Tại sao người ta phải “chạy” và “chạy” được chức quyền?

Cho rằng một tập thể không có chuyện lạm dụng quyền lực nếu được cấu thành từ cá nhân không lạm dụng quyền lực, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, chống lạm dụng quyền lực của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư đang vào hồi quyết liệt. Tất nhiên cuộc chiến này phải liên tục, lấy “ngọn lửa” lòng dân để thiêu cháy nhân tố tiêu cực.

“Do tâm không sáng của người có thẩm quyền mà thôi! Vẫn là lựa chọn cán bộ chủ chốt có đức - tài, còn nếu bộ lọc không tốt thì đầu ra không tốt”.

Điều tối quan trọng là kiểm soát quyền lực cá nhân

PV: Từ Kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016, ông đã đề xuất xây dựng cơ chế: Lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực, lấy đạo đức để kiểm soát quyền lực, lấy lòng dân để kiểm soát quyền lực, lấy thông tin đại chúng để kiểm soát quyền lực. Ông có thể phần tích thêm về quan điểm này?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Quyền lực nếu không được kiểm soát thì sẽ bị lạm dụng và sự tha hóa quyền lực sẽ làm biến chất thể chế chính trị, thậm chí đe dọa sự tồn vong của một chế độ. Đó là quy luật nên mọi chế độ đều đưa ra cơ chế kiểm soát để không thể trao quyền lực cho một cá nhân lộng hành.Vừa qua có sự lạm dụng quyền lực trong tay của mỗi cá nhân nên Đảng ta có bước chấn chỉnh. Quyền lực từng bước được kiểm soát thông qua nhiều giải pháp đã đề ra. Tuy nhiên, nếu như quyền lực chỉ có thể kiểm soát bởi quyền lực, tức kiểm soát bên trong thì chưa phải giải pháp gốc rễ mà phải có cả kiểm soát từ bên ngoài.

Với quyền lực để kiểm soát quyền lực thì trước hết Đảng phải tự làm trong sạch bằng quy chế, quy định như rào chặt về công tác cán bộ, về đạo đức cán bộ, xử lý sai phạm. Vấn đề này được nhận diện và gần đây việc củng cố quy định đang chặt chẽ dần. Một tập thể trình độ yếu kém, phẩm chất sa sút thì không thể đưa ra đường lối anh minh được. Khía cạnh này là lựa chọn được người tài vào cấp cao để có tập thể trí tuệ, sáng suốt gánh vác được vai trò, sứ mệnh được trao.

Khía cạnh nữa là cơ chế kỷ luật Đảng – “thanh kiếm” bảo vệ không chỉ thanh danh, uy tín của Đảng mà còn bảo vệ sức mạnh của Đảng. Ví như cơ thể khỏe mạnh là tập hợp từ tế bào khỏe, đó chính là nhân sự tốt thì khám bệnh thường xuyên để điều trị, loại bỏ bệnh tật, ngăn chặn phòng ngừa bệnh chính là vai trò kiểm tra, giám sát.

Thời gian vừa qua, đứng trước niềm tin suy giảm của nhân dân, Đảng từng bước loại bỏ tế bào hư hoại, thể hiện không có vùng cấm trong xử lý cán bộ. Sự quyết liệt đó đã dần khôi phục tuy tín và niềm tin.Nhân sự là việc làm thường xuyên liên tục. Cán bộ không ngang tầm, không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, phẩm hạnh thì phải thay đổi, chứ không phải anh được bầu vào rồi thì cứ thế ngồi hết nhiệm kỳ. Điều này thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 và Trung ương 5 là xử lý cán bộ không đợi hết nhiệm kỳ.

Vấn đề thứ hai của lấy quyền lực kiểm soát quyền lực thể hiện ở bộ máy chính quyền Nhà nước. Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân thì xây dựng các quy tắc xử sự chung; thực hiện giám sát. Chính phủ phải vận hành một cách chủ động, khách quan, đúng đắn theo các quyết định, không được phép vượt rào, vượt quyền… Vai trò của mỗi cơ quan đều phải xem xét trên bình diện lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lòng dân. Mọi giải pháp đưa ra đều phải hướng vào ý chí nguyện vọng của nhân dân, từ đó mới kiểm soát được quyền lực nhân dân trao gửi.

Một vấn đề quan trọng nữa là chế độ chịu sự giám sát. Ở ta Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp nên cái gì vượt qua quyền đó thì Quốc hội phải lập tức ngăn chặn. Bên cạnh đó cử tri phải giám sát chặt chẽ đại biểu của mình. Nếu đại biểu không thể hiện được, né tránh, thập chí vi phạm thì cử tri có quyền khởi xướng bãi miễn. Đại biểu có quyền giám sát chức danh do mình bầu ra, nếu thấy không tương xứng sứ mệnh trao gửi thì đề xuất bãi miễn, bãi nhiệm, đình chỉ. Cơ chế luật pháp có rồi, vấn đề là thực hiện như thế nào thôi.

Một điểm nữa là kiểm soát của cấp trên với cấp dưới. Hiện nay chúng ta đang có một vị Tổng Bí thư sáng suốt, quyết liệt, là người nhạc trưởng nên phát hiện trong dàn nhạc có người nào gẩy lên những âm thanh sai lạc để loại bỏ.

Cái nào thành tích của tập thể và cái nào là thành tích cá nhân thì phải làm rõ. Ý tôi muốn nói kiểm soát quyền lực của tập thể là phải xem xét ở khía cạnh tập hợp của mỗi cá nhân. Nếu mỗi cá nhân tốt thì quyết định của tập thể tốt. Còn phân hóa ra nhóm lợi ích thì phải nhận diện để xử lý. Có như thế quyền lực mới được kiểm soát.

Còn tại sao nói dùng đạo đức để kiểm soát quyền lực? Kinh nghiệm của cha ông là lựa chọn cán bộ vào bộ máy đầu tiên phải lựa chọn phẩm hạnh, dựa vào ứng xử của người đó với pháp luật, với quy định của Đảng, sự gương mẫu…; đánh giá đạo đức công vụ xem họ có toàn tâm toàn ý từ phát ngôn đến hành động trong công việc chung như thế nào. Đánh giá phải công tâm khách quan. Một tập thể bè cánh, xuôi chiều thì khó có thể đánh giá được người tốt.

Vấn đề thứ ba là lấy lòng dân để kiểm soát quyền lực. Qua các kênh như tiếp xúc cử tri, sinh hoạt Đảng phải phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, ý chí của người dân để từ đó có điều chỉnh chính sách “trúng” lòng dân. Tất nhiên ý kiến phản ánh cần có sự sàng lọc. Như tại các kỳ họp Quốc hội đều có báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri thì xem giải quyết đến đâu, lòng dân đang hướng đến cái gì và chúng ta còn nợ dân những kiến nghị gì.

Còn với truyền thông nói rộng và báo chí nói hẹp nếu phản ánh đúng sự thực, giám sát chặt chẽ hành vi của cán bộ là một kênh để cơ quan lãnh đạo nắm bắt và xử lý kịp thời; giúp cơ quan chức năng nhận diện các bộ phận cấu thành ở đâu đó có sai phạm để ngăn chặn.

Điều tối quan trọng hiện nay là kiểm soát quyền lực của cá nhân. Tập thể không có chuyện lạm dụng quyền lực nếu được cấu thành từ những cá nhân không lạm dụng quyền lực. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, chống lạm dụng quyền lực của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư đang vào hồi quyết liệt. Tất nhiên cuộc chiến này phải liên tục, lấy “ngọn lửa” lòng dân để thiêu cháy nhân tố tiêu cực.

PV: Ông cũng từng thẳng thắn nói rằng: "Người ta đưa anh vào một vị trí dù không có năng lực nhưng do không có lòng tự trọng, liêm sỉ nên anh vẫn ngạo nghễ ngồi trên đó để lộng hành...”. Đây là vấn đề “đạo đức” như đại biểu đề cập?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Nói về phạm trù đạo đức cá nhân thì rộng, nhưng có liêm sỉ là yếu tố cấu thành đạo đức. Một người được nhân dân, tập thể trao gửi quyền lực, sứ mệnh thì trước hết anh phải đong đếm mình có xứng đáng vào vị trí đó không.

Tôi chưa nói tới việc chạy chức, chạy quyền mà chỉ trong quá trình lãnh đạo, anh cảm thấy không ngang tầm nhiệm vụ thì nên rút lui. Người có liêm sỉ biết anh dừng ở đâu để khống chế lòng tham.

Một bộ trưởng được Quốc hội bầu mà qua 2 năm để ngành mình liên tục bị xã hội bức xúc, tác động tích cực không có, thậm chí phát biểu ngây ngô thì bãi chức được chứ! Với cấp thấp hơn cũng hoàn toàn kiểm soát được nếu đánh giá cán bộ định lượng thay vì định tính. Đó cũng chính là tinh thần của Nghị quyết Trung ương là kiên quyết thay thế nhân sự không còn xứng đáng, có vi phạm mà không đợi hết nhiệm kỳ.

