Trong lò tập huấn các “tuyệt chiêu lừa đảo”
Trong một khoảng thời gian dài, chúng tôi đã tiếp xúc rất nhiều đầu mối bán giấy tờ giả trên cả 3 miền, hỏi mua đủ loại giấy tờ giả từ bằng đại học, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận tâm thần…, và tất cả đều có thể mua được khá dễ dàng. Thậm chí có đối tượng còn tư vấn cho chúng tôi cách thức sử dụng giấy tờ giả (chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và sổ đỏ) để đi lừa đảo.
N.G.T, một đối tượng chuyên làm giả giấy tờ kiểu này, đã tỏ ra tận tình mách nước cho phóng viên cách đi lừa đảo từ giấy tờ giả mà hắn cung cấp: “Bây giờ em mua sổ hộ khẩu và sổ đỏ đi kèm cả chứng minh nhân dân nữa. Một vốn bốn lời đấy. Em dùng để vay tín dụng hoặc đi cắm cho các tiệm cầm đồ. Anh tính cho em nghe nhé. Thẻ căn cước và chứng minh nhân dân, anh bán cho em giá một triệu đồng, sổ hộ khẩu 3 triệu đồng, sổ đỏ 7 triệu đồng. Nhưng em có thể cắm chứng minh thư được ít nhất 5 triệu, sổ hộ khẩu 10 triệu, sổ đỏ thì không ít hơn 20 triệu. Vậy là quá lãi”.
Nhiệt tình hơn, N.G.T còn cho chúng tôi xem những “khách hàng” đã sử dụng một “combo” giấy tờ giả như trên để đi lừa đảo và rất có hiệu quả. T tiếp tục chào hàng: “Ở ngoài Bắc, có rất nhiều khách hàng đã mua các loại giấy của anh và đi cắm được. Người ta làm nhiều lắm vì giấy của anh khi đưa ra máy soi còn không phát hiện được, thật đến 99% (?).
Mà cái chính là không ai đi xác minh tận địa phương xem nhà em, hay bản thân em có đúng với sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân đâu. Chỉ cần mang một trong 4 loại là thẻ căn cước hoặc CMND, bằng lái xe, sổ đỏ và sổ hộ khẩu thì em có thể vay tiền hoặc cắm ở bất cứ đâu”.
Phôi "Thẻ nhà báo" (giả) cũng như các lời quảng cáo "không máy soi nào phát hiện ra" giấy tờ rởm mà đối tượng đã gửi cho chúng tôi khi tiến hành giao dịch.
Thậm chí, T còn đưa ra nhiều viễn cảnh khác như dùng thẻ công an, thẻ nhà báo giả để “dọa” ngược lại công an và... nhà báo (!?). Ai cũng hiểu rằng những “khách hàng” của T muốn mua giấy tờ giả, thẻ giả thì không ai sử dụng vào những mục đích tốt đẹp cả. Nhóm phóng viên đã được các đối tượng cho xem cả những những chiếc bằng đại học (giả) có kèm chứng chỉ với tem của “Bộ Giáo dục Đào tạo”, có chữ ký của “Hiệu trưởng” một số trường đại học”, những bộ hồ sơ tâm thần, sổ đỏ, sổ hộ khẩu, CMND..., tất tật đều được làm theo công nghệ lừa đảo “siêu đẳng” kể trên.
Không phân biệt nổi thật giả, trừ khi “moi” hồ sơ ra đối chứng!
Lần này chúng tôi đưa ra “yêu cầu” cao hơn là muốn có thẻ ngành công an và thẻ nhà báo giả. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, bản thân T cũng ý thức được rất rõ giá trị của hai loại thẻ này, chính vì thế T hét giá 3,8 triệu đồng đối với hai loại thẻ trên, kèm thêm lời khẳng định: “Thẻ của anh có “máy trời” cũng không soi được vì là phôi thật, trừ khi người ta kiểm tra hồ sơ gốc. Nhưng nếu em chỉ dùng vào những việc nhẹ nhàng thì không phải lo.
Cái gì cũng có ngưỡng của nó. Ví dụ dùng thẻ này vào những việc nhẹ nhàng hay cho oai thì không lo vì có ai đi kiểm tra hồ sơ gốc của em đâu; chỉ khi vi phạm nặng quá, bị công an bắt chẳng hạn, người ta mới kiểm tra hồ sơ gốc. Còn em yên tâm thẻ của anh là thẻ... “thật 100%”.
“Thẻ nhà báo kia, anh làm theo yêu cầu của em. Em thích làm ở đâu, cơ quan nào, vị trí nào, tên tuổi gì đều có hết. Thẻ của anh đắt hơn là vì dùng phôi thật. Phôi của anh có người tuồn từ “Sở” ra nên em yên tâm nó không phải là cái thẻ giả như chỗ khác làm. Nó là thẻ làm từ phôi thật (?). Em gửi cho anh thông tin về họ tên, ảnh, sau 3 tiếng anh video call (gọi điện thoại có hình ảnh để kiểm chứng) cho em hoặc gửi ảnh thẻ. 4 ngày sau, thẻ đến tận tay em”.
Để chào hàng thành công, T gửi cho chúng tôi xem trước một số mẫu thẻ nhà báo mà y làm giả. Quả thật loại thẻ này rất khó để phân biệt bằng mắt thường, nếu không kiểm tra hồ sơ gốc. Thẻ này về hình thức giống Thẻ nhà báo hiện hành đến 100%, có ảnh, có tên tuổi, chức danh của một nhà báo thuộc một tờ báo Điện tử lâu đời và có vị thế lớn tại Hà Nội (tất nhiên, nó là thẻ giả).
Về cách thức giao dịch, T yêu cầu chúng tôi chuyển 1,2 triệu qua ATM, sau đó khoảng 3 giờ sẽ có mẫu thẻ in tên, ảnh và đơn vị, tòa soạn công tác. Khi nhận thẻ, khách hàng thanh toán nốt số tiền còn lại. Với thẻ ngành công an, T cho biết cách thức giao dịch cũng tương tự như vậy.
Các bản chat cho thấy, với giá 3,5 triệu đồng, "Thẻ nhà báo" sẽ đưa giao tận nhà khách hàng, với "lương tâm" của người làm hàng giả rất "lớn lao".
T tâm sự anh ta nhận được không dưới 20 đơn hàng từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. T và các đối tượng tương tự bấy lâu nay vẫn nhởn nhơ mỗi ngày chào hàng, làm giả hàng chục các loại giấy tờ khác nhau. Trong khi chúng tôi có thể tiếp cận các đối tượng và mua hàng một cách dễ dàng như vậy thì có một dấu hỏi đặt ra: bắt giữ những “ma bùn” như T có khó quá không?
Trong một dịp cơ quan công an tiếp cận với chúng tôi để thu thập tài liệu về các đối tượng này, họ cho biết, bắt được “ông trùm” không dễ, vì chúng giao dịch qua nhiều mắt xích không biết nhau, nếu bắt vào lúc giao hàng thì chỉ tóm được “ông xe ôm”.
Quả là không dễ, nhưng chắc là không khó đến mức không làm được. Tháng 8 năm 2018, Huỳnh Ngọc Vũ (ngụ TPHCM) bị phát hiện dùng thẻ giả với ảnh Vũ và tên Vũ, cũng như chức danh đàng hoàng, ghi rõ Vũ là người của: “Tổng Cục phản gián, Bộ Công an”. Vũ đem thẻ ấy ra để “dọa” cảnh sát giao thông, khi chạy xe quá tốc độ trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu và bị xử lý. Vũ khai, mua thẻ này với giá 1 triệu đồng! Ông “cán bộ ngoại tuyến B54, Tổng Cục 5” (rởm) này đã bị xử lý nghiêm, còn các đường dây cung cấp thẻ giả thì vẫn... ung dung thu bộn tiền?
Một "Thẻ nhà báo" (giả) được đối tượng coi là hoàn chỉnh được đưa chúng tôi làm mẫu, vì nhiều lý do, người biên tập phải xóa bớt các thông tin "thật hơn cả sự thật" ghi trên thẻ.
Bằng đại học, Giấy tờ giả, Hộ khẩu giả, Lừa đảo, Thẻ giả, Thẻ ngành công an, Thẻ nhà báo, Tuyệt chiêu lừa đảo