Công trình “đại thủy nông” hồ Bản Mòng đang nằm ngắc ngoải tại xã Hua La, TP Sơn La bao giờ sẽ được hoàn thiện? Hay cứ để mặc cho người dân sinh sống quanh khu vực này bị khốn khổ, đường xá thì phá nát, không trả lại mặt bằng cho dân.
Gần 500 tỷ đồng tiền đầu tư không hiệu quả, trách nhiệm thuộc về ai? Ai phải chịu trách nhiệm trước dự án dang dở gần 10 năm này. Trách nhiệm của lãnh đạo Bộ NN&PTNT ở dự án này đến đâu khi để một dự án gần 10 năm chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Công trình đại thủy nông Bản Mòng đang bắt đầu xây dựng.
Cuộc sống đảo lộn, dân khốn khổ
Trao đổi với phóng viên, anh Cà Văn Ngọc - Phó trưởng bản Nẹ Tở, xã Hua La, TP Sơn La (tỉnh Sơn La) thẳng thắn cho biết: “Đời sống của chúng tôi ở đây quá khổ, phải gánh chịu bao nỗi vất vả. Từ việc ruộng cấy, đất làm nông nghiệp không có, đến việc hồ nước bỏ hoang, đất đai xung quanh đây không dám làm. Bởi nếu trồng cấy mà dự án họ trở lại làm thì cũng dở, lại lo mất trắng”.
Anh Cà Văn Ngọc - Phó trưởng bản Nẹ Tở nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án.
Xây dựng xong thân đập rồi bỏ đó.
Cũng theo anh Ngọc, “Dự án hồ thủy lợi Bản Mòng (xã Hua La) được tiến hành vào tầm khoảng năm 2010, chúng tôi thấy họ vào làm mặt bằng rồi bắt đầu đến 2011 thì khởi công. Cty Meco 5 và sau này là Cty CP cơ điện và xây dựng Việt Nam tiến hành thi công. Họ thi công theo kiểu “đợi vốn”, cứ được “đồng nào” thì làm. Mà không có tiền thì cán bộ từ Ban quản lý dự án đến công nhân đều “chuồn sạch”. Khu lán trại bỏ hoang. Một số người dân không có nhà ở nên “tình nguyện” đến những dãy lán trại này ở trông coi giúp. Nếu không có những người dân trông giúp thì chắc còn hoang tàn nữa”.
Bức xúc vì việc đường xá qua lại khu vực bản Mòng này bị hư hỏng, lầy lội và nguy cơ tai nạn. Anh Tòng Văn Điện (làm nghề buôn bán thịt lợn) xã Hua La cho hay: “Hàng ngày, tôi làm nghề “bắt lợn”, buôn bán nên thường xuyên phải đi qua lại tuyến đường này. Đường đi quá gian truân, vất vả. Cứ mưa gió là lầy lội. Ngày nắng thì đi lại đỡ vất hơn, nhưng toàn đá và rãnh lớn. Giao thông khó khăn vô cùng”.
Anh Lò Văn Hây, một bạn buôn của anh Điện bức xúc cho biết: “Gần 10 năm qua, bọn tôi phải è cổ đi lại trên con đường này. Mà cũng chưa biết đến bao giờ thì chấm dứt. Người lớn thì không sao, khốn khổ nhất là các cháu học sinh đi lại. Hàng ngày các cháu từ các bản Nẹ Tở, Ten-co-nit và 1 số bản làng khác ra trung tâm xã Hua La học, các cháu đi lại rất khó khăn. Nhân dân chúng tôi rất mong muốn Nhà nước sớm giải quyết dứt điểm để người dân được nhờ”.
Qua điều tra, phóng viên được biết: Theo Quyết định số 1387/QĐ-BNN-XD ngày 14/5/2009 của Bộ NN&PTNT thì hồ chứa Bản Mòng, xã Hủa Na, TP Sơn La được chia làm 2 phần. Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 1 phụ trách đầu tư xây dựng.
Và UBND TP Sơn La làm chủ đầu tư về công tác GPMB, di dân, tái định cư với tổng kinh phí 92,363 tỷ đồng. Sau đó, dự án này được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt quy hoạch chi tiết tăng thành 310,524 tỷ đồng. Còn kế hoạch của Bộ NN&PTNT đưa ra là gần 400 tỷ đồng cho dự án này. Công tác bồi thường GPMB đã phê duyệt phương án tổng thể với tổng diện tích thu hồi: 173,3 ha của 463 hộ bị ảnh hưởng…
Thời gian khởi công là năm 2011 và sẽ hoàn thành sau 2 năm thi công. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay – 2018 thì dự án vẫn nham nhở như “chuột gặm”. Và hậu quả là người dân phải gánh chịu từ những bê bết của công trình này.
Trách nhiệm Bộ NN&PTNT đến đâu ?
Qua điều tra, phóng viên được biết: Với mục tiêu đề phòng lũ quét, cắt giảm lũ cho TP Sơn La, tạo nguồn cấp nước khoảng 27.500 m³/ngày đêm; Tưới tự chảy cho 263 ha đất nông nghiệp ven suối Nậm La. Và kết hợp du lịch, cải thiện môi trường sinh thái.
Theo thiết kế, dự án gồm hồ chứa thuộc công trình đầu mối cấp III, hệ thống kênh cấp IV. Đập chính được làm bằng bê tông trọng lực, trong thân đập có bố trí hầm thoát nước; Tràn xả mặt: được thiết kế tại vị trí tại lòng sông và Cống xả sâu: Dài 9m, Cửa cung, đóng mở bằng xi lanh thủy lực…
Hiện tại Chủ đầu tư, tức BQLDA đầu tư và XD thủy lợi 1 (Bộ NN&PTNT) mới tiến hành đổ xong bê tông phản áp, khoan phụt xử lý nền đoạn 2, 3, 6, đang đổ bê tông đại trà; Thi công đổ bê tông thân đập đoạn 3, 4, 5… còn lại nhiều hạng mục vẫn dang dở.
Dự án nằm ngay sát đường, do bỏ hoang, người dân phải lấy rào, rào lại do lo sợ tai nạn bất thường.
Về trách nhiệm của UBND TP Sơn La phụ trách phần di dân tái định cư (TĐC) thì đến nay: Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng các điểm TĐC: Điểm TĐC Ten Co Pít: Đã hoàn thành hệ thống đường giao thông, san nền 47/47 nền nhà, bố trí cho 32 hộ dân đã chuyển lên sinh sống; các điểm TĐC khác: Đang triển khai lập các dự án thành phần hạ tầng kỹ thuật của các điểm TĐC. Hoàn thành di chuyển 35 hộ dân, trong đó 32 hộ bản Nẹ Tở đến điểm TĐC Ten Co Pít và 3 hộ thuộc bản Lun lên điểm TĐC Ten Đôn.
Tuy nhiên, từ đây bắt đầu có một số ý kiến về chuyện TĐC. Mặc dù các báo cáo, số liệu gửi lên “cấp trên” thì “hoàn mỹ”, nhưng người dân ở đây đều kêu rằng các điểm TĐC đang thiếu điện, nước. Trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân có ý kiến, thì những đại biểu tiếp xúc cử tri chỉ cho rằng dự án hết vốn, hết nguồn rồi…
Trụ sở của Ban quản lý dự án thì không thấy, chỉ thấy khu nhà tồi tàn của nhà thầu và được người dân trông hộ.
Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên được biết: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 1 là đơn vị trực tiếp thuộc Bộ NN&PTNT, có địa chỉ tại số 48, đường Ngọc Hồi (ven QL1A cũ), phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Công trình thủy lợi Bản Mòng được xây dựng có hồ chứa gần 8 triệu m³ nước ở vùng thường nguồn suối Nậm La với quy mô vốn gần 500 tỷ đồng.
Khi khánh thành, công trình sẽ chủ động điều tiết tưới tiêu và phòng chống lũ cho vùng hạ lưu. Nhưng với tiến độ “ì ạch” gần 10 năm mà vẫn chưa xong thì “giấc mơ” chống lũ cũng như điều tiết lũ cho vùng hạ lưu cũng chỉ là những công trình trên giấy.
Đường giao thông bên cạnh dự án tan nát.
Biển hiệu chỉ dẫn cũng nát bươm, tơi tả như chính dự án.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Thị Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Đã đến lúc cần sớm thanh tra dự án này. Cần làm rõ những trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Sơn La trong việc làm chủ đầu tư dự án di dân, TĐC. Những ý kiến như dự án không có điện, nước… cần phải sớm được làm rõ để người dân thấu hiểu.
Cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ NN&PTNT khi để dự án ì ạch, nguyên nhân do đâu. Nếu không làm được, tại sao không có các giải pháp khác thay thế, hay chỉ “ù ì” trông chờ vào nguồn vốn ngân sách. Đã đến lúc cần phải chấm dứt những kiểu dự án “xí phần” trước khi quá muộn”, luật sư Thanh nhấn mạnh.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Theo Đức Hải – Đà Giang/Báo Xây dựng