từ chủ trương đúng đắn này đã gây bức xúc dư luận. Dư luận xã hội đòi hỏi những sai phạm phải được xử lý nghiêm minh.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 17/2, về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc đưa công dân Việt Nam có nhu cầu, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, khó khăn chưa có tiền lệ, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành liên quan và cơ quan đại diện ở nước ngoài phối hợp triển khai.
“Vụ việc liên quan đến sai phạm của một số cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả nêu trên. Chủ trương nhất quán của Bộ Ngoại giao là sai phạm đến đâu xử lý đến đó, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”- bà Hằng nói.
Từ chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam ở Vũ Hán (Trung Quốc) về nước trong dịch Covid-19 vào đầu tháng 2/2020, đến nay các cơ quan đã có nhiều nỗ lực để phối hợp với các hãng hàng không thực hiện hơn 1.000 chuyến bay đưa hơn 240.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Tuy nhiên, một số người đã bắt tay nhau trục lợi từ một chủ trương cao đẹp cho thấy tính chất nguy hiểm và mức độ nguy hại của sự việc. Việc 4 cán bộ Cục Lãnh sự bị bắt cũng như Cơ quan điều tra Bộ Công an gửi những yêu cầu rất cụ thể tới Bộ GTVT để làm rõ vấn đề cho thấy vụ án sẽ không dừng ở đó, mà tiếp tục mở rộng điều tra.
Dư luận tin tưởng rằng “đường dây” trục lợi, nhận hối lộ vô nhân đạo này sẽ sớm bị bóc dỡ. Đúng theo chủ trương của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Theo Báo Đại đoàn kết