 

Ngăn chặn lòng tham và thói háo danh

PV: Có thể nói căn bệnh về cán bộ đã được Nghị quyết Trung ương bắt rất trúng, thuốc cũng đã kê đơn rồi, còn lại là ai uống và uống như thế nào và nếu không tự giác thì cần buộc phải uống. Việc hàng loạt cán bộ vi phạm bị xử lý kỷ luật thời gian qua đã cho thấy điều này, thưa ông?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Hiện nay Đảng quy định chặt chẽ hơn liên quan công tác cán bộ, tức là đã kê đơn, chỉ nguồn thuốc, còn bốc thuốc là do cơ quan có thẩm quyền về vấn đề nhân sự. Quốc hội có công cụ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Theo quy định việc này làm định kỳ, nhưng vẫn có những trường hợp nên không theo định kỳ.

Các cơ quan, thậm chí đại biểu Quốc hội qua giám sát thấy vị đó không xứng đáng thì đề xuất Quốc hội xem xét. Quan trọng là phải có cơ chế là khi có đề xuất thì Quốc hội xem xét thế nào, đồng ý hay không đồng ý. Phải “bốc thuốc” là vì thế, còn ít người tự giác “uống thuốc” lắm, từ trước tới nay “treo ấn từ quan” có nhiều đâu!

PV: Hàng loạt quy định của Đảng, trong đó có nhiều Quyết định của Bộ Chính trị liên quan đến công tác cán bộ đã được ban hành. Cùng với việc lấy ý kiến vào dự thảo chuyên đề về kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ thì rõ ràng cái “lồng cơ chế” để “nhốt” quyền lực như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đang dần hoàn thiện, thưa ông?

 “Người có liêm sỉ biết dừng ở đâu để khống chế lòng tham. Có người không tự trọng để rút lui, còn cố thanh minh, lấy cả cái sai để biện minh. Không thể hiện được qua thực tế thì phải phải phế truất đi chứ!”

Đại biểu Lê Thanh Vân: “Lồng” quy chế để “nhốt” quyền lực mà Tổng Bí thư đã nói là cụm từ rất hay. Trước hết hành vi ứng xử của cá nhân, tập thể phải tuân thủ quy tắc xử xự do tập thể đặt ra, đó chính là lồng quy chế. Vừa qua các cơ quan của Đảng đưa ra hàng loạt văn bản để siết chặt công tác cán bộ, nhưng đương nhiên quy định không có gì là bất biến, khi đưa ra vận hành trong thực tiễn mà thấy còn lỗ hổng thì tiếp rục rào chặt bằng cách kịp thời sửa chữa, bổ sung.

PV: Cơ chế kiểm soát quyền lực muốn phát huy tác dụng phải đi liền với sự giám sát. Nếu người dân được giao quyền giám sát bằng cơ chế cụ thể với các cấp thì thiết nghĩ người có quyền lực cũng phải e dè, không dám lạm quyền?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Lấy lòng dân để kiểm soát quyền lực chính là cơ chế để cho nhân dân thể hiện được ý chí nguyện vọng của mình. Về cơ chế cơ bản ta có đủ, đó là thông qua tiếp xúc ,gặp gỡ cử tri, người dân của đại biểu Quốc hội, là trong sinh hoạt Đảng ở nơi cư trú. Vấn đề là đại biểu, đảng viên đó thu thập ý kiến cử tri, nhân dân như thế nào.

Quay trở lại vẫn là yếu tố con người. Anh có mang hết tâm huyết của mình để mang vác trọng trách là phản ánh ý kiến kiến nghị của nhân dân trước cơ quan mình là thành viên, cơ quan mình có thẩm quyền hay không. Cơ chế có nhiều kênh nhưng trở lại vẫn là cán bộ - người thực thi cầu nối giữa dân với Đảng, Nhà nước.

PV: Một số văn bản khẳng định chạy chức, chạy quyền ngày càng tinh vi, phức tạp. Các giải pháp đang được đề cập trước hết tập trung vào mục tiêu “không thể chạy” và “không dám chạy”, tức bằng quy trình quy chế và chế tài xử phạt xử lý. Tuy nhiên mấu chốt vẫn phải là minh bạch và trách nhiệm giải trình, thưa ông?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Để “không muốn tham nhũng” thì liên quan đến chế độ thu nhập, tuy nhiên vấn đề không chỉ là tiền lương mà còn yếu tố quan trọng là phẩm hạnh cán bộ. Có người thấy lương đủ sống, có đạo đức thì người ta không đòi hỏi đâu, có chăng là đòi hỏi cống hiến cơ, đó chính là sử dụng người tài. Còn tiền lương liên quan ngân sách, anh bù chỗ này thì chỗ khác sẽ hổng trong lúc chi thường xuyên ta quá lớn Muốn tinh gọn bộ máy thì phải dùng người cho đúng, một người làm bằng 10 người. Còn để “không dám” thì tôi từng đề nghị cần có trừng phạt về mặt hình sự với những ai cố tình bẻ cong pháp luật để tiến cử nhầm người. Người bổ nhiệm “nhầm” vừa rồi chỉ bị khiển trách, cảnh cáo, chưa phạt nặng họ thì họ chưa sợ. Có người bị tước danh hiệu trong quá khứ thì không tác động lớn lắm, với người không có liêm sỉ thì người ta cũng chả cần.Phải có cơ chế để ngăn chặn lòng tham, thói háo danh cũng như để không thể vượt rào. Ngày xưa thí sinh tỉnh A vào trường thi thì ông giám khảo tỉnh A phải ra ngoài, chứ không có chuyện bố ngồi quyết cho con, chú quyết cho cháu…

Cứ nói “nhận trách nhiệm” nhưng cụ thể là gì?

PV:Thưa ông, vấn đề minh bạch giải trình, thời gian vừa qua chúng ta có những bước tiến bộ, nhưng rõ ràng vẫn chưa đạt yêu cầu?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Cơ chế giải trình của người nắm giữ quyền lực nhất định trước cơ quan bầu, bổ nhiệm họ vừa qua tôi cho rằng mới khởi động hình thức thôi, chưa đi vào bản chất.

Giải trình trước Quốc hội cứ nói “tôi xin chịu trách nhiệm” nhưng trách nhiệm cụ thể là cái gì? Ở đây có trách nhiệm chính trị, uy tín của người đó giảm sút thì phải thay. Còn trách nhiệm pháp lý thì có trách nhiệm dân sự, hình sự, hành chính và kinh tế. Nói nhận trách nhiệm thì anh phải nhận hình thức nào đó chứ! Cứ nói chung chung thì chỉ tạm thời du lắng sự bức xúc của người khác.

Cơ chế giải trình là hình thức giám sát của cơ quan có thẩm quyền với nhân sự do mình bầu, phê chuẩn. Nhưng có những phiên giải trình như cung cấp thông tin, thậm chí thanh minh, nhận trách nhiệm chung chung thì hoạt động giải trình chưa thực chất. Đúng ra cơ quan giám sát phải truy trách nhiệm đến nơi đến chốn để người đó phải chịu một trách nhiệm cụ thể.

“Kiểm soát quyền lực của tập thể phải xem xét ở khía cạnh tập hợp của mỗi cá nhân. Nếu mỗi cá nhân tốt thì quyết định của tập thể tốt. Còn phân hóa ra nhóm lợi ích thì phải nhận diện để xử lý. Có như thế quyền lực mới được kiểm soát.”

Cách làm hiện nay cũng chỉ có tính chất cảnh báo, còn chưa thực sự đủ mạnh. Lẽ ra, trước khi định kỳ lấy phiếu tín nhiệm thì phải thảo luận thành tích và hạn chế, thậm chí cả sai phạm của đối tượng đó trong thời gian vừa qua. Khi đó Quốc hội mới đong đếm, định lượng được để lấy phiếu.

PV: Quay lại vấn đề chạy chức, chạy quyền, câu hỏi đặt ra là tại sao người ta phải chạy và quan trọng hơn là “chạy” được?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Do tâm không sáng của người có thẩm quyền mà thôi! Người có thẩm quyền mà tham nhũng thì trường hợp thứ nhất “chạy” được sẽ rỉ tai nhau và người thứ hai cũng “chạy” được. Do đó, trở lại vẫn là lựa chọn cán bộ chủ chốt có đức - tài, còn nếu bộ lọc không tốt thì đầu ra không tốt.

Vừa qua vấn đề tiêu cực biểu hiện với tần xuất nhiều quá, đến mức Đảng phải ra những văn bản chưa từng thấy là chỉ rõ chi tiết 27 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Quy định chuẩn mực có rồi thì phải có người chuẩn mực để làm một cách công tâm.

Tôi và hầu hết cán bộ đảng viên và nhân dân đều tin rằng, nếu Đảng làm quyết liệt, “lò” nóng thường xuyên thì công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực có kết quả, chỉnh đốn lại được tổ chức, bộ máy.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Theo VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều