Thành phố mùa Xuân “kêu cứu” và giải pháp bảo vệ, gìn giữ, phát huy danh lam, thắng cảnh tại Đà Lạt

Bất chấp những hệ luỵ nghiêm trọng có thể xảy đến về môi trường và tàn phá cảnh quan thiên nhiên, Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng ngang nhiên “vượt mặt” các cấp chính quyền của tỉnh Lâm Đồng để cắt hạ rừng thông, san ủi đồi, thi công hạng mục “cầu đáy kính” tại Khu du lịch Thung lũng Tình yêu (thành phố Đà Lạt).

Thung lũng Tình yêu Đà Lạt. Nguồn: Internet.

Đà Lạt, Lâm Đồng là một trong những địa phương thu hút khách du lịch nhiều nhất cả nước và không thể phủ nhận diện mạo đô thị nơi được mệnh danh là thành phố mùa Xuân đang “thay da, đổi thịt” ấn tượng; tuy nhiên, sự xuất hiện ồ ạt những dự án bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng đã tạo ra thách thức rất lớn đối với công tác quy hoạch, môi trường, sinh thái của thành phố này.

Trong một vài năm trở lại đây, trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận mà chấp nhận bán rẻ môi trường, đánh đổi tài nguyên thiên nhiên của Đạt Lạt để thỏa mãn lòng tham, cái lợi trước mắt chỉ nhằm phục vụ cho một nhóm lợi ích trong xã hội.

Tại danh thắng Thung lũng Tình yêu, dù mới chỉ chấp thuận phương án đầu tư, chưa có bất kỳ một giấy phép gì, Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng (Công ty TTC World) đã đưa máy móc, công nhân ồ ạt san đồi, cắt cây rừng, thi công hạng mục “cầu đáy kính” tại Khu du lịch Thung lũng Tình yêu và Khu du lịch Đồi Mộng mơ (TP Đà Lạt).

 Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đối với hạng mục “cầu đáy kinh” do Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng làm chủ đầu tư.

Điều đáng nói, hạng mục này mới chỉ được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho ý kiến tại buổi làm việc nghe báo cáo của chủ đầu tư về phương án đầu tư, xây dựng vào ngày 12/4/2019.

Tại buổi làm việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu các quy định hiện hành, xây dựng báo cáo khả thi và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để đảm bảo điều kiện triển khai đầu tư, xây dựng công trình theo đúng quy định.

Ông Đoàn Văn Việt đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với một số ban, ngành liên quan rà soát chủ trương đầu tư và quy hoạch của dự án Khu du lịch Thung lũng Tình yêu và Khu du lịch Đồi Mộng mơ để hướng dẫn nhà đầu tư bổ sụng hạng mục “cầu đáy kính” vào dự án và quy hoạch làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Đến tháng 12/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng mới có công văn thống nhất chủ trương cho Công ty TTC World thuê đất, thuê rừng tại Khu du lịch Thung lũng Tình yêu.

Thế nhưng, tại thực địa, từ nhiều tháng trước đó, Công ty TTC World đã cho quây tôn, che kín khu vực có hạng mục thi công “cầu đáy kính” và treo biển quảng cáo về dự án này. Đến nay, chủ đầu tư đã triển khai xây dựng cơ bản, gần hoàn thiện hạng mục.

Báo cáo lãnh đạo tỉnh một đằng, Công ty TTC World thi công một nẻo. Doanh nghiệp này đã ngang nhiên cho san ủi, tạo mặt bằng ở nhiều vị trí tại các quả đồi trong khu du lịch.

Nhiều cây thông cổ thụ đường kính từ 40-50cm, cao khoảng 30-40m đã bị cắt hạ không chút thương tiếc. Bốn mố cầu có chiều cao hàng chục mét đã được xây dựng hoàn thiện. Nhiều khối bê tông để níu dây cáp cũng được đổ ngay dưới chân các trụ cầu, đá lát làm đường đi cơ bản đã xong, khung nhà điều hành bằng thép hoàn thiện phần khung...

 Một cây thông cổ thụ bị cắt hạ chỉ còn lại phần gốc. Ảnh: Báo Thanh tra

Theo Báo Thanh tra, dự án xây “cầu đáy kính” đã được triển khai từ rất lâu. Toàn bộ công nhân tham gia xây dựng đều nói tiếng Trung Quốc.

Tại các vị trí cổng dẫn vào khu vực dưới chân mố cầu đều được treo biển cảnh báo nguy hiểm và các bảng nội quy ghi bằng tiếng Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài 4 trụ cầu được xây dựng xong, chủ đầu tư cũng đã cho kéo dây cáp nối giữa các trụ với chiều dài khoảng 1km.

Thực tế cho thấy, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đều được bảo vệ bằng các văn bản pháp lý của Việt Nam và quốc tế (Công ước về việc bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên của thế giới (Ðã được thông qua tại kỳ họp thứ 17 của Ðại hội đồng UNESCO, Việt Nam gia nhập năm 1987; Luật Di sản Văn hóa; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thủy sản; Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014; Luật Du lịch; Luật Đa dạng sinh học…), nhưng các danh lam thắng cảnh này vẫn không ngừng bị xâm hại.

Phải nói thêm rằng, Thung lũng Tình Yêu đẹp, cuốn hút bởi thung lũng sâu và đồi thông quanh năm xanh biếc., cho nên mọi tác động đến cảnh quan, sinh thái, môi trường biển dù nhỏ nhất đều rất nhạy cảm, cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học.

Ai đã cho phép chủ đầu tư được xây dựng như thế? Tại sao một công trình “cầu đáy kính” thi công sai phạm trong nhiều tháng liền vẫn vô tư vượt mặt các cấp chính quyền của thành phố Đà Lạt? Có hay không việc bảo kê, chống lưng cho sai phạm của doanh nghiệp để “con voi chui lọt lỗ kim”? Phải chăng UBND tỉnh Lâm Đồng chấp nhận đánh đổi việc môi trường bị hủy hoại, để lấy lợi ích phát triển kinh tế trước mắt? Tại sao tỉnh Lâm Đông không công bố, không minh bạch thông tin để người dân được biết, được bàn, được tham gia, được giám sát quy hoạch?

 Dù mới chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ đầu tư đã đưa máy móc thi công dự án. Ảnh: Báo Thanh tra

Thung lũng Tình yêu, Đồi Mộng Mơ không phải của riêng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, việc biến danh lam thắng cảnh thành đại công trường, những khối sắt thép, những tấm kính khổng lồ, địa điểm vui chơi lòe loẹt dành cho những kẻ đi du lịch kiểu hời hợt, không biết trân quý giá trị thiên nhiên là tội ác đối với thiên cổ và muôn đời sau.

Thung lũng Tình yêu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Thắng cảnh cấp Quốc gia vào tháng 10/1998. Cái tên Thung Lũng Tình Yêu ra đời vào năm 1972, được dịch ra từ tên gốc tiếng Pháp - Valley d'Amour. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy danh lam thắng cảnh phải được kiểm soát, phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý du lịch bền vững.

Một là, trong quá trình khai thác giá trị của Thung lũng Tình yêu đã sinh ra những tác động tiêu cực đến cả về mặt cơ học, hoá học, môi trường văn hóa, cảnh quan và sinh thái của khu vực. Chính vì vậy, việc phát huy giá trị danh lam thắng cảnh thiên nhiên phải được kiểm soát, phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý du lịch bền vững; trong đó phải có dự báo lượng khách du lịch, nghiên cứu những tác động từ khách du lịch, khả năng có thể đón tiếp du khách của khu vực, quản lý, điều phối lượt khách tham quan và kế hoạch tạo công ăn việc làm, cộng đồng trách nhiệm giữa đơn vị chức năng và cộng đồng sở tại.

Hai là, hoạt động xây dựng, bê tông hóa, kính hóa các công trình có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, bất cập trong quản lý, tạo ra nguy cơ gây suy giảm hệ sinh thái. Do vậy, việc xây dựng các công trình nhân tạo cần được tiến hành trong một quy hoạch tổng thể và chỉ được làm ở những địa điểm phù hợp. Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố cần phải xem xét kỹ lưỡng, chẳng hạn như tác động việc chặt phát rừng, vấn đề môi trường sống của các loài động vật…

Ba là, đối với các công trình vùng lõi danh lam, thắng cảnh, không ưu tiên các công trình cao tầng và công trình có khối tích lớn, cần ưu tín phát triển công trình có hình thức kiến trúc cần đồng nhất, không quá pha tạp và nên sử dụng màu sắc hài hoà với cảnh sắc của vùng ven biển, như màu sắc nhẹ nhàng, vật liệu bền vững nhưng mang đậm nét đặc trưng của địa phương.

Nguồn tham khảo:

http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/pha-rung-thong-xay-cau-cam-giac-manh-trong-thung-lung-tinh-yeu_t114c39n159130

Phan Anh Tuấn (tổng hợp)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều