Xuất phát từ lửa hàn, quán karaoke 68 Trần Thái Tông đã bị phá hủy, cướp đi sinh mạng của 13 người (Ảnh: Miinh Sơn/Vietnam+)
Mối nguy cơ từ việc hàn xì thiếu an toàn, thiếu kiến thức đã khiến thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng Phòng Cảnh sát Phóng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn số 12 (Cảnh Sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội), điều quan trọng là cần sử dụng các thợ hàn có trình độ cao, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy.
Mất bò, vẫn không lo... làm chuồng
Thực tế, trong vài năm trở lại đây, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội không hiếm các vụ hỏa hoạn có nguyên nhân trực tiếp từ... lửa hàn xì.
Ngày 7/7/2011, quán bar AZ có địa chỉ tại số 55 Mã Mây (Hoàn Kiếm) bất ngờ bốc cháy, ngọn lửa đã “giam” 2 nạn nhân vốn là thợ hàn lại bên trong khiến cả hai đều tử vong sau đó. Đám cháy được xác định đã bốc lên từ tầng 1, nơi chủ nhà đang cho hàn khung sắt để phân chia phòng, rồi nhanh chóng bao trùm lên các tầng còn lại.
Tiếp đó, cuối năm 2011, đến lượt tòa tháp 33 tầng của Tập đoàn điện lực EVN (11 Cửa Bắc, quận Ba Đình) tiếp tục chìm bị giặc lửa ghé thăm cũng với “lỗi” tương tự. Trong quá trình làm việc, các công nhân hàn xì dưới tầng hầm đã để tia lửa hàn xì bắn vào các vật liệu dễ cháy như xốp, ống nhựa, dây điện. Vụ cháy kéo dài suốt hơn 8 giờ đồng hồ khiến 11 người bị thương, hàng chục người khác bị mắc kẹt trên các tầng cao của tòa nhà.
Một vụ cháy do hàn xì thường gây nên hậu quả hết sức nghiêm trọng về cả người và tài sản (Ảnh: Vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông. Nguồn: Vietnam+)
Sang năm 2013, một ngôi nhà 5 tầng trên đường Âu Cơ cũng phải đối mặt với bà hỏa khi thợ hàn lại để tàn lửa rơi vào đệm tầng 1 gây ra hỏa hoạn. Vụ việc khiến hàng chục ngôi nhà lân cận phải chịu “vạ lây” khi đổ sập và bị thiêu rụi.
Sự bất cẩn trong quá trình hàn xì cũng là nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn đau lòng tại khu Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông) khiến 6 người thiệt mạng cuối tháng 11/2013. Theo đó, trong lúc các công nhân thi công hàn xì trong một quán bar đang sửa chữa thuộc khu vui chơi này, vảy hàn đã bắn vào các vật liệu dễ cháy như bông, đệm cách âm, khiến ngọn lửa bùng phát.
Gần đây nhất, cũng từ sự bất cẩn của một nhóm thợ hàn, quán karaoke số 68 Trần Nhân Tông lại chìm trong khói lửa suốt nhiều giờ liền. 13 người đã mất đi mạng sống sau vụ việc nghiêm trọng này.
Hầu hết các vụ cháy bắt nguồn từ tia lửa điện hàn xỉ, vảy hàn đều gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng về cả người và tài sản. Nguy cơ nhãn tiền là vậy, tuy nhiên, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và cả người dân vẫn hết sức thờ ơ. Họ có thái độ “mất bò” nhưng không “lo làm chuồng.” Vụ cháy xưởng khiến 8 người tử vong tại xã Đức Thượng, Hoài Đức ngày 29/7 là một ví dụ đau lòng cho thực tế ấy.
Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn số 12 (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội) cho rằng, mỗi người đều cần phải tự trang bị cho mình những kỹ năng phòng chống cháy nổ và thoát hiểm tối thiểu.
Cần đảm bảo nghiêm quy định an toàn
Trước một loạt vụ cháy nghiêm trọng liên quan đến hàn xì, Thượng tá Quyến cho rằng, điều quan trọng để hạn chế tình trạng này là bản thân các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh phải quán triệt các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo an toàn trong phòng cháy, chữa cháy.
“Thợ hàn phải có tay nghề tốt, đồng thời đảm bảo cả vấn đề an toàn lao động, an toàn cháy nổ khi làm việc,” người đứng đầu Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 12 đưa ra lời khuyên.
Đám cháy tại Hoài Đức khiến 8 người chết cũng được xác định lỗi do lửa hàn (Ảnh: TTXVN)
Ngoài ra, Thượng tá Đỗ Anh Quyến phân tích, điều quan trọng nhất trong các giải pháp kỹ thuật là loại trừ nguồn nhiệt sinh ra do hàn, tránh tiếp xúc trực tiếp với các vật liệu dễ cháy.
Do đó cần phải thực hiện các giải pháp sau đây:
- Khi tiến hành hàn cần cách ly khu vực hàn với các vật liệu cháy, di chuyển chúng ra xa khỏi vị trí hàn đến khoảng cách ít nhất 10 m, đối với các cấu kiện không thể di chuyển được như xốp cách âm ở trần, tường cần che chắn bằng các vật liệu khó cháy hoặc không cháy được như các tấm tôn, thép, gỗ phủ sơn chống cháy, amiang...
- Trước khi hàn cần kiểm tra thật kỹ khu vực xung quanh, kiểm tra các trang thiết bị sử dụng cho quá trình hàn, đối với quá trình hàn hơi như: Các chai khí phải có kiểm định và còn hạn dùng và đặt cách xa khu vực có nguồn nhiệt, phải có van an toàn, đường ống dẫn khí kín và phải được bảo vệ tránh nguồn nhiệt tác động, que hàn an toàn...
- Cần có người giám sát suốt trong quá trình hàn và sau quá trình này ít nhất 30 phút để đề phòng sự cố có thể xảy ra.
Hiện trường vụ cháy (Ảnh: PV/Vietnam+)
- Đối với quá trình hàn điện: Cần kiểm tra máy biến áp hàn, sử dụng dây dẫn phù hợp về chủng loại và tiết diện lõi, dùng các bộ ngắt tự động chống sự cố chập điện khi hàn.
- Thợ hàn trước khi hàn cần trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ cá nhân như găng tay, kính bảo vệ mắt, kiểm tra, sắp xếp gọn gàng khu vực hàn, kiểm tra sự sẵn sàng của các phương tiện chữa cháy ban đầu như nước, bình chữa cháy.
- Kiểm tra kĩ mỏ hàn, bộ giảm áp, ống dẫn khí, các vị trí nối giữa mỏ hàn với ống nối và với chai chứa khí. Trong khi hàn không mang các thiết bị, mỏ hàn ra khỏi khu vực giành riêng cho thợ hàn. Nếu giải lao cần khóa tất cả các van dẫn khí, ngắt nguồn điện đối với máy biến áp hàn, thu dọn gọn gàng dụng cụ và cấm người ngoài vào khu vực hàn hoặc sử dụng bất kỳ thiết bị nào phục vụ quá trình hàn.
- Khi hàn hồ quang chỉ được phép cấp điện từ máy phát điện hàn, máy biến áp hàn, máy chỉnh lưu hàn. Không được phép cấp trực tiếp từ lưới điện động lực, lưới điện chiếu sáng hoặc lưới điện xe điện.
- Nếu tiến hành hàn ở trong các hầm, thùng, khoang bể, trước khi hàn cần kiểm tra kĩ để trong đó không còn hơi khí độc, hơi khí cháy, nổ. Máy hàn phải để bên ngoài, phải tiến hành thông gió với tốc độ gió từ 0,3 đến 1,5 m/giây.
Theo Sơn Bách/Vietnam+