Cư dân mạng đang chia sẻ và bình luận “không thương tiếc” liên quan đến vụ nữ Phó Chủ tịch Quận Thanh Xuân (Hà Nội) khi cùng đồng nghiệp đi ăn trưa đã đỗ xe trước cửa hàng của dân nên xảy ra cự cãi.
Hình ảnh cắt từ clip vụ cự cãi giữa những người liên quan trong vụ việc.
Từ những phản hồi của vị nữ Phó Chủ tịch Quận Thanh Xuân và xem những hình ảnh từ clip, có thể thấy một số vấn đề.
Thứ nhất, vị nữ Phó Chủ tịch quận đã nhận ra cái sai của mình là đã cùng đồng nghiệp đỗ xe không đúng nơi qui định.
Thứ hai, với một cán bộ công chức, là công bộc của người dân, hưởng lương từ tiền thuế của người dân thì anh/chị không phải chỉ gương mẫu nơi công sở mà phải giữ hình ảnh đó ở nơi công cộng và bất kỳ đâu.
Thứ ba, việc đem vị trí xã hội, thực thi công vụ vào để giải quyết các mâu thuẫn xã hội là điều không được phép và không nên làm.
Tuy nhiên, về phía người dân, trong nhiều trường hợp cũng không phải “dạng vừa đâu”. Riêng trong vụ việc này, theo tường trình thì họ còn đổ nước mắm vào xe ô tô và nữ Phó Chủ tịch Quận cùng đồng nghiệp đã lên phường để trình báo sự việc. Nhưng đoạn video clip khi cung cấp cho báo chí và tung lên mạng xã hội đã bị cắt ghép một cách có chủ ý theo hướng có lợi cho người dân.
Lâu nay, việc hành xử thái quá của nhiều người đối với các trường hợp đỗ xe không đúng nơi qui định diễn ra khá phổ biến ở Hà Nội và các thành phố lớn. Nhiều người đã vẽ bậy, đổ sơn, chửi mắng thậm tệ những người đỗ xe trước cửa hàng hay cửa nhà mình. Thậm chí, việc này còn xảy ra cả ở những tuyến phố được phép đỗ xe, nhưng người dân lâu nay có một tâm lý là vỉa hè trước cửa nhà tôi là của tôi sở hữu. Cho nên, tôi muốn làm gì, muốn cho ai dừng đỗ ở đoạn vỉa hè đó là quyền của tôi.
Trở lại câu chuyện xảy ra ở quận Thanh Xuân, sự việc không đến mức phải đẩy “căng” lên như vậy nếu như cả hai bên, vị Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân và người bán hàng, biết “nhún nhường” một chút.
Lâu nay, người dân luôn ta thán về sự sách nhiễu của nhiều cán bộ công chức trong bộ máy công quyền thế nhưng họ cũng nên một lần xem lại vì sao mình bị “hành” như vậy? Rõ ràng, nhiều người dân chưa tuân thủ nghiêm luật pháp, còn có những điểm sơ hở, thiếu sót trong thực thi pháp luật, giấy tờ tùy thân… Đây chính là cái cớ, là cơ hội cho những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất lợi dụng để chèn ép, bắt nạt, vòi vĩnh người dân.
Để hệ thống quản lý hành chính được lành mạnh, hiệu quả; việc thực thi công vụ theo đúng chuẩn mực, ngoài việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức thì rất cần sự hỗ trợ hiệu quả từ phía người dân. Cán bộ hành xử văn minh thì dân khắc có văn hóa, dân có văn hóa khi đến giao dịch, làm việc ở một môi trường văn minh thì chắc chắn nền hành chính công vụ cũng sẽ minh bạch, chuẩn mực.
Sự việc xảy ra ở quận Thanh Xuân chỉ là một va chạm nhỏ nhưng thực sự là một bài học lớn trong cách ứng xử của cán bộ với dân và dân với cán bộ trong đời sống thường nhật.
Theo An Nhi/VOV.VN