Quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân bao gồm các quy phạm pháp luật quy định chủ thể là Nhân dân có thẩm quyền giám sát, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong mối quan hệ với chủ thể giám sát; phạm vi giám sát; hình thức và phương pháp giám sát; trình tự, thủ tục và hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát… các quy phạm này ngày càng được hoàn thiện, cụ thể, là điều kiện pháp lý cần thiết cho Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình, góp phần hoàn thiện cơ chế pháp lý về hoạt động giám sát quyền lực nhà nước trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân hiện nay.
Thực trạng quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân
Về chủ thể giám sát của Nhân dân, với vai trò là chủ thể giám sát của Nhân dân, chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra của Công đoàn đã được ghi nhận trong Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã dành riêng Chương V để quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cùng với đó, quyền giám sát trực tiếp của cá nhân công dân cũng được khẳng định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật về dân chủ ở cơ sở, pháp luật khiếu nại, tố cáo, báo chí, phòng, chống tham nhũng, bầu cử…
Về phạm vi giám sát của Nhân dân, Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Thanh tra năm 2010, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các văn bản pháp luật có liên quan đã quy định phạm vi giám sát của Nhân dân rất rộng lớn, bao trùm lên toàn bộ hoạt động bộ máy nhà nước; hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức hành chính nhà nước; việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Đồng thời, nhiều văn bản pháp luật cũng ghi nhận phạm vi giám sát của Nhân dân đối với các lĩnh vực của hoạt động quản lý hành chính, gắn với chức năng và nhiệm vụ của từng chủ thể nhằm phát huy lợi thế của các chủ thể trong hoạt động giám sát của Nhân dân đối với cơ quan nhà nước.
Về hình thức giám sát của Nhân dân, hệ thống pháp luật hiện hành quy định tương đối đa dạng, phong phú về hình thức, phương pháp giám sát của Nhân dân. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định 4 hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ngoài ra, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tham gia ý kiến bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; cử đại diện tham gia giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, hội viên… Cá nhân công dân thực hiện giám sát thông qua các hình thức như: tham gia ý kiến, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân công dân...
Về trình tự, thủ tục giám sát của Nhân dân, hiện nay, pháp luật quy định tương đối đầy đủ về trình tự, thủ tục, đảm bảo khách quan, kịp thời, thuận tiện cho hoạt động giám sát của Nhân dân đối với từng loại chủ thể: trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; trình tự, thủ tục giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; trình tự, thủ tục giám sát của cá nhân công dân thông qua việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở.
Về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát của Nhân dân, pháp luật quy định về trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền khi nhận được kiến nghị của các chủ thể trong hoạt động giám sát của Nhân dân, như: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định chính quyền địa phương có trách nhiệm lắng nghe, giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; Luật Khiếu nại năm 2011 quy định việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; Luật Tố cáo năm 2018 quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo; Pháp lệnh số 34 quy định chính quyền cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện những nội dung Nhân dân bàn và quyết định; tổ chức thực hiện những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến; tổ chức thực hiện những nội dung Nhân dân giám sát…
|
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội,tháng 5/2022. Ảnh: Quang Vinh. |
Như vậy, nhìn một cách tổng quát có thể khẳng định rằng, quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân ngày càng được hoàn thiện, mở ra nhiều phương thức, cách thức để Nhân dân thực hiện quyền giám sát, phát huy tính tích cực chính trị, quyền làm chủ của Nhân dân, hướng tới bảo đảm pháp chế và kỷ luật trong quản lý hành chính nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, xã hội, cá nhân, tổ chức.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân tồn tại những bất cập như sau:
Hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân hiện đang quy định tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật, từ Hiến pháp đến các đạo luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư hướng dẫn do nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nên thiếu tính tập trung, thống nhất. Một số quy định mới chỉ dừng ở mức độ quy định nguyên tắc chung, mang tính luật khung, thiếu các quy định cụ thể và tính quy phạm chưa cao. Pháp luật đã xác lập được mối quan hệ giữa giám sát của Nhân dân thông qua hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với giám sát của Nhà nước (giám sát của Quốc hội, giám sát của Hội đồng nhân dân) nhưng chưa xây dựng được cơ chế phối hợp hiệu quả giữa hai cơ chế giám sát này. Việc phối hợp giải quyết kiến nghị của các chủ thể giám sát của Nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân tại các bộ, ngành nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.
Trong hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, pháp luật chưa có quy định bắt buộc, hoặc chưa có biện pháp chế tài thích hợp với các cơ quan hành chính và người có thẩm quyền trong việc tiếp nhận và xử lý kết quả giám sát do Mặt trận Tổ quốc kiến nghị. Do vậy, các kiến nghị sau giám sát của Mặt trận đối với cơ quan nhà nước không được trả lời, giải quyết thấu đáo, dẫn đến tình trạng ở một số nơi, một số vụ việc, kiến nghị giám sát không được quan tâm nghiên cứu, tiếp thu và thực hiện.
Pháp luật chưa tạo ra cơ chế phối hợp giữa các chủ thể có quyền giám sát đối với cơ quan hành chính nhà nước cũng như cơ chế phối hợp giữa giám sát của Nhân dân với các hình thức giám sát của Quốc hội, giám sát của Hội đồng nhân dân. Do đó, các chủ thể thực hiện quyền giám sát trong cơ chế giám sát đối với cơ quan hành chính còn rời rạc, thiếu đồng bộ, hiệu quả giám sát của Nhân dân cũng như của cả hệ thống giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước chưa cao. Từ quy định của pháp luật hiện hành có thể thấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất lớn trong việc giám sát cơ quan hành chính và cả bộ máy nhà nước, nhưng với mô hình tổ chức hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại bị đặt vào mối quan hệ lệ thuộc vào chính đối tượng bị giám sát về ngân sách, biên chế, do vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất khó độc lập khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên đây. Nguyên nhân khách quan là pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân mặc dù được quan tâm sửa đổi, bổ sung nhưng chưa theo kịp với những biến đổi nhanh chóng của cuộc sống. Trong khi đó, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, những vấn đề lý luận về kiểm soát, giám sát quyền lực của Nhân dân đối với bộ máy nhà nước nói chung, cơ quan nhà nước nói riêng là vấn đề mới và khó. Nguyên nhân chủ quan là do một bộ phận cán bộ và Nhân dân chưa quan tâm đầy đủ, đúng đắn hoặc coi nhẹ vai trò giám sát của Nhân dân; hoạt động nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này chưa được tiến hành thường xuyên, chưa hiệu quả; giám sát của Nhân dân đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước chưa được coi là một kênh giám sát độc lập.
Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân
Một là, nâng cao chất lượng và hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và Nhân dân. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một bước Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (ban hành kèm theo Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị), trong đó xác định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của tổ chức và đảng viên đối với hoạt động giám sát và cơ chế tiếp thu, thực hiện các kiến nghị, yêu cầu sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hai là, nghiên cứu, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền giám sát của Nhân dân, trong đó với mỗi thiết chế giám sát của Nhân dân cần xác định rõ ràng, cụ thể về nội dung, phạm vi, trình tự, thủ tục và hậu quả pháp lý để người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giám sát của mình; đồng thời bảo đảm tính khả thi, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế và gắn với việc đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Ba là, tổ chức tốt việc thực hiện Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và các văn bản có liên quan nhằm phát huy hơn nữa quyền dân chủ của Nhân dân, tăng cường tính chủ động và các bảo đảm cho việc thực hiện các quyền này của Nhân dân.
Bốn là, nghiên cứu ban hành Luật Trưng cầu ý dân, trong đó xác định rõ nội dung, phạm vi, quyền quyết định trưng cầu ý dân, trách nhiệm tổ chức trưng cầu ý dân, thủ tục xem xét ý kiến, kiến nghị của Nhân dân và đánh giá sử dụng kết quả trưng cầu ý dân. Luật Trưng cầu ý dân sẽ tạo hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế để người dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình; đồng thời bảo đảm quyền giám sát của Nhân dân đối với cơ quan nhà nước.
Năm là, nghiên cứu ban hành Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân, trong đó quy định rõ về nội dung, phạm vi, chủ thể, trình tự, thủ tục các hình thức giám sát của Nhân dân bao gồm: giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội của công dân; giám sát của các cơ quan, tổ chức báo chí, truyền thông và giám sát trực tiếp của cá nhân công dân; xác định cơ chế phối hợp giữa các hình thức giám sát khác với giám sát của Nhân dân, bảo đảm hiệu quả pháp lý trong hoạt động giám sát của Nhân dân.
Sáu là, tăng cường tập huấn về công tác giám sát cho cán bộ Mặt trận, các đoàn thể và các cấp, các ngành có liên quan; tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt ở các ngành, các cấp về phối hợp thực hiện giám sát và giải quyết kiến nghị sau giám sát của Nhân dân. Tăng cường công tác phối hợp giữa giám sát của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và hoạt động thanh tra của Chính phủ; phát huy tối đa sự tham gia của các tổ chức thành viên ở cơ sở như: Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Luật gia… vào các hoạt động giám sát nhằm phát hiện từ sớm, từ xa các hiện tượng tiêu cực ở địa phương.
Nguyễn Thị Hoa
Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ VN