"Thanh bảo kiếm" trong phòng chống tham nhũng, lãng phí ​

Đánh giá về vai trò của nhân dân, của báo chí và công khai kết luận kiểm tra, thanh tra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn lời của V.I. Lênin, “tính công khai như thanh bảo kiếm, nó phanh phui cắt bỏ những ung nhọt, đồng thời làm lành vết thương của chúng ta” (*).

Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng,nghiêm trọng, phức tạp được xử lý nghiêm minh. (Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)

Tại Kỳ họp thứ 12, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã đánh giá: Cùng với những kết quả tích cực đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật; xử lý kỷ luật nghiêm cả những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức, cán bộ nghỉ hưu và được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: Kiểm tra, xử lý các vụ sai phạm tại Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương, Tỉnh ủy Bình Định, Đồng Nai…; thanh tra toàn diện dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone; việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn… .

Phát biểu tại Kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Điều quan trọng là kết quả phòng, chống tham nhũng 6 tháng qua đã cho thêm những kinh nghiệm quý”. Một trong những kinh nghiệm quan trọng “là đã huy động được sức mạnh toàn dân và cả hệ thống chính trị, được nhân dân đồng tình, báo chí vào cuộc một cách công khai, trở thành phong trào, xu thế trong toàn xã hội”. 

 Thực tiễn thời gian gần đây cho thấy, từ vụ việc báo chí phản ánh chiếc xe đắt tiền thay biển trắng, gắn biển xanh của một cán bộ lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã lộ ra những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, hé lộ dấu hiệu tham nhũng, “lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích”  trong vụ Trịnh Xuân Thanh. Gần đây, báo chí phản ánh một cán bộ lãnh đạo Bộ Công thương sở hữu khối tài sản “khủng”, hoặc “biệt phủ” của một giám đốc sở, thuộc tỉnh Yên Bái, cơ quan Kiểm tra của Đảng và Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc làm rõ. Dịp nghỉ Tết vừa qua, chỉ một ngày sau khi báo chí phản ánh việc một số cán bộ, công chức của Bộ Công thương đi lễ chùa trong giờ hành chính, Bộ đã có chỉ đạo kịp thời, kiểm tra xác minh và đưa ra hình thức kỷ luật. Việc cán bộ phường Văn Miếu (Hà Nội) chậm giải quyết cấp chứng tử cho dân; một cán bộ lãnh đạo quận Thanh Xuân đi ăn trưa đỗ xe ô tô không đúng quy định…, sau khi báo chí cùng người dân qua mạng xã hội phản ánh, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra, kết luận, có hình thức kiểm điểm thi hành kỷ luật đối với công chức, viên chức sai phạm.

Thực tế đó cho thấy vai trò rất quan trọng của báo chí, của nhân dân và dư luận xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Gần đây, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công khai kết quả kiểm tra, xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ  Đảng, pháp luật Nhà nước được đông đảo nhân dân đồng tình và đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít vụ việc nhân dân, dư luận xã hội và báo chí phát hiện nhưng cơ quan chức năng chậm kiểm tra, thanh tra; xử lý không kịp thời hoặc kiểm tra, thanh tra nhưng không làm đến cùng, bỏ lọt những cán bộ có sai phạm không bị xử lý, hình thức kỷ luật đối với một số trường hợp không thỏa đáng, không có tác dụng giáo dục, răn đe, có vụ việc bị rơi vào “im lặng”.  

Hiện nay, tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, cũng cần tuyên truyền, khơi dậy lương tâm và trách nhiệm, tính chiến đấu, tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tổ chức đảng và chính quyền các cấp cần làm tốt công tác dân vận, thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân, công khai, minh bạch các hoạt động trên mọi lĩnh vực liên quan đến đời sống của nhân dân. Đây là biện pháp quan trọng để nhân dân giám sát hoạt động của đảng viên, cán bộ; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ người tổ cáo, giữ bí mật danh tính người tố cáo và thân nhân của họ; ngăn chặn và xử lí thích đáng những hành vi trả thù người tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân chú trọng, lắng nghe và tiếp thu có chọn lọc những ý kiến của nhân dân và dư luận xã hội, định kỳ báo cáo, phản ánh với thường trực cấp ủy cùng cấp, kiến nghị kiểm tra, thanh tra, xử lý những vụ việc dư luận và báo chí đăng tải.

Cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí và kiểm tra của tổ chức Đảng, thanh tra Nhà nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ: Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Hiện nay công nghệ thông tin phát triển rộng rãi, hơn 1 phần 3 dân số nước ta sử dụng máy tính và điện thoại thông minh tham gia mạng xã hội. Người dân sử dụng mạng xã hội không những để giao lưu, kết nối bạn bè mà còn là nơi biểu hiện tâm trạng, phản ánh những vụ việc tiêu cực, biểu lộ sự hài lòng hoặc không hài lòng đối với ứng xử của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Một số vụ việc tiêu cực đăng tải trên mạng xã hội được cơ quan kiểm tra, thanh tra xác minh làm rõ, xử lý kỷ luật, có vụ việc đã đưa ra truy tổ trước pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mạng xã hội cũng đã và đang ẩn chứa nhiều thông tin lệch lạc, bịa đặt trắng trợn, biểu lộ tâm lý hằn học, bất mãn,…nhằm kích động tư tưởng, tạo tâm lý bi quan, bất an trong đời sống xã hội, cản trở công cuộc đổi mới. Vì vậy, cần tỉnh táo khi khai thác thông tin trên mạng xã hội. Chỉ sử dụng thông tin sau khi đã được kiểm chứng, xác định rõ nguồn tin, nhân thân của người đưa tin, bảo đảm trung thực, chính xác; xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, cá nhân đưa tin sai sự thật .

Để phát huy vai trò của báo chí, trước hết ,báo chí cần làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội và là diễn đàn của nhân dân; giám sát, điều tra, đăng tải những vụ việc sai phạm của tập thể, cá nhân một cách khách quan, trung thực, chính xác. Đặc biệt là cần chú trọng phân tích, rút ra những bài học kinh nghiệm trong từng vụ việc nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa sai phạm, tạo áp lực mạnh mẽ của dư luân xã hội, lên án các hành vi tham nhũng, tiêu cực; đồng thời đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt.

 

Tổ chức đảng và cơ quan Nhà nước cần hợp tác chặt chẽ với báo chí, tạo thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp, cung cấp thông tin trung thực, có biện pháp bảo vệ nhà báo. Khi báo chí đăng tải những vụ việc tham nhũng, tiêu cực thi các cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, thanh tra, xác định đúng sai, quy trách nhiệm rõ ràng, xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có sai phạm, không có vùng cấm; công khai kết quả kiểm tra, thanh tra trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không để những thông tin phản ánh trung thực của báo chí, của nhân dân phát hiện rơi vào im lặng, quên lãng./.

------------------

(*) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. (Theo Báo điện tử, đại biểu nhân dân, ngày 1/8/2017 ).

Theo Hồng Minh /Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